ClockThứ Sáu, 16/12/2022 22:15

Công nghiệp văn hóa với kinh đô áo dài Huế

TTH - Một khi xã hội càng phát triển, các nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, nhân loại càng đặt ra nhu cầu “sáng tạo” từ vai trò cá nhân người nghệ sĩ, để bồi bổ, tái tạo môi trường sống theo hướng kỹ nghệ hóa - công nghiệp văn hóa, thành một trung tâm để tụ hội và lan tỏa giá trị, gắn liền nhu cầu sản xuất, tạo ra sản phẩm.

Xây dựng “Huế - Kinh đô áo dài”: Còn nhiều việc phải làmTạo cơ hội để phụ nữ đóng góp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế

 Áo dài trong cuộc sống hiện đại. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Công nghiệp văn hóa cần được hiểu là sự hội tụ có tính bổ trợ đồng bộ của tư duy quản trị điều hành, công nghệ, máy móc, trang thiết bị và đặc biệt trọng tâm ở vấn đề con người với tư cách là nghệ nhân. Công nghiệp văn hóa là khâu trung gian để chuyển hóa hữu hiệu di sản văn hóa trở thành sản phẩm thương mại, nhất là sản phẩm du lịch, trong vai trò một trung tâm văn hóa du lịch như Cố đô Huế. Trong tổng thể bức tranh di sản văn hóa truyền thống Huế, có thể coi ẩm thực và những ngành nghề thủ công tinh xảo - tiêu biểu với thượng phẩm áo dài... là nguồn dữ liệu có tính khả thi cao để chuyển hóa thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Từ vai trò trung tâm của một vùng dinh phủ Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Kinh đô cả nước thời Tây Sơn, thời Nguyễn, Huế hội tụ tinh hoa cả nước, thể hiện rõ nét trên nhiều phương diện, nhất là trang phục, trên các khía cạnh hành chính, lễ nghi hay tôn giáo tín ngưỡng... Từ đó, chỉ riêng trong trang phục, xứ Huế là một bức tranh lễ phục và thường phục phong phú và đa dạng từ loại hình, phong cách, kiểu dáng, chất liệu, tính chất, họa tiết trang trí...

Từ một vị tổng trấn, chúa Tiên từ khi đến sông Hương, được Bà Trời Áo Đỏ trợ lực để khai sinh chùa Thiên Mụ với sứ mệnh tư tưởng của Phật giáo, đã nhận ra được Hải Vân là yết hầu miền Thuận Quảng, mở ra cơ nghiệp to lớn để từ Sãi vương đến Võ vương hiện thực hóa dần khát vọng xây dựng đất mới Đàng Trong. Lời sấm truyền “bát thế hoàn Trung đô” được hóa giải bằng việc xưng vương, cải đổi phong tục, nhu cầu điển chế hóa vấn đề trang phục đã được chính thức đặt ra từ giữa thế kỷ XVIII. Điểm cốt lõi là Võ vương đã quyết định cho thay thế lối ăn mặc bình dị tới mức luộm thuộm tương tự của người miền ngoài bằng lối ăn mặc chải chuốt, sang trọng mang dấu ấn Minh phục có cải biên, ứng chế cho phù hợp với vùng đất mới.

Nam Phương hoàng hậu cùng các con trong trang phục áo dài cổ điển Ảnh: THANH PHONG (phục hồi)

Nhu cầu cải cách lại được đặt ra thời Minh Mạng, về sau càng được bổ sung bởi nhiều lệ định, điển chế hóa, làm cho vấn đề lễ phục - trang phục được quy định chi tiết, chặt chẽ hơn. Nhờ vậy, Kinh đô Huế thực sự là một trung tâm lễ phục điển hình, với sự hội tụ của triều đình, hoàng gia, quan lại, quý tộc thượng lưu cùng nhiều giai tầng xã hội. Trang phục không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đặc biệt đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và pháp lý, luân lý của xã hội, gắn liền việc phân định danh phận, vị thế, vai trò cá nhân, giai tầng trong xã hội.

Làn sóng áo dài tân thời thập niên 1930 của Cát Tường Le Mur từ Hà Nội đã nhanh chóng lan rộng khắp cả nước và chốn Kinh sư cũng có cách tiếp nhận, cải biến nhẹ nhàng, tinh tế, phù hợp. Nhờ môi trường điển chế khắt khe, sự hòa hợp thâm nghiêm, sang trọng tinh tế môi trường tự nhiên - xã hội... đã hun đúc, tạo nên căn tính Huế nhẹ nhàng, khoan thai, uyên thâm. Áo dài - lễ phục đã kết tinh ở Huế một danh phận đặc biệt, làm nên sứ mệnh riêng có, với nhiều kiểu dáng, hình hài đặc biệt (Phạm Thảo Nguyên, Áo dài Le Mur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay, TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Hồng Đức, 2018).

Trong chuyến đi quảng bá xuyên Việt năm 1935, áo dài Le Mur đã được xứ Huế đón nhận, bởi họ rất chuộng, chú trọng ăn mặc, màu sắc, chất liệu..., nhất là từ tác động tiên phong của nhiều bậc tôn nữ, tiêu biểu như Công Tằng Tôn Nữ Trinh Diêu, rồi được vô Nội, gặp gỡ và thiết kế, may nhiều sản phẩm độc đáo cho hoàng hậu Nam Phương. Từ đây, nữ phục Việt Nam được hoàn chỉnh, từ quần cho đến tà áo, cổ áo, kết hợp hài hòa với đôi guốc mộc/giày cao gót, áo ngực, đầu tóc, mũ nón...

Chắt lọc những giá trị riêng có để định hình nên cốt cách, bản lĩnh, bản sắc và thường xuyên tiếp thu tinh hoa hội tụ từ bên ngoài để làm giàu lên những hệ giá trị bền vững đó, giải quyết hài hòa mối quan hệ di sản văn hóa và sản phẩm du lịch là vấn đề then chốt mà Huế - Kinh đô áo dài cần hướng đến trong sứ mệnh chuyển hóa nội lực văn hóa thành nguồn lực kinh tế - du lịch, trong những không gian lễ phục độc đáo của đất Cố đô.

Từ sự chi phối của điển chế nghiêm ngặt, khắt khe cùng sự tác động nghiệt ngã của khí hậu đã góp phần hun đúc nên đôi tay và khối óc tài hoa, tỉ mẩn, chịu thương chịu khó của người thợ may - người nghệ sĩ chốn Cố đô. Kinh đô áo dài trước tiên phải được dữ liệu hóa thành những nét đặc trưng nổi bật trong kỹ thuật may đo, nghệ thuật trang trí, phong thái thể hiện; khảo sát thực trạng đội ngũ nghệ nhân lành nghề xưa nay (ở Huế, các tỉnh, thành khác) để thấy được nhu cầu đào tạo, trao truyền tinh hoa nghề may cũng như môi trường sống, làm việc của người thợ - nghệ nhân. Đó là tiền đề để kiến tạo nên những không gian sáng tạo đặc trưng, phù hợp, có sự hỗ trợ thiết thực, hữu hiệu của máy móc, trang thiết bị hiện đại và cả nếp nghĩ, tư duy quản trị trong sản xuất, điều hành và phân phối, tiêu thụ sản phẩm.

Từ hành trang truyền thống, di sản văn hóa áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm đặc biệt, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống của người nghệ sĩ để thiết thực trở lại bảo tồn và phát triển tinh hoa áo dài, đúng nghĩa theo tinh thần phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững.

TS. TRẦN ĐÌNH HẰNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài Huế và huyền thoại chim phụng

Tiếp tục tôn vinh và khẳng định vị thế Huế Kinh đô áo dài và hướng đến sự kiện Huế-thành phố trực thuộc trung ương, Chương trình nghệ thuật Áo dài Huế 2024 tạo cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng vẻ đẹp Huế gắn với xây dựng và phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc.

Áo dài Huế và huyền thoại chim phụng
Sau Di sản quốc gia, áo dài Huế hướng đến Di sản nhân loại

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là vinh dự, tự hào mà còn khẳng định áo dài Huế luôn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, có sức sống mãnh liệt trong suốt chiều dài lịch sử - ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã nhấn mạnh như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần khi chia sẻ về câu chuyện áo dài vừa được ghi danh.

Sau Di sản quốc gia, áo dài Huế hướng đến Di sản nhân loại
Áo dài trong đời sống Huế

Suốt dọc dài dải đất chữ S của đất nước Việt Nam, áo dài miền nào cũng có. Nhưng riêng với xứ Huế, tà áo dài đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người nơi đây. Một dấu mốc quan trọng của trang phục áo dài Huế là vào năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi ở Phú Xuân đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Sang Triều Nguyễn, triều đình đã ban bố lệnh, tạo cơ hội cho phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung mặc áo dài thường xuyên. Theo đó, truyền thống mang áo dài dần đi vào nếp sống hằng ngày của người dân.

Áo dài trong đời sống Huế
Truyền cảm hứng qua tà áo dài Việt

Chuỗi hoạt động “Dân vũ và áo dài”; tuần hành “Áo dài trên đường quê” diễn ra chiều 28/6 tại điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh), thu hút hàng trăm hội viên cùng đông đảo người dân, du khách tham dự.

Truyền cảm hứng qua tà áo dài Việt
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng

TIN MỚI

Return to top