ClockThứ Sáu, 11/03/2022 15:09

Di tích cách mạng trên con đường rợp bóng cây nhãn

Bìa “Tập văn Ngày Mai” in ở 45 Đinh Tiên Hoàng - TP. Huế

Từ “ngoài nội” mà vô “trong nội” có nhiều đường, nhưng đẹp nhất và nhiều ký ức Huế nhất vẫn là đường Đinh Tiên Hoàng, rợp bóng cây nhãn xanh. Từ ngoài cửa Thượng Tứ (xưa Pháp gọi là Mirador VIII) đi vô, con đường thẳng tắp một mạch từ Thương Bạc cho tới cầu Kho, ra đến cửa Hậu (Mirador I). Trước 1975 đường có tên là Đinh Bộ Lĩnh. Xưa kia con đường này có nhiều tên: đoạn từ Thương Bạc vô đến cửa Thượng Tứ, ngắn chỉ trăm mét, lại mang tên là Rue de la Citadelle, nhưng dân Huế chỉ gọi là đường Thượng Tứ. Đoạn này tuy ngắn nhưng có hai tiệm chụp hình nổi tiếng, từng chụp ảnh cho cung đình, nào Nam Phương hoàng hậu, vua Bảo Đại, rồi triều đình…, đó là hai hiệu ảnh Tôn Thất Dung và Tăng Vinh. Đường Thượng Tứ còn được người ta nhớ với tiệm ăn Lạc Thành và bánh “khoái” Lạc Thiện.

Từ cửa Thượng Tứ vô thấu đồn Mang Cá, hai bên đường thật sự là một khu trưng tập các di tích Cố đô lẫn di tích cách mạng. Ngoài Ngọ Môn, Kỳ Đài, Tam Tòa, di tích Lục Bộ còn sót lại, Quốc Tử Giám… còn có Tàng Thơ Lâu, hồ Tịnh Tâm, Khu Dãy trại nơi Bác Hồ ở thời còn nhỏ phía cuối đường… lâu nay được nhiều sách báo đề cập, bài viết này xin giới thiệu thêm vài địa chỉ di tích mà hiện không nhiều người biết đến:

- Diễn Quân Trường: Thao trường của đơn vị bảo vệ Kinh thành, nằm ở bãi đất trống trước Ngọ Môn đến chân Kỳ Đài. Tại đây ngoài khóa học thường ngày, hằng năm đều có tổ chức hội diễn chung của các thứ quân nên còn gọi là Hội Quân Trường. Cũng tại đây, ngày 30/8/1945, Nhân dân Thừa Thiên Huế đã chứng kiến giờ phút lịch sử trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại, chấm dứt vĩnh viễn chế độ phong kiến Việt Nam.

- Địa chỉ 45 Đinh Tiên Hoàng: Tập văn Ngày Mai (do Thành ủy Huế chỉ đạo) in tại nhà in ở 45 Đinh Tiên Hoàng. Thành ủy Huế lãnh đạo phong trào Hòa Bình của nhân sĩ trí thức yêu nước qua một ban cán sự, gồm bác sĩ Thân Trọng Phước, các giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm, nhà văn Võ Đình Cường. Ban cán sự này là gạch nối giữa Tỉnh ủy, Thành ủy Huế với các cơ sở cốt cán, như bác sĩ Lê Khắc Quyến, bác sĩ Hoàng Bá, bác sĩ Phạm Bá Viên, nhân sĩ Bửu Đáp, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, nhân sĩ Vĩnh Tú, các nhà doanh nghiệp Lê Hữu Trí, Phan Thanh Tường (Thiên Tường), Nguyễn Ban, Nguyễn Văn Hải, Ngô Đề, Lê Bá Hàn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, họa sĩ Phạm Đăng Trí, nhà giáo dạy tiếng Anh Tôn Thất Hanh, nhà báo Phạm Bá Nguyên và nhiều vị khác... Ngày Mai tập 1 do các đồng chí Tư Minh, Ngô Lén chỉ đạo. Ngày 24/2/1955, Tập văn Ngày Mai, cùng những ấn phẩm khác thuộc phong trào Hòa Bình tại Thừa Thiên Huế bị nhà cầm quyền sở tại đề nghị thu hồi giấy phép xuất bản

- Niệm phật đường Thành Nội là nơi học sinh Nguyễn Thị Vân đã tự thiêu trong phong trào học sinh Phật tử yêu nước chống Mỹ ngày 3/5/1966 (gần cửa Thượng Tứ).

-Trường Bồ Đề Thành Nội (nay là Trường THCS Thống Nhất, địa chỉ 35 Đặng Dung - Huế) được Hội Tăng Già Trung Việt thành lập năm 1953. Ông Lê Mộng Đào là hiệu trưởng đầu tiên và các giáo viên đều là Phật tử tham gia cách mạng như Võ Đình Cường, Nguyễn Đóa, Nguyễn Hữu Ba, Cao Xuân Lữ, Tôn Thất Dương Tiềm, Cao Cự Phúc, Lê Quang Vịnh… Thực tế, trường đã trở thành nơi hoạt động trí vận của Thành ủy. Những đảng viên nổi tiếng đều có mặt ở đây, như cụ Võ Đình Cường, sinh năm 1917 tại Huế, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1943, từng giữ chức Ủy viên Tuyên vận của Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cụ Nguyễn Đóa (1896 – 1993), đi dạy học, làm đốc học các tỉnh Trung bộ, giúp đỡ cuộc bãi khóa năm 1927 của học sinh Huế và viết báo tố cáo quan lại mục nát, tham nhũng; năm 1969, cụ giữ chức Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Giáo sư Tôn Thất Dương Tiềm là cán bộ nội thành, hoạt động từ trước 1954. Nguyễn Hữu Ba tham gia cách mạng tại Huế, hoạt động yêu nước cùng với giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, bác sĩ Thân Trọng Phước... Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (12/1960), ông sang Pháp vận động trí thức Việt kiều và làm đại diện cho Mặt trận...

-Nhà số 5 Quốc Sử Quán: Là nhà của cụ Đệ nhất xảo thủ Nguyễn Văn Khả, người có công xây dựng các công trình thuộc quần thể di tích Huế có con là ông Nguyễn Văn Chung (Nghè Chung) - Phó Chủ tịch UBND cách mạng Khu phố 1, Cơ sở nuôi giấu cán bộ an ninh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945, và một thời gian sau khi Huế vỡ mặt trận. Trong Tuần lễ vàng, cụ Khả đã hiến toàn bộ số vàng được chính phủ Pháp và Nam triều khen thưởng khi hoàn thành các công trình cũng như kèm theo băng, giấy khen. Sau khi vỡ mặt trận Huế 2/1947 ông Chung bị thực dân pháp bắt và treo cổ tại chợ Thông (Hương Long). Gia đình cụ Khả có 7 người con tham gia kháng chiến từ trước năm 1945, có 2 liệt sĩ.

- Nha Hộ Thành: Là cơ quan chuyên làm nhiệm vụ thuế lệ, hộ hôn, điền thổ, nhân đinh... bên trong Kinh thành như một đặc khu hành chánh với cấp cơ sở là các phường trực thuộc. Nha Hộ Thành trực thuộc Bộ Hộ, riêng về lĩnh vực trật tự an toàn xã hội và bố phòng quân sự thì do Đề Đốc Hộ Thành phụ trách. Cơ quan này đóng trong khuôn viên Quốc Sử Quán. Sau khi quay lại chiếm đóng thành Phú Xuân - Huế, năm 1947, thực dân Pháp đóng đồn ở Đề Đốc Hộ Thành. Ngày 24/3/1947, trận đánh đồn “Hộ Thành” đã được tổ chức thắng lợi, gây tiếng vang lớn trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Thừa Thiên Huế. Năm 1949, tổ công tác Minh Khai (chợ Đông Ba) đã tổ chức giải thoát một số Việt kiều yêu nước từ Paris về bị thực dân Pháp quản thúc tại đây. Trước năm 1975, khu vực này là Trường trung học Thành Nội, nay là Trường THPT Nguyễn Huệ.

- Nhà số 118 Ngô Đức Kế (số cũ): Cơ sở in tài liệu, truyền đơn, báo “Cờ giải phóng”. Tại đây, đồng chí Bé "đen" và Nguyễn Thị Lý đóng vai vợ chồng đến thuê nhà hoạt động cho cách mạng dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ.

- Nhà số 5/38 Lê Thánh Tôn (số cũ): Nhà cụ Phan Tử Lăng - Đại tá đầu tiên của QĐND Việt Nam năm 1948. Cụ là Hiệu trưởng Trường Thanh niên tiền tuyến của tổ chức do luật sư Phan Anh và Tạ Quang Bửu thành lập. Năm 1945, chuẩn bị cho giải phóng Huế, tại nơi đây các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trần Hữu Dực... họp bàn với cụ về việc chuấn bị cho tổng khởi nghĩa 23/8 cũng như chuẩn bị nội dung họp Xứ ủy Trung kỳ…

Đặng Ngọc Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục
Những con đường từ sức dân

Từ năm 2020 đến nay, người dân TX. Hương Trà đã hiến hơn 150 ngàn m2 đất để mở rộng gần 120km đường giao thông, ngõ xóm. Những con đường được xây dựng bằng sức dân đã và đang phát huy hiệu trong góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng.

Những con đường từ sức dân
Return to top