ClockThứ Ba, 09/02/2016 06:35

Còn ai đội nón...

TTH - Một đoàn khách nước ngoài đến Huế đã đề nghị cô hướng dẫn viên đưa đến tham quan nơi làm ra chiếc nón bài thơ mà cô gái Huế này đang đội trên đầu. Cô hướng dẫn viên hết sức bối rối, bởi chiếc nón này cô mua ở chợ Đông Ba, còn là nón của làng nào thì ngay các bà hàng nón cũng không nói chính xác được. Huế có đến hàng chục làng chuyên chằm nón: Tây Hồ, Phủ Cam, Triều Sơn, Hương Cần, Dạ Lê, Nong, Truồi...
Nét thơ xứ Huế. Ảnh: Bảo Minh

Không thể nói rằng nón làng nào đẹp hơn làng nào, bởi làng nào cũng lắm thợ khéo và cũng không thể tránh được thợ vụng; mấu chốt là ở chỗ “đơn đặt hàng”. Nếu là hàng chợ thì thợ tay ngang, tre lá cũng phẩm cấp thấp hơn; còn nếu là hàng đặt thì giao cho thợ giỏi, vật liệu đương nhiên phải là thứ chọn lựa. Bạn cần một chiếc nón bài thơ xứ Huế tuyệt tác ư? Hãy đặt cho các cô thợ một số tiền xứng đáng, họ sẵn sàng bỏ ra mười ngày nửa tháng để nắn nót từng mũi kim, đảm bảo không thể chê chỗ nào được!

Tôi dài dòng như thế là để đính chính một vài ngộ nhận, khi tình cờ gặp phải chiếc nón Phủ Cam đẹp đã quả quyết Huế chỉ có nón Phủ Cam, hoặc vô tình mua nhằm chiếc nón xấu từ làng Hương Cần đã vội lắc đầu “làng nớ mà chằm nón cái chi?”. Xin thưa rằng, “nón Huế” là một chiếc nón do mỗi làng góp vào đó một chiếc vành, một ngọn lá, vài đường kim... qua mấy trăm năm như thế mà dần dà tạo nên.

Nếu có một nghề thủ công nào ở Huế có nhiều người làm nhất thì đó chính là nghề chằm nón. (Chứ không phải là nghề mộc, nghề may đâu nhé!). Bởi vì, đó là nghề của các mệ, các mạ, các dì, các chị, các em và các cháu, không chỉ thế mà còn là nghề của các anh, các em trai. Là nghề của người nghèo ít vốn, nghề của buổi nông nhàn, nghề tranh thủ thời gian lúc nghỉ trưa, nghỉ tối...

Phụ nữ Huế và chiếc nón. Ảnh: Tư liệu

Đến chơi làng nón, bạn sẽ thấy quang cảnh nam - phụ - lão - ấu quây quần bên những khung nón; người “cứng tay” thì chẻ tre, phơi lá, ủi lá, đánh dầu; còn cái việc ngồi tỉ mẩn khâu từng mũi kim lên ngọn lá nón thì phải dành cho người “mềm tay”. Ngay ở các làng chuyên nghề nông thì thế nào cũng có vài chục người đàn bà theo nghề chằm nón. Nón - một mặt hàng tự cung tự cấp của người dân làng từ bao nhiêu đời qua, cũng giống như hạt gạo, củ khoai vậy. Những năm khó khăn “cơm thua gạo kém”, nhiều cô giáo ở các làng quê xứ Huế nhờ nghề chằm nón mà trụ được với bục giảng. Sau giờ lên lớp là về với... nón. Đã có những thầy giáo ở Truồi nhờ khéo tay lại sức vóc đàn ông mà khá lên như là một “hiện tượng”, bằng cái nghề gọi là “chỉ đủ ăn” này...  

Và những năm tháng như thế cũng đã qua, bây giờ nghề chằm nón đã trở về lặng lẽ như là thứ công việc nhẹ nhàng dành cho người phụ nữ xứ Huế. Vâng, cùng với may vá, thêu thùa, việc chằm nón đã tạo cho các cô gái Huế một nét dịu dàng, thuỳ mị khiến các chàng du khách không thể ồn ào trước họ. Rất nhiều lần trò chuyện với chúng tôi, các chị, các em ở làng nón Phủ Cam, Tây Hồ, Dạ Lê... đều cùng một tâm sự, rằng họ rất yêu và rất thích đựơc sống bằng cái nghề truyền thống này, nhưng càng ngày càng trở nên khó quá. “Anh coi bây giờ người ta đội mũ nhiều hay đội nón nhiều? Ai cũng khen nón đẹp nhưng ai cũng thích đội cái mũ cho nó tiện lợi hơn!” - cô Thúy thợ nón Phủ Cam ngậm ngùi nói.

Mà sao các chị, các em bán nón trong chợ Đông Ba cũng toàn là đội mũ?

Và các cô gái Huế bây giờ phần nhiều đều đi xe máy, thì dù có muốn cũng không thể đội nón lá được.

“Nón rất Huế nhưng đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Bất giác tôi chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của Thu Bồn. Hình như thi ca âm nhạc đang ca ngợi vẻ đẹp của chiếc nón bài thơ xứ Huế như là câu chuyện cổ tích của một thời?...

Minh Tự

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một chiều xứ Huế

Đi qua khu nghĩa trang mênh mông có đường lên Chín Hầm điểm những vạt thông biếc xanh như những chiếc ô trời che nơi cõi tịnh.

Một chiều xứ Huế
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế
Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế

Không chỉ góp phần làm rạng danh và đưa thương hiệu thể thao vang xa, đội ngũ những VĐV là thành viên đội tuyển quốc gia còn là nguồn lực để phát triển lâu dài và bền vững thể thao xứ Huế.

Những người làm rạng danh thể thao xứ Huế
Return to top