Yếu tố cộng đồng được phát huy tối đa tại Festival Huế 2020 (Lễ hội đường phố tại Festival Huế 2018)
Lấy chất bù lượng
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng BTC Festival Huế 2020 thông tin, một điểm thay đổi khá lớn của Festival Huế năm nay là có sự chọn lọc các chương trình, không dàn trải, ôm đồm quá nhiều chương trình. Các kỳ trước, chương trình cộng đồng có thể chiếm đến 2/3 số lượng các hoạt động, nay chỉ tập trung vào một số chương trình quan trọng, được xã hội hóa, có sức hút với du khách để đầu tư và nâng cao chất lượng.
Những kỳ qua, các quốc gia có xu hướng cử các đoàn nghệ thuật âm nhạc, hoặc múa…, do đó màu sắc các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế khá đơn điệu và thiếu phong phú. Festival Huế lần này, ngoài các quốc gia mạnh về lĩnh vực âm nhạc, múa, BTC khuyến khích các quốc gia cử các đoàn nghệ thuật đặc sắc mang tính cộng đồng và các đoàn nghệ thuật mang tính đương đại. Tại Festival Huế 2020, nhiều đoàn nghệ thuật có khả năng tiếp cận công chúng rất cao, như đoàn xiếc của nước Úc, từng lưu diễn ở 50 quốc gia trên thế giới hay các đoàn nghệ thuật đường phố đặc sắc của các nước Mỹ La tinh.
BTC Festival Huế 2020 cho hay, năm nay các chương trình IN (có bán vé) sẽ được tinh gọn và nâng cao chất lượng hơn. BTC sẽ giảm các sân khấu trong chương trình IN với khoảng 3 sân khấu ở khu vực Đại Nội, thay vì 5 - 7 sân khấu như trước đó và chỉ một sân khấu ở cung An Định. Theo đó, chỉ bố trí những chương trình biểu diễn nghệ thuật cực kỳ đẳng cấp. Còn lại các chương trình biểu diễn khác, BTC sẽ “đẩy” ra các không gian cộng đồng, với khoảng 3 - 4 điểm biểu diễn trên tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu và dọc bờ nam sông Hương nhằm giúp công chúng và du khách tiếp cận, thưởng ngoạn nghệ thuật độc đáo của nhiều quốc gia.
Ông Huỳnh Tiến Đạt cũng khẳng định, không chỉ có sự chọn lọc các đoàn nghệ thuật quốc tế mà BTC cũng sẽ khá kỹ lưỡng trong việc lựa chọn các đoàn nghệ thuật trong nước tham gia và biểu diễn tại Festival Huế 2020. Trước đây, thường chọn các đoàn nghệ thuật đại diện cho các vùng miền, nhưng tại kỳ festival lần thứ 11 này, BTC sẽ lựa chọn và cân đối loại hình nghệ thuật để khán giả có thể thưởng ngoạn được các loại hình nghệ thuật theo nhu cầu, sở thích khác nhau.
Vào các kỳ Festival Huế trước đó, chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc được xây dựng với mô típ gần giống nhau; trong đó, quy mô và chất lượng của chương trình bế mạc không được tập trung bằng nghệ thuật đêm khai mạc. BTC đã thống nhất phương án sẽ “mượn” chương trình “Văn hiến kinh kỳ” để thay lời giã bạn. Đây là chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, với các loại hình nghệ thuật truyền thống cung đình Huế xưa.
Festival Huế 2020 sẽ giảm số lượng, nhưng sẽ nâng cao chất lượng, nhất là các chương trình nghệ thuật đẳng cấp
Hướng đến tính cộng đồng cao nhất
BTC Festival Huế 2020 cho biết, những kỳ festival qua, yếu tố cộng đồng được BTC khai thác nhiều và năm nay tiếp tục được phát huy tối đa, nhằm giúp công chúng và du khách hòa vào lễ hội, làm chủ festival một cách cao nhất. Như lễ hội đường phố, trước đây tổ chức đơn giản, chỉ có những đoàn nghệ thuật đi quảng diễn, năm nay đa dạng hoạt động hơn khi có tổ chức đám rước, lễ cưới truyền thống của các dân tộc Việt Nam “Sắc màu đám cưới” và tái diễn những trò chơi, lễ hội dân gian truyền thống của Huế.
Một chương trình khác cũng tập trung mở rộng tính cộng đồng là Lễ hội áo dài, trước đây chỉ có một đêm diễn duy nhất, năm nay được kéo dài thành 3 đêm, gồm đêm tôn vinh áo dài của học sinh, đêm áo dài cung đình và đêm áo dài thời trang. Riêng chương trình áo dài học sinh có sự tham gia của học sinh, cựu học sinh và được tổ chức tại Trường THPT Hai Bà Trưng, tạo khung cảnh tan trường của học sinh, nữ sinh trình diễn trang phục truyền thống. Với việc tổ chức này, BTC còn mong muốn khuyến khích phong trào mặc áo dài trở lại trong cộng đồng, đó là cách nuôi dưỡng hình ảnh áo dài xứ Huế.
Ông Huỳnh Tiến Đạt kỳ vọng, mục đích quan trọng hơn nữa từ các chương trình mang tính cộng đồng đó, nâng tầm một số nhà may, nhà thiết kế trẻ ở Huế, làm quen với những sự kiện lớn và từng bước xây dựng thương hiệu. Những nhà thiết kế của Huế tham gia vào chương trình sẽ kết hợp đào tạo được ê kíp người mẫu địa phương để sau này khi Huế tổ chức sự kiện có thể làm chủ. Hay với Lễ hội đường phố, khi tập trung khai thác vào các yếu tố về lễ rước, các trò chơi truyền thống là cơ hội để hỗ trợ các địa phương phục dựng, có chất liệu tổ chức hoàn chỉnh hơn.
“Với nhiều chương trình khác, BTC đều mong muốn phát huy được những giá văn hóa truyền thống, phát triển thêm để có thể khai thác du lịch sau này”, ông Đạt nhấn mạnh.
Trước ý kiến tinh gọn chương trình, liệu người Huế, các thành phần như nghệ sĩ, thiếu nhi, thanh niên… có “đất diễn” để giới thiệu được đời sống văn hóa độc đáo của ngươi dân Cố đô, BTC khẳng định, người Huế vẫn là chủ thể, luôn có sân chơi để thực sự là chủ nhân, chủ thể của lễ hội.
Bài, ảnh: Quang Sang