Một góc công viên Thương Bạc (ảnh minh họa)
Cung quán ở phía đông Kinh thành
Ông J.B.Roux trong bài viết “Một số dinh thự của Huế cổ: sứ quán, phủ Thừa Thiên” (BAVH, tập 2, Nxb Thuận Hóa 1997) cho biết, thời Gia Long đã có Cung quán bởi các sứ giả lúc ấy đã đến bang giao khá đông. Nhà nghiên cứu Võ Hương An ghi nhận trong “Từ điển nhà Nguyễn”: Thời Gia Long cơ quan Tào vụ (tàu vụ) lo về ngoại thương và ngoại giao, Trường đà lo việc vận chuyển hàng hoá của Nhà nước bằng thuyền. Năm 1822, vua Minh Mạng đổi Tào vụ làm Thương Bạc sự vụ, đổi Trường đà làm Tào chính. Trụ sở ban đầu của Thương Bạc nằm trong Kinh thành, phía đông Quốc Sử quán. Năm 1832, vua Minh Mạng cho sáp nhập Thương Bạc vào Bộ Hộ và lấy cơ sở này làm Ty Thông Chánh Sứ.
Nhà Nguyễn có xây dựng cơ sở dùng làm nơi tiếp đón phái bộ của các nước lân bang, gọi là Cung quán. Tài liệu đầu tiên mà J.B.Roux tiếp xúc có từ “Cung quán” là từ đời Minh Mạng, trong lá thư của linh mục Gagelin viết năm 1828. Trong thư có kể triều đình tổ chức lễ lục tuần cho Hoàng Thái hậu vào tháng 12/1827, vua Minh Mạng muốn buổi lễ long trọng đã mời tất cả đại sứ các nước, các dân tộc có triều cống như Champa, Cao Miên, Mường… Ông J.B.Roux cũng dẫn lời ông Nguyễn Đình Hòe, Hiệu trưởng Trường Hậu Bổ-Huế lúc đó cho biết: Cung quán trước đó nằm ở khu vực phía đông Kinh Thành, giữa cầu Kho và cầu Thanh Long, ngay trước mặt đồn Mang Cá là trụ sở để đón tiếp các sứ thần nước ngoài.
Công năng của Cung quán theo nhiều tư liệu cho thấy, ban đầu có nhiệm vụ liên lạc ngoại giao và trông coi ngoại thương. Phải đến thời Tự Đức (1875) mới chuyên hẳn về ngoại giao.
Cũng nói thêm, thời Minh Mạng, vua không theo nếp của Tiên đế Gia Long, tỏ ra ít thiện cảm với người Pháp nên quan chức người Pháp phục vụ Gia Long chán nản bỏ đi gần hết. Các linh mục chỉ có 3 người ở lại Cung quán, đó là ông Gegelin, ông Jaccard ở Hội Truyền giáo nước ngoài, ông Odorico ở dòng Phan- xi-cô (Ý) ...
Ông J.B.Roux cho biết, dưới thời Tự Đức, theo mô tả của một người đã thấy, Cung quán là một ngôi nhà xinh đẹp có ba gian lợp ngói. Giữa cổng vào có sân rộng, mỗi bên có một nhà phụ để cho người phục dịch các khách lạ. Tuy nhiên, từ 1875 nó bị chuyển đi, về sau nơi đây lại thành một chi nhánh của nhà lao Phủ Thừa Thiên. Đến 1885, bị cháy rụi trong những ngày Thất thủ Kinh đô. Từ sau đó, chỗ Cung quán ở gần cửa Kẻ Trài đến năm 1915 đã không thấy dấu tích gì nữa.
Trở thành Thương Bạc viện
Năm 1874, Vua Tự Đức đã phải ký kết Hoà ước Giáp Tuất cho thấy sự yếu đuối, bất lực của triều đình Huế: mất đi phần quan trọng trong chủ quyền lãnh thổ, ngoại giao và thương mại. Hiệp ước Giáp Tuất đã biến nước ta thành một nửa thuộc địa của Pháp. Sau khi ký Hoà ước Giáp Tuất, vua Tự Đức thấy nhà Cung quán nằm cạnh Hoàng thành để cho người Tây phương vô ra bất tiện, nên năm 1875 đã ra lệnh dời Cung quán ra ngoài thành, đặt bên trái cửa Thượng Tứ (nhìn từ trong ra, nay là Nhà văn hoá thành phố Huế) và đặt tên Thương Bạc viện, thuộc Bộ Lễ, chuyên trách liên lạc ngoại giao.
Thương Bạc có 3 tòa nhà chính. Nhà giữa làm nơi tiếp sứ, nhà bên phải dành cho Ty Hành Nhơn, nhà bên trái dành cho Ty Thương Bạc. Ngoài ra còn có các nhà phụ làm nơi cư ngụ cho các viên chức, nhân viên.
Các phái đoàn ngoại giao của Pháp và Tây Ban Nha khi đến Huế cư ngụ tại nhà Sứ quán nằm ở hữu ngạn sông Hương, dùng thuyền qua sông, lên bờ tại bến Thương Bạc bây giờ để giao dịch với triều đình Huế tại Thương Bạc viện.
Ngày 6/6/1884, trên một chiếc tàu đậu giữa sông Hương, trước Thương Bạc, đại diện nhà Nguyễn là các đại thần: Nguyễn Văn Tường, Phạm Thuận Duật, Tôn Thất Phan; đại diện Pháp là Đại sứ Patenôtre đã ký kết Hòa ước Patenôtre, còn gọi là Hòa ước Giáp Thân. Đây là hòa ước cuối cùng nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp để công nhận sự đầu hàng của mình.
Sau ngày Kinh đô Huế thất thủ (23 tháng 5 Âm lịch năm 1885), Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), Thương Bạc không còn được dùng làm nơi đón tiếp các sứ giả nước ngoài nữa, mà lần lượt làm bản doanh của quân đội Pháp, tiếp đến được làm phủ của Nguyễn Văn Tường, rồi thành Trường Hậu Bổ, Trường Uyên Bác, và cuối cùng làm Viện Cổ học, trước khi nó bị bỏ hoang rồi sụp đổ dưới triều vua Bảo Đại.
Năm 1936, vua Bảo Đại cho dựng lên bên bờ sông Hương, đối diện cửa Thượng Tứ và gần vị trí Thương Bạc viện xưa, một tiểu đình hình bát giác bằng các vật liệu mới (xi măng, cốt thép), để ghi nhớ di tích ấy. Toàn bộ công trình được dựng trên một nền vuông cao 1,3m, xung quanh có lan can, mặt trước và mặt sau đều có gắn chữ Thương Bạc đúc bằng xi măng. Phần trên là một lầu hình vuông không cao lắm. Phía trong là sân rộng, xây hai hồ bằng xi măng có đắp giả sơn, đứng chầu hai bên hồ cân đối với tòa nhà là bốn con rồng đá chạm trổ tinh vi; hướng ra ngoài phố là 4 trụ biểu hình vuông cao lớn, trên đỉnh đều gắn bông sen, trên mỗi trụ biểu còn gắn câu đối bằng sành sứ ghi lại cảnh đẹp trù phú của Kinh đô Huế… Như vậy, Thương Bạc đình là công trình kỷ niệm bến sông ngoại giao năm xưa chứ không phải là trụ sở cũ của cơ quan Thương Bạc viện.
Bài: HỒ HOÀNG THẢO - Ảnh: ĐĂNG TUYÊN