Trấn Hải Thành vẽ năm 1916. Nguồn ảnh: B.A.V.H
Nội dung cuốn sách cho thấy vị trí chiến lược của cửa biển Thuận An trong lịch sử; đồng thời khẳng định các giá trị về lịch sử, văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Thuận An nằm về phía đông thành phố Huế. Dưới thời các chúa Nguyễn, đây là cửa ngõ ra vào thủ phủ các Chúa, cũng là điểm kiểm soát tàu bè qua lại.
Đến giai đoạn triều Nguyễn, Thuận An có một vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, trấn giữ Kinh đô Huế. Vua Gia Long cùng các vua Nguyễn cho xây dựng và nâng cấp công trình Đài Trấn Hải - Trấn Hải Thành (1813) với thành cao hào sâu và hệ thống đồn lũy quân sự quy mô; xây dựng lực lượng thủy binh hùng hậu trong điều kiện lúc bấy giờ.
Theo TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế: “Trấn Hải Thành là đồn lũy quan trọng trấn giữ cửa biển Thuận An, nơi đây từng được xem là cửa ngõ yết hầu của Kinh đô Huế, nay đã trở thành một di tích quý hiếm. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích Trấn Hải Thành sẽ giữ gìn được một kiến trúc có giá trị, góp phần cung cấp các thông tin về lịch sử văn hóa ở vùng đất Cố đô, đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiểu được lịch sử những trận đánh, những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, đồng bào”.
Hiện, Thuận An đang lưu giữ thông tin một số sự kiện, di tích lịch sử - văn hóa tâm linh ghi dấu công cuộc giữ nước của dân tộc, như đền Âm Linh (mả làng) - một ngôi mộ tập thể và miếu Âm Linh - nơi thờ cúng chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn trong cuộc chiến chống Pháp giữ Trấn Hải Thành vào năm Quý Mùi (1883)…
Từ ngày 1/7/2021, theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Huế được mở rộng từ 70,67km2 lên 265,99km2, với 28 phường và 7 xã. Với việc mở rộng này, Thuận An trở thành phường thuộc thành phố Huế.
Thuận An mang trong mình một hệ sinh thái thiên nhiên và nhân văn đa dạng có tính đặc thù, là cơ sở để phát triển kinh tế, du lịch.
NGUYỄN ANH TUẤN