Một trong những đoàn khách quốc tế đến từ Hàn Quốc vào thăm Hoàng cung sớm trong sáng mồng 1 Tết
Với chính sách mở cửa miễn vé phục vụ khách tham quan đối với người Việt trong 3 ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế luôn là điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng chục ngàn lượt khách du xuân.
Để phục vụ nhu cầu vui xuân của du khách, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn liền với những giá trị của di sản văn hóa cung đình Huế, như: lễ đổi gác, các trò chơi cung đình, trình tấu Nhã nhạc, múa lân sư rồng, múa võ cổ truyền, biểu diễn âm nhạc cung đình… Các hoạt động đã thu hút rất đông du khách tương tác.
Ba thế hệ cùng chơi trò xăm hường
Ông Hoàng Cảnh Phùng (đến từ thành phố Hồ Chí Minh) vừa ngồi nghỉ chân, hóng mát ở sân sau điện Thái Hòa, vừa ngóng đợi đến 10h để được xem các trò chơi cung đình. Ông Phùng làm rể đất Huế. Ông bảo, không về quê vợ dịp Tết thì thôi, còn về thì kiểu chi cả nhà cũng vào thăm Hoàng cung Huế một lần. “Vào Hoàng cung dịp này, đi cả nhà vui vẻ không những được miễn vé, mà trẻ con cũng có nhiều trò để chơi, nhiều hoa đẹp để chụp ảnh. Khung cảnh này, ngày thường không dễ gì có được”, ông Phùng nói.
Chỉ cách Hoàng cung Huế khoảng 15km, nhưng nhiều năm rồi anh Trần Khiêm (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) mới lại cùng gia đình chọn đây làm điểm du xuân vào sáng mồng 1 Tết. Hòa trong dòng người vào Đại Nội càng lúc càng đông, anh Khiêm vui vẻ: Phần vì con nhỏ, phần dành thời gian thăm nội, ngoại trong ngày đầu tiên của năm mới nên giờ vợ chồng mới có dịp đưa con vào thăm Hoàng cung ngày Tết. Hoàng cung, Đại Nội thì đã quá quen nhưng khi trở lại thăm nơi chốn này vào ngày tết, tôi vẫn có cảm giác rất lạ, lẫn cả chút háo hức.
Du khách quốc tế "check - in" Hoàng cung cùng các "vị thần" trong "Tam tinh chúc thọ"
Năm nay, trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, có điểm nhấn mới là biểu diễn trích đoạn tuồng “Tam tinh chúc thọ” tại công trình Nhật Thành Lâu vừa được phục hồi, bảo tồn.
“Tam tinh chúc thọ” là một trong số 11 vũ khúc cổ hát bằng chữ Hán còn được lưu truyền đến nhà Nguyễn, cùng với: Bát dật, Lục cúng hoa đăng, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Đấu chiến thắng Phật, Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, Vũ phiến. Đây đều là những vũ khúc cung đình được trình diễn vào những ngày lễ sinh nhật của hoàng gia (hoàng thái hậu, hoàng thái phi, vua, thái tử…) hoặc vào Tết Nguyên đán, lễ kết hôn của hoàng tử, công chúa, các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc.
Nếu như ngày xưa, các vũ khúc cung đình chỉ được diễn xướng ở chốn cung vua, phủ chúa thì ngày nay được đưa ra biểu diễn rộng rãi cho dân chúng và khách du lịch cùng thưởng thức. Và trong không gian của Nhật Thành Lâu, 3 vị “tiên ông” trước khi tấu nhạc chúc thọ, đã thu hút rất đông sự tương tác của du khách, cả trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Đồng Văn