Tập tản văn “Rơm rạ quê nhà” của Ngô Công Tấn
Tôi tình cờ quen biết Ngô Công Tấn cách đây vài năm qua lời giới thiệu của một người bạn giáo viên: “Đây là nhà thơ Tờ Ruồi, tức Truồi”. Từ đó, tôi có thêm một người bạn rất gần dù sống cách tôi hai mươi lăm cây số. Xứ Truồi! Vùng đất nên thơ với cảnh sắc hữu tình và giàu trầm tích văn hóa. Trên con đường mưu sinh dặm dài Bắc – Nam, tôi lại có thêm một điểm dừng chân – ngôi nhà của Ngô Công Tấn ven Quốc lộ 1. Từ đó, xứ Truồi quê Tấn với hàng loạt mảng xanh của sông Hưng Bình, núi Ấn Lĩnh, vườn chè, vườn mít, vườn dâu trở thành những nơi chốn cho chúng tôi rong chơi, thả hồn và đắm chìm suy tưởng. Ngô Công Tấn đã cho tôi biết thêm về Xóm Bột và những vườn chè xanh ngút ngàn nơi thôn Nam Phổ Cần, hay những bến sông dân dã còn lưu giữ cây đa trầm mặc, hoặc một mái hiên chùa cuối xóm. Và đặc biệt là những ngôi nhà rường cổ “đẹp chi lạ” ven sông Truồi. Không ngờ, hàng loạt hình ảnh ấy giờ đây đã hiện diện trọn vẹn trong cuốn “Rơm rạ quê nhà” – nơi khắc họa lại tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm của tác giả.
Dòng nước sông Hưng Bình (sông Truồi) dường như là mạch nguồn vô tận cho những câu chuyện giãi bày trên trang giấy về một thưở hoa niên “một đi không trở lại”. Dòng nước ấy mát lành và trong trẻo quá, thấm vào từng ngóc ngách xóm làng cho tiếng gà nghe lảnh lót, cho tiếng cười thôn nữ trong veo, cho tiếng gọi nhau nơi Xóm Bột đêm trăng nghe tình tự. Dòng nước đó là dòng suối tiên len lỏi vào mạch ngầm, bổ sung dưỡng chất cho đất, dâng lên thành màu xanh cho lá chè Truồi. Từ những lá chè Truồi đủ độ hái, ngắt vào tầm 9 – 10 giờ sáng, rửa sạch, bỏ vào ấm nước sôi nấu từ nước sông Truồi sẽ có được món nước chè Truồi nổi tiếng. Cái màu vàng xanh của nước chè Truồi mới thi vị và thẩm thấu làm sao. “… Chiều nay, nhìn ly nước chè xanh nóng hổi mẹ rót cho ba như một bài ca âu yếm, tôi thấy tim mình yếu đuối trong đôi ba ý nghĩ sẽ yêu hết lòng cô gái nào mến chuộng nước chè xanh”, (Chè Truồi quê tôi). Mới đây thôi, tôi còn ngồi thư thái bên ly chè xanh xứ Truồi và cảm nhận đầy đủ “miền yêu” phủ màu xanh trù phú trong trang văn của Ngô Công Tấn.
Một hôm khác, hồi đầu mùa hè, tôi và Ngô Công Tấn cũng trải qua cảm giác nôn nao, xao xuyến khi ngồi trong khói lam mùa đốt đồng. Cái âm thanh tí tách, sột soạt phát ra từ những đám lửa đốt rạ đồng kéo dài trong nắng xế là sự thúc đẩy mạnh mẽ cho miền ký ức tuổi thơ sống dậy. Phút giây kết thúc một mùa màng là phút giây chuẩn bị cho những sự vươn lên kiêu hãnh của cây lúa trong vụ mới. Vì là người lớn lên từ chân rơm gốc rạ nên Ngô Công Tấn cảm nhận sâu sắc về phận người lam lũ: “… những hạt thóc chưa tách từ thân mẹ đã bị sóng gió của cuộc đời vùi dập vào bùn nâu. Những hạt lúa còn bám vào thân mẹ chưa kịp chín đã nảy mầm gánh vác cuộc đời mới báo hiệu trước mắt tôi một cuộc sống gian nan” (Rơm rạ quê nhà).
Dày dặn trong những trang văn của “Rơm rạ quê nhà” là những cảm xúc riêng có của người con xứ Truồi. Không dễ cho một người nào từ nơi khác đến cảm thụ được những biến đổi của cảnh sắc, sự vật, dẫu cho sông cũng là sông đó, núi cũng là núi đó, bến sông cũng là bến xưa đó. Ngô Công Tấn trăn trở vì những điều đẹp đẽ đã mất mát ít nhiều nơi xứ Truồi bản quán. Anh thổn thức với “nụ cười ba cô lọc bột” giờ đã ở nơi đâu dù xóm Bột vẫn còn đó. Tấn thèm cái mùi thơm lừng năm xưa của “nồi sắn hấp lá dừa” đãi khách, mùi “hương chung tình” của “... sắn nướng lên mùi thơm khiến mọi người đang làm đồng phải ngửa mặt lên ngóng vào làng khói đang bay lên từ nhà ai” (Sắn Truồi ăn để chung tình).
“Miền yêu” trong tập tản văn “Rơm rạ quê nhà” của Ngô Công Tấn còn là bảng tổng hoa sắc màu của muôn ngàn loài hoa dại ven sông mà tác giả hết lòng mê mẩn. Đó còn là tiếng trống trường lặp đi lặp lại hàng ngày trong công việc của một thầy giáo dạy văn, giáo viên Tổng phụ trách Đội nhưng nghe mỗi lúc mỗi khác do kèm theo bao nỗi niềm, trăn trở về sự nghiệp trồng người.
“Miền yêu” đậm chất tạo hình trong “gói mo cơm nóng hổi” – một bài viết ở cuối tập sách, như một sợi dây xâu chuỗi tất cả những kỷ niệm từ đầu đến cuối, trong một chuyến du hành quá hấp dẫn. Chuyến du hành đậm đặc chất Truồi qua lời kể chuyện lúc khoan, lúc nhặt của hướng dẫn viên người xứ Truồi: Ngô Công Tấn.
Bài, ảnh: BÙI XUÂN HÒA