ClockThứ Bảy, 19/10/2024 06:41

“Khoác áo mới” cho di tích Hải Vân Quan

TTH - Kết hợp giữa lịch sử và công nghệ hiện đại, di tích Hải Vân Quan đang mang đến hành trình khám phá mới lạ cho du khách.

Phối hợp quản lý, khai thác di tích Hải Vân QuanHải Vân Quan, sau trùng tu là khai thác hiệu quả

 Hải Vân Quan là điểm đến thu hút khách tham quan

“Rất độc đáo và thú vị”, Tiến Dũng – du khách đến từ Bình Dương chia sẻ sau khi hoàn thành khám phá 9 điểm check-in tại di tích Hải Vân Quan và được nhận “huy hiệu số”.

“Mình được khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa sống động hiện lên trước mắt ngay tại di tích quốc gia Hải Vân Quan”. Dũng nói và khoe “huy hiệu số” nhận được là “kỷ niệm độc đáo minh chứng bản thân đã hoàn thành chinh phục “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Mở cửa đón khách trở lại từ ngày 1/8/2024 sau hơn 2 năm trùng tu, Hải Vân Quan không chỉ là điểm dừng chân quen thuộc, mà giờ đây di tích lịch sử này còn mang đến trải nghiệm du lịch “chưa từng có” cho du khách khi đến tham quan. Bạn chỉ cần bật tính năng NFC trên smartphone, đưa điện thoại gần với vị trí có chip NFC theo hướng dẫn để khám phá điểm check-in và sẽ truy cập ngay thông tin về từng khu vực, sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi điểm tại di tích.

Giải pháp du lịch trải nghiệm đa tương tác với việc triển khai thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích Hải Vân Quan được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp cùng Phygital Labs và Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh – HueCIT xây dựng.

 Du khách chỉ cần tương tác một chạm với chip NFC để khám phá điểm check-in 

Theo đó, di tích Hải Vân Quan được số hóa bản đồ du lịch 3D, kiến tạo hành trình khám phá văn hóa qua các câu chuyện. “Đây là giải pháp công nghệ mới mà các đơn vị thực hiện muốn mang đến cho du khách. Nó không chỉ cung cấp thông tin, mà còn là cách để người tham quan thực sự hòa mình vào dòng chảy lịch sử, cảm nhận rõ nét từng khoảnh khắc mà nơi đây đã trải qua và ghi dấu”, Phó Chánh Văn phòng Trung tâm BTDTCĐ Huế Võ Quang Huy bày tỏ.

Bản đồ số 3D tái hiện toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đỉnh Hải Vân Quan, cho phép du khách có thể chiêm ngưỡng, khám phá chi tiết lịch sử phong phú của công trình qua các thời kỳ, từ quá trình hình thành đến những sự kiện quan trọng trong lịch sử bảo vệ lãnh thổ. Điểm nổi bật là sự kết hợp giữa thực tế và công nghệ, giúp tăng cường trải nghiệm tương tác. Đồng thời, mở ra khả năng khám phá từ xa, cho phép người dùng được ngắm nhìn di sản một cách chân thực dù ở bất cứ đâu trên thế giới.

Giải pháp du lịch đa tương tác của Phygital Labs kết hợp công nghệ số với di sản văn hóa, mang đến cách thức khám phá mới và góp phần thúc đẩy du lịch địa phương. Thống kê của Trung tâm BTDTCĐ Huế, chỉ sau 20 ngày triển khai tại Hải Vân Quan, dự án đã thu hút hơn 2.000 lượt check-in và tạo ra 200 khoảnh khắc đáng nhớ. Không chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, giải pháp này còn giúp người dùng lưu giữ và chia sẻ trải nghiệm trên trang cá nhân và website. Điều này tạo động lực cho du khách khám phá đủ 9 địa điểm, đồng thời lan tỏa những câu chuyện và cảm hứng tích cực về di sản Việt Nam đến cộng đồng.

Ông Huy Nguyễn, CEO của Phygital Labs cho biết, công nghệ mà Phygital Labs mang đến cho di sản Huế giải quyết 3 vấn đề cốt lõi. Đầu tiên, hệ thống check-in cho du khách cảm giác chinh phục khi nhận được huy hiệu và xếp hạng, tạo động lực chia sẻ thành tích với cộng đồng. Tiếp đến, mỗi chia sẻ của họ trở thành nội dung truyền thông, thu hút giới trẻ khám phá di sản và lan tỏa giá trị tích cực. Đồng thời, giúp mở rộng hệ sinh thái du lịch qua hình thức đổi huy hiệu lấy phần thưởng từ các đối tác, gia tăng trải nghiệm người dùng và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp địa phương.

Không chỉ quảng bá di sản, dự án thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích Hải Vân Quan do Trung tâm BTDTCĐ Huế triển khai còn mở rộng tiềm năng phát triển kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch.

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thông tin: Trung tâm phối hợp với Phygital Labs đưa những ứng dụng công nghệ, trải nghiệm mới giúp tăng tính tương tác cho du khách khi tham quan tại Quần thể Di tích Cố đô Huế. Từ đó, lan tỏa câu chuyện văn hóa lịch sử Việt Nam ra toàn cầu, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, kiến tạo mô hình kinh tế số.

Nằm trên đỉnh đèo Hải Vân hùng vĩ, ở độ cao 500m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là di tích lịch sử cấp quốc gia duy nhất ở Việt Nam thuộc quyền quản lý của hai địa phương, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Di tích này được xây dựng vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Sau trùng tu, nơi đây là điểm đến hút khách tham quan.

Bài, ảnh: LIÊN MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục
Di tích và mối nguy đối mặt với mùa mưa bão

Sở hữu rất nhiều di tích như Huế được xem lợi thế phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Thế nhưng, để bảo vệ những di tích này là chuyện không hề đơn giản, trong đó có việc đối mặt với thách thức do thời tiết khắt nghiệt, thiên tai bất thường vào cuối năm.

Di tích và mối nguy đối mặt với mùa mưa bão

TIN MỚI

Xem thêm mẫu đồng phục bảo vệ chất lượng
Return to top