ClockThứ Tư, 04/12/2019 06:30

Du lịch văn học nghệ thuật: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

TTH - Hội thảo “Phát huy các giá trị văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tổ chức sáng 3/12 bước đầu tham mưu cho tỉnh những ý tưởng về việc kết nối thiết chế VHNT với du lịch để xây dựng chiến lược phát triển du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa trong tương lai.

Trải nghiệm sáng tạo cho học sinh qua du lịch

Hội thảo có sự tham gia của các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu nhằm chia sẻ ý kiến, trao đổi các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch gắn với các giá trị VHNT trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đã đến dự.

Văn nghệ sĩ viếng mộ thi nhân

Chưa được chú ý

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều thiết chế VHNT đã trở thành “ký ức văn hóa” của nhiều thế hệ cư dân, như: hệ thống nhà lưu niệm, nhà thờ danh nhân, bảo tàng, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim, khu nghĩa trang, các khu lăng mộ… liên quan đến các văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT, giá trị các thiết chế VHNT ở Thừa Thiên Huế là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát huy giá trị các thiết chế VHNT chưa xứng với tiềm năng, hàng loạt các thiết chế chưa được khai thác. Không gian Lê Bá Đảng – Điềm Phùng Thị và Bảo tàng Văn hóa Huế rất ít người đến tham quan, thưởng lãm. Hệ thống lăng mộ các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ hoàn toàn chưa được du lịch chú ý. Các địa chỉ nhà lưu niệm, như: ngôi nhà của cố họa sĩ Tôn Thất Đào, Trịnh Công Sơn, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ… chỉ là những cái tên nhắc để tưởng nhớ những người Huế tài hoa.

Trong lúc đó, từ các thiết chế nhà lưu niệm, lăng mộ các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ Huế đã có thể mở một tour du lịch “Về nguồn”. “Hoạt động du lịch VHNT nếu được tổ chức bài bản, đầu tư công phu sẽ tạo cơ hội tương tác với du khách, từ đó lưu giữ ký ức về danh nhân văn hóa lịch sử, VHNT; giới văn nghệ sĩ có thêm không gian văn hóa để tìm hiểu, sáng tạo; Nhà nước, ngành du lịch phát triển được tour du lịch hay, thú vị; xiển dương được công đức, tài năng, nhân cách của các danh nhân xứ Huế”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Nhà văn Lê Vũ Trường Giang (Tạp chí Sông Hương) cho rằng, khái niệm du lịch văn học không còn xa lạ với giới tổ chức du lịch lữ hành trên thế giới. Dù là yếu tố tiềm năng nhưng loại hình du lịch này “kén khách”. Việc tổ chức tour du lịch VHNT thuần túy vô cùng khó khăn bởi phải chọn lựa được những khách hàng có cùng sở thích, cùng phông nền văn hóa. Hiện nay, các tour du lịch chỉ giới thiệu cho du khách các hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống địa phương, ít các show biểu diễn chuyên nghiệp lồng ghép nhiều yếu tố văn học, lịch sử, văn hóa trong kịch bản.

Xây dựng “Đồi thi nhân”

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng, văn hóa, VHNT là một trong những tài nguyên quan trọng nhất mà phát triển du lịch bền vững thế kỷ XXI hướng tới. Nhận định đó cho thấy, việc ứng dụng VHNT vào du lịch là điều cần thiết và có triển vọng, không chỉ riêng đối với Huế mà còn với cả nước. “Muốn đa dạng hóa và quảng bá các hình thức VHNT tại Thừa Thiên Huế cần phải chú trọng giá trị tự thân, bản sắc riêng biệt của vùng đất 700 năm phát triển với bao thế hệ văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu, đóng góp”, nhà văn Lê Vũ Trường Giang nhấn mạnh.

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đến từ Đà Nẵng đề xuất, Huế nên xây dựng “Đồi thi nhân”, bởi Huế là cái nôi của thơ với nhiều nhà thơ đã từng sống, học tập và làm việc, như: Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Lưu Trọng Lư… Là xứ sở của thơ nhạc, núi sông hữu tình, việc Huế xây dựng đồi thi nhân chính là để tạo điểm nhấn trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Sự ra đời của đồi thi nhân sẽ tạo nên một không gian du lịch độc đáo không nơi nào có được và chắc chắn sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước cũng như quốc tế.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất xây dựng một số thiết chế VHNT mới, như: xây dựng không gian văn hóa Nguyễn Du ở khu vực Bàu Đá, Hương Long; dựng bia khắc bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” ở đầu phường Vỹ Dạ; quy hoạch xây dựng Bảo tàng Văn học nghệ thuật... Đồng thời, tạo ra những con đường mang đặc trưng VHNT của thành phố. Chẳng hạn, trục đường Lê Lợi với hệ thống bảo tàng nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Bảo tàng Văn hóa Huế.

Trên thực tế, một số trường học đã triển khai các hoạt động tham quan và học tập tại hệ thống nhà lưu niệm văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế. Nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong cho hay, dựa trên đặc điểm địa lý cũng như khoảng cách giữa các nhà lưu niệm, chúng tôi tạo ra tuyến tham quan và học tập cho học sinh với điểm đầu là nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nổ, sang Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, đến Châu Hương Viên, khu lưu niệm Phan Bội Châu, Tỳ Bà Trang, nhà thờ Đặng Huy Trứ và nhà lưu niệm Tố Hữu. Các điểm đến gắn với danh nhân, thi sĩ đã có, việc còn lại là giới thiệu, quảng bá như thế nào cho hấp dẫn, ý nghĩa để thuyết phục học sinh, giáo viên đến tham quan.

Việc học hỏi các hình thức du lịch văn học ở các quốc gia có nền du lịch phát triển trong khu vực châu Á là vô cùng cần thiết để đúc rút một “công thức” riêng cho vùng đất Cố đô. Ví dụ điển hình về sự đi lên từ nghệ thuật trong hoạt động du lịch là trường hợp Nepal và điểm khám phá Thamel phổ biến hiện nay. Nghệ thuật và hội họa có thể được tìm thấy ở mọi đường phố Thamel. Điều này hấp dẫn nhiều khách du lịch quan tâm các loại hình nghệ thuật và tranh vẽ.

Để phát triển loại hình du lịch VHNT, ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, cần nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, trưng bày triển lãm… Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xây dựng các thiết chế VHNT, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, văn học, nghệ thuật phục vụ du lịch.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch “cất cánh” từ những chuyến bay

Sau những tín hiệu tích cực từ du lịch đường bộ, đường sắt và đường tàu biển, “bầu trời Huế” sẽ sôi động hơn với những chuyến bay cất/hạ cánh, đưa khách du lịch thập phương về với miền Hương Ngự.

Du lịch “cất cánh” từ những chuyến bay
A Lưới ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch

Xác định phát triển du lịch là chương trình trọng điểm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, A Lưới tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên nguồn lực tập trung phát triển du lịch.

A Lưới ưu tiên nguồn lực phát triển du lịch

TIN MỚI

Return to top