ClockThứ Ba, 21/01/2020 10:32

Dấu ấn làng quê trong đô thị Huế

TTH - “Huế là một đồng quê chấp nhận sự tồn tại của những ngôi nhà đô thị”, Françoise Corrèze - nhà nghiên cứu, nữ thi sĩ người Pháp đã nói như vậy.

Làng cổ Mỹ Lợi, nét đẹp một vùng quêKhông gian văn hóa

Bờ Bắc sông Hương với hệ thống kiến trúc cảnh quan cần được giữ gìn

Tôi đã nghe câu nói này vào một ngày mùa xuân mười bảy năm trước và cảm thấy vô cùng thích thú với lời nhận xét rất độc đáo của nữ thi sĩ người Pháp này. Lúc đó là tháng 3/2002, cuộc hội thảo “Tạo lập diện mạo kiến trúc đô thị đặc trưng cho thành phố Huế” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Thừa Thiên Huế tổ chức đã trở thành một cuộc tề tựu đông đảo anh hào kiến trúc Việt để trả lời lại một lần nữa câu hỏi tưởng chừng như đã rõ ràng từ hơn 300 năm trước: đô thị kiểu Huế là kiểu đô thị gì?

KTS. Nguyễn Thế Truyền, lúc đó là Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiêm Chủ tịch Hội KTS Thừa Thiên Huế, trong bài tham luận “Thành phố di sản và vấn đề đặt ra với kiến trúc Huế”, đã nhắc lại lời của Françoise Corrèze, để nói đến sự hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên như thế là mặc định của tạo hóa, là “kiệt tác thơ kiến trúc đô thị” như nhận xét của ông A.M. M’Bow - Tổng Giám đốc UNESCO. Chất thơ đó từ đâu mà có? Từ sông núi hữu tình tự thuở đất trời khai lập, từ hoa lá cỏ cây trước sân sau nhà ngoài công viên, từ những khu vườn xanh mướt nằm ngay giữa lòng thành phố và nối dài về tận làng quê. Vâng, đó chính là hình ảnh của làng quê nơi phố thị, hay nói chính xác hơn, đó là một thành phố mọc lên trên những làng quê một thuở.

“Huế không có vẻ gì là một thành phố theo đúng nghĩa hiện tại của nó, mà là một tập hợp những vườn cây, nổi lên giữa đó là những mái nhà... Nếu Hà Nội là thành thị với những mảnh nông thôn xâm nhập vào, thì Huế là đồng quê nhưng chấp nhận sự tồn tại của những ngôi nhà đô thị và bị những ngôi nhà này điều chỉnh lại cảnh quan...”. Đó là một đoạn trong bài “Huế hiện tại trong quá khứ” mà Françoise Corrèze viết vào năm 1985 sau chuyến đi đầu tiên đến Huế, đăng trên tạp chí Sông Hương tháng 8/1985.

Trước khi phố phường xuất hiện, Huế là làng quê. Huế đã rất vui lòng đón nhận vẻ đẹp tân kỳ của những ngôi nhà Tây phương mọc lên trên đất của những làng mạc An Cựu, Dương Xuân, Kim Long, Vỹ Dạ và chấp nhận điều chỉnh lại ngôi làng cho phù hợp với kiểu phố xá châu Âu, để làm giàu thêm tài sản của mình. Nhưng dù có thay đổi ngôi nhà rường bằng ngôi biệt thự kiểu Pháp thì ngôi nhà Huế vẫn không rời khỏi những khu vườn với đủ các loại cây cối hoa lá được sắp đặt theo quy tắc phong thủy với bức bình phong luôn án ngữ trước nhà.

Huế là ngôi làng đã mở lòng dạ đón nhận văn minh đô thị của Tây phương để sinh ra một thành phố trong một khu vườn có cây đa, mái đình và lũy tre xanh Việt. Nếu bạn đọc lại bản lý lịch của đô thị ấy thì sẽ thấy Huế đúng như vậy - một cái làng - với đầy đủ ý nghĩa tự nhiên, xã hội của nó.

Du khách thăm nhà vườn Thủy Biều

Kinh thành Huế - kinh đô Phú Xuân chẳng phải là nằm trên đất của làng Phú Xuân và bảy làng (Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hoà, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại) của tổng Phú Xuân thuộc huyện Hương Trà đấy sao? Năm đó, 1687 chúa Nguyễn Phúc Thái đã quyết định dời đô từ phủ Kim Long về định đô tại làng Phú Xuân cách đó chưa đầy một dặm. Phủ Phú Xuân ra đời trên đất của làng Phú Xuân. Năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu dời thủ phủ về làng Bác Vọng, nhưng đến năm 1738 thì chúa Nguyễn Phúc Khoát lại dời thủ phủ về lại Phú Xuân xây dựng bề thế hơn và gọi là đô thành Phú Xuân.

Khi nhà Tây Sơn lên ngôi, lấy đô thành Phú Xuân làm kinh đô. Và kinh đô của nước Đại Việt bấy giờ cũng là tên của làng Phú Xuân. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh giành lại ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, tên nước là Việt Nam, và hai năm sau (1804) nhà vua đã khởi công xây dựng kinh thành ngay trên vùng đất Phú Xuân này. Cuộc đất đế đô của vương triều tồn tại gần 1,5 thế kỷ ấy là đất của 8 làng đã dời đi để cho ra đời một khu kinh thành quy mô rộng gần 500 hecta và chu vi gần 10 cây số.

*

Trong mỗi người Huế đều có một ngôi làng. Dấu ấn của làng đã hằn sâu trong tiềm thức, đã thấm đẫm trong máu thịt của người Huế. Trong câu chuyện của những người Huế khi mới gặp nhau lần đầu, bao giờ cũng có câu: “Anh chị người làng mô?”.

Nhiều người có hộ khẩu thường trú là phường Vĩnh Ninh, Phú Hội, hay sinh ra ở Tây Lộc, Thuận Thành, thì ông cố, ông sơ cũng là người từ làng lên phố. Có người bảy tám đời sinh ra ở phố, thậm chí nhà thờ họ tộc nằm ở ngay mặt tiền đường Hùng Vương, Nguyễn Trãi, nhưng gia phả vẫn ghi gốc làng từ Phong Điền, Quảng Điền vô hay từ Phú Lộc, Phú Vang lên. Ngày cuối năm, người phố lại hỏi nhau: “Anh về làng chạp mộ chưa?”.

Đó là với người đang sống ở phố xá Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Bến Nghé mà dấu vết làng quê dường như không còn nhìn thấy. Còn như người đang sống ở An Cựu, Vỹ Dạ, Kim Long thì làng của họ chính là phố, tên phường chính là tên làng.

*

Trong lời giới thiệu bộ sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, nhà sử học Trần Văn Giàu đúc kết rằng, nông nghiệp và xã thôn là vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong và lớn mạnh của dân tộc, nên cần tìm hiểu một cách sâu sắc và toàn diện. “Không chỉ để ôn cố tri tân, mà còn nhằm xây dựng một chiến lược phát triển hài hòa cho khắp nước và mỗi người dân, từ thể chất đến tinh thần, từ thành thị đến thôn quê”.

Xin nhắc lại điều đó để đừng bỏ quên di sản làng quê xứ Huế trong quy hoạch đô thị di sản. Và điều quan trọng hơn, đừng nhìn làng quê như hình ảnh của sự lạc hậu, và đô thị hóa là thực hiện giấc mơ ngàn đời của người dân quê. Điều đó sẽ dẫn đến cuộc thay thế ào ạt những lũy tre xanh, hàng chè tàu bằng những bức tường bờ lô xi măng khô cứng, vô cảm. Nếu không còn làng thì phố phường cũng trở nên bơ vơ như kẻ có nhà mà không quê!

Bài: Minh Tự

Ảnh: Khánh Đăng - L.Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
Cơ hội phía trước

Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở hiện hữu về diện tích tự nhiên, địa giới hành chính và quy mô dân số.

Cơ hội phía trước
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với từng địa phương; phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học và bền vững là vấn đề đặt ra trong phát triển chăn nuôi ở giai đoạn mới.

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

TIN MỚI

Return to top