ClockThứ Năm, 08/02/2024 16:54

Điện Kiến Trung trước ngày mở cửa

TTH.VN - Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, điện Kiến Trung sẽ chính thức mở cửa đón khách. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế kỳ vọng, cung điện này sẽ là điểm đến thú vị và hấp dẫn du khách khi tham quan khu di sản Hoàng cung Huế.
 Điện Kiến Trung đã được phục dựng gần như nguyên vẹn

Hiện mọi công tác chuẩn bị, sắp đặt trưng bày cổ vật, nội thất, cây cảnh đã hoàn thành, chờ thời điểm điện Kiến Trung mở cửa vào sáng mùng 1 Tết.

Cùng với di tích điện Thái Hoà, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung là một trong 5 công trình quan trọng nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm Thành dưới triều Nguyễn.

 Các hoạ tiết được khảm sành sứ bắt mắt, tinh xảo

Dưới thời vua Minh Mạng, tiền thân của điện Kiến Trung là một công trình mang tên là lầu Minh Viễn 3 tầng (xây dựng vào năm 1827), được bình chọn là “Thần Kinh đệ nhất cảnh”.

Năm 1876, do bị xuống cấp nặng nề, vua Tự Đức cho triệt giải công trình. Năm 1913, vua Duy Tân cho dựng một công trình theo phong cách mới, gọi là lầu Du Cửu. Sau khi vua Khải Định lên ngôi đổi tên thành điện Kiến Trung.

 Những hoạ tiết mang đậm bản sắc cung đình

Giai đoạn 1921-1923, điện Kiến Trung được vua Khải Định cho xây dựng lại hoàn toàn theo phong cách tân cổ điển, bao gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Italy, thêm kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Đây là công trình có quy mô lớn với kiểu trang trí hết sức cầu kì, tỉ mỉ, được tô điểm bởi các chi tiết trang trí hoa văn, hoạ tiết, con giống mang đậm bản sắc của họa tiết cung đình, tạo nên xu hướng thẩm mỹ đặc trưng. Đặc biệt là lối trang trí bằng đắp mảnh sành sứ trên nền vôi vữa.

Hệ thống con nghê, con lân ở mặt tiền điện Kiến Trung cũng được khảm sành sứ theo các hình ảnh tư liệu người Pháp còn lưu giữ 

Dưới thời vua Bảo Đại, điện trở thành nơi sinh hoạt của cả gia đình nhà vua. Sau khi Cách mạng tháng tám thành công, ngày 29/8/1945, điện Kiến Trung là nơi vua Bảo Đại tiếp xúc với Phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đáng tiếc, chỉ sau 24 năm tồn tại ngắn ngủi, năm 1947, do chiến tranh, công trình gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng.

 Công trình là hợp thể phong cách giữa Á và Âu, bao gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc phục hưng của Italy, thêm kiến trúc cổ truyền Việt Nam

Sau 72 năm ở dạng phế tích, ngày 16/2/2019, Trung tâm BTDTCĐ Huế khởi công dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng, thực hiện trùng tu, tôn tạo các công trình trong khuôn viên ngôi điện như gia cố, phục hồi tường bao, hệ thống lan can, sân khuôn viên gồm tiền viên và hậu viên; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung (Kiến Trung lâu) 2 tầng, chiều cao khoảng 14m, diện tích xây dựng khoảng 975m2…

 Bên trong điện Kiến Trung có nhiều nét tương đồng với cung An Định

Ngoài ra, dự án còn tu bổ các công trình nhỏ xung quanh, như Đài phun nước, súng thần công, nhà canh và hệ thống cây xanh, bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng…

Và nay, sau đúng 5 năm, công trình đã được phục dựng gần như nguyên vẹn và sẽ mở cửa phục vụ du khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

 Nhiều hiện vật thời vua Khải Định, Bảo Đại được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trưng bày tại đây để chờ đón khách tham quan.

Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thông tin, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết, các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa miễn phí với du khách là người Việt Nam, dự kiến, điện Kiến Trung sẽ đón một lượng khách lớn trong dịp này, vì vậy, để phục vụ tốt người dân và du khách tham quan cũng như quản lý an ninh, an toàn, Trung tâm đã xây dựng nhiều phương án đón khách. “Chúng tôi khống chế chỉ đón khoảng 100 khách trong một thời điểm, mỗi khách sẽ được phát bọc giày mang khi vào điện, cứ 5 khách ra mới đón 5 khách vào và khu vực cửa đón khách sẽ được phân luồng để đảm bảo trật tự”, ông Trung nói.

Điện Kiến Trung đã sẵn sàng mở cửa phục vụ du khách tham quan vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Ngoài các hiện vật được trưng bày, trong thời gian tới, điện Kiến Trung sẽ là nơi tổ chức các không gian triển lãm mỹ thuật, không gian trưng bày và trải nghiệm với ứng dụng sản phẩm công nghệ hiện đại, tạo điểm nhấn về sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch.

LIÊN MINH - BẢO MINH
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

TIN MỚI

Return to top