ClockThứ Tư, 14/03/2018 22:03
NGHỆ NHÂN ƯU TÚ MINH MẪN:

Dành trọn cuộc đời cho ca Huế

TTH - Tối 13/3, nghệ nhân ưu tú Minh Mẫn – cây đại thụ của ca Huế đã chia tay cõi trần vào lúc 21 giờ 50 phút, hưởng thượng thượng thọ 93 tuổi, để lại cho người mộ điệu ca Huế nỗi nuối tiếc về một nghệ sĩ tài danh.

Một đời ca HuếCa Huế là tình Huế

Nghệ nhân ưu tú Minh Mẫn (ngoài cùng bên phải) tham dự một chương trình biểu diễn ca Huế

Sinh năm 1925, nghệ nhân ưu tú Minh Mẫn là “báu vật sống” đã cống hiến cả đời để giữ gìn nghệ thuật ca Huế truyền thống. Từ thuở ấu thơ cho đến khi trở thành cô hàng xén tuổi mười lăm, mười sáu, Minh Mẫn đã thực sự đam mê âm nhạc truyền thống Huế. Qua bao bể dâu của cuộc đời nhưng với bà, niềm đam mê dành cho ca Huế chưa bao giờ vơi cạn.

Sinh thời, nghệ nhân từng chia sẻ: “15 tuổi, mệ đã mê đắm ca Huế nhưng bởi định kiến “xướng ca vô loài”, ông thân mệ cấm cản nhất quyết không cho. Không còn cách nào khác, sau mỗi buổi chợ, mệ lại tranh thủ ghé vào những nơi người ta đang đàn hát để xin ca vài bài, rồi trốn nhà đi học ca. Niềm yêu ca Huế cứ rứa ngấm vào máu thịt, đến chừ cũng đã hơn 70 năm”.

Từ năm 15 tuổi, nhiều người mê ca Huế biết đến Minh Mẫn bởi giọng ca khỏe, trong, vang....như rút ruột. Ngày đó, tiếng đàn bầu, đàn tranh, tiếng sanh tiền hòa điệu cùng giọng ca trữ tình của bà khiến ai nghe cũng cảm thấy không gian quanh mình trở nên mênh mang, diệu vợi...

Khi nói về bà, nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế thính phòng chia sẻ: “Tuy không được đào tạo từ các trường lớp chính quy như thế hệ trẻ sau này, nhưng với niềm ham thích nghệ thuật âm nhạc dân tộc, cộng thêm tư chất thông minh, sự hiếu học, ham ca nên các buổi ca hát của các nghệ nhân chân truyền đã tạo điều kiện cho Minh Mẫn gắn bó, thiết tha với nghề cầm ca, với giai điệu quê hương. Khi mới 17 tuổi, Minh Mẫn đã sớm nổi tiếng như một diễn viên ca Huế thực thụ”. Ông kể, qua làn sóng Đài phát thanh Huế trước 1975, qua Câu lạc bộ Ca Huế thuộc Nhà văn hóa Huế từ những năm đầu giải phóng, giọng ca Minh Mẫn đã làm say đắm, mê mẩn nhiều người am hiểu thưởng thức ca Huế. Những bài bản lớn “Cổ bản”, “Phẩm tuyết”, “Nguyên tiêu”...; những làn điệu “Quả phụ”, “Lý bốn cửa quyền”... qua giọng ca Minh Mẫn trở thành máu thịt trong lòng người mộ điệu.

Không chỉ ca, nghệ nhân Minh Mẫn còn là người thầy truyền nhiệt huyết cho nhiều thế hệ học trò mê môn nghệ thuật ca Huế, đào tạo nhiều lớp học trò học ca Huế theo lối truyền khẩu. Bà còn nhiều lần giúp giới nghiên cứu, sưu tầm nhã nhạc, ca Huế ghi âm, thu băng hình, chỉnh lý nội dung, ca từ, hệ thống một số bài bản ca Huế tưởng đã thất truyền.

Ở tuổi xấp xỉ 90, nghệ nhân Minh Mẫn bị thoái hóa cột sống nên đi lại khó khăn. Ấy thế mà, mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, bà vẫn ngồi xích lô, chống gậy đến nhà của nhà văn Bửu Ý để được rung ngân từng làn điệu, đến Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Xuân Phú để truyền niềm đam mê ca Huế cho lớp trẻ. Hàng ngày, bà vẫn say sưa với ca Huế một cách lặng lẽ, tự hát cho mình nghe hoặc lấy cuốn sổ chép các bài bản ca Huế ra nghiên cứu.

Tôi nhớ mãi câu chuyện với nghệ nhân Minh Mẫn khi đến thăm bà trong căn nhà nhỏ trên đường Nhật Lệ cách đây mấy năm. Nghệ nhân say sưa kể về quãng đời hoạt động ca Huế của mình, từ những ngày trốn cha đi học hát đến những mong mỏi truyền nghề cho thế hệ hậu bối. Đau đáu trong lòng là nỗi lo bà không còn nhiều thời gian, một khi mất đi mà chưa truyền được hết di sản ca Huế cho lớp sau thì tiếc lắm.

Hơn 70 năm ca Huế của nghệ nhân Minh Mẫn là một quãng đường dài, có mồ hôi, nước mắt và bao nhọc nhằn của phận ca nữ để dành tình yêu và niềm đam mê trọn đời phục vụ ca Huế.

Nhà thơ Võ Quê bày tỏ: “Sự ra đi vĩnh viễn của người nghệ sĩ tài danh ấy là một tổn thất lớn trong lòng người mộ điệu!”.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương nhìn chung đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của du khách thông thường. Trải nghiệm ca Huế trên sông Hương tạo được những ấn tượng khó phai, khiến văn hóa Huế thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn du khách phương xa. Dịch vụ ca Huế trên sông Hương dù vấp phải những ý kiến trái chiều, nhưng vẫn tiếp diễn đến hôm nay với tư cách là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân Huế, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế du lịch tại địa phương.

Trăn trở quản lý ca Huế trên sông Hương
Sai sai, ngược ngược…

Tuần vừa rồi, tôi có dịp trở lại thành phố Đà Lạt, được thưởng thức đêm cồng chiêng dưới chân núi Langbiang huyền thoại - một trong những hoạt động được đánh giá là hấp dẫn nhất về đêm tại thành phố ngàn hoa.

Sai sai, ngược ngược…
Ca Huế trên sông Hương: "Cha chung không ai khóc"

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ca Huế bát nháo như hiện nay là sự phân tán quản lý với quá nhiều cơ quan và đơn vị cùng tham gia, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ca Huế trên sông Hương  Cha chung không ai khóc
Vẫn chuyện ca Huế trên sông Hương

Đã đến lúc cần cân đo đong đếm giữa bài toán kinh tế mà ca Huế trên sông Hương đem lại với việc bảo tồn, gìn giữ một di sản độc nhất, vô nhị như ca Huế.

Vẫn chuyện ca Huế trên sông Hương
Return to top