ClockThứ Ba, 09/04/2019 14:15

Gian nan canh giữ tác phẩm nghệ thuật

TTH - Không chỉ gặp khó khăn trong việc bảo quản tác phẩm trước thời tiết khắc nghiệt như Huế, nay phòng tranh của một số họa sĩ, thậm chí trung tâm trưng bày, bảo tàng nghệ thuật đang lo lắng, đối mặt với nạn trộm cắp tác phẩm nghệ thuật.

Tác phẩm vẽ phong cảnh chùa Thiên Mụ của cố họa sĩ Tôn Thất Đào bị trộm

Các tác phẩm nghệ thuật khi tổ chức triển lãm thường được bảo vệ rất cẩn trọng

Những câu chuyện thực tế

Mới đây, một bức tranh vẽ chùa Thiên Mụ và ba thiếu nữ áo dài của cố họa sĩ Tôn Thất Đào được trưng bày tại tư gia (đường Mạc Đĩnh Chi, TP. Huế) đã bị kẻ gian trộm đi đã khiến gia đình cũng như giới văn nghệ sĩ vô cùng lo ngại.

Họa sĩ Tôn Thất Đào (1910-1979) từng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Trong cuộc đời của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm tranh có giá trị trong nền mỹ thuật Việt Nam được nhiều người biết đến, tuy nhiên tranh của ông rất hiếm trên thị trường.

Theo giới sưu tầm tranh, bức tranh bị kẻ trộm lấy đi có chất liệu sơn mài, khổ 30x50cm được sáng tác vào khoảng thập niên 1950 là một bức tranh đẹp, giá dao động 500-700 triệu đồng. Trước sự việc đó, dù đã báo cho cơ quan chức năng nhưng gia đình vẫn rất lo lắng. Một người cháu rể của cụ Đào cho biết, ngoài sự xuống cấp của căn nhà, thì việc neo người đã khiến cho công tác bảo quản cũng như bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Có khả năng kẻ trộm lợi dụng sơ hở đó để đột nhập vào nhà lấy đi bức tranh.

Người cháu rể này cũng cho rằng, không loại trừ sự khan hiếm các tác phẩm của cụ Đào trên thị trường nên kẻ trộm lấy đi để bán với mức giá cao. “Đang đau đầu với bảo quản tranh vì sự xuống cấp thì nay phải đối mặt với trộm cắp. Trong lúc chờ cơ quan chức năng tìm lại được bức tranh bị cắp thì gia đình phải tìm cách để bảo đảm cho các tác phẩm còn lại”, người này nói.

Một số tác phẩm quý của các họa sĩ nổi tiếng luôn nhận được sự quan tâm của công chúng, vì thế, công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn

Đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm nghệ thuật bị mất cắp. Nhiều năm về trước, một tác phẩm của tác giả lớn trưng bày ở một trung tâm nghệ thuật cũng bị lấy đi. Rất may sau đó, công an vào cuộc và đã thu hồi được. Câu chuyện này đặt ra vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ tác phẩm nghệ thuật. Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho rằng, bên cạnh công tác bảo quản hiện vật, tác phẩm trước thời tiết khắc nghiệt như Huế là việc vô cùng khó khăn, nhưng quan trọng hơn nữa đó chính là vấn đề an ninh.

An ninh - vấn đề hàng đầu

Bảo tàng Mỹ thuật Huế đang quản lý không gian nghệ thuật Điềm Phùng Thị (367 bộ tác phẩm), không gian trưng bày nghệ thuật Lê Bá Đảng (407 tác phẩm) và sắp tới là không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật (73 tác phẩm). Theo bà Trai, lâu nay công tác an ninh luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng khi nghe tin tranh của cố họa sĩ Tôn Thất Đào bị mất bảo tàng không khỏi lo lắng. Ngay lập tức đã có cuộc họp với toàn bộ cán bộ, nhân viên siết chặt lại vấn đề cảnh giác, đảm bảo an toàn, an ninh cho các tác phẩm.

Bên cạnh các thiết bị hỗ trợ như hệ thống cảnh báo, camera thì yếu tố con người vẫn quan trọng nhất. Ban ngày khách ra vào đông phải theo dõi thường xuyên, đêm về người trực phải thức đến tận sáng. Ngoài ra, luôn có sự phối hợp với chính quyền địa phương, công an khu vực nếu có vấn đề gì xảy ra phải thông báo ngay.

Cũng như hai không gian trưng bày Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, việc đảm bảo an ninh cho không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật sắp tới cũng được nghiên cứu cẩn trọng, đảm bảo an ninh tuyệt đối. “Mới đây khi ra Hà Nội để nhận tranh từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tặng, họa sĩ Trần Khánh Chương (chủ tịch hội) đã dặn dò rất kỹ vấn việc bảo đảm an ninh cho từng tác phẩm, bởi đó là những tác phẩm vô giá”, bà Trai kể.

Còn với những không gian triển lãm, việc bảo vệ tác phẩm của các tác giả tham dự cũng được đặt lên hàng đầu. Vậy mà cũng có trường hợp họa sĩ đưa tranh đến triển lãm nhưng rồi đến ngày nhận lại thì giật mình biết ra tác phẩm của mình… không cánh mà bay.

Một họa sĩ đang sống trên địa bàn TP. Huế (xin được giấu tên) kể rằng, nhiều năm về trước từng đưa một tác phẩm đi triển lãm, vì bận việc nên ngày ban tổ chức trao trả lại tranh không thể đến nhận. Vài hôm sau đến thì không tìm thấy tranh mình đâu nữa. “Sự việc đó như là một kinh nghiệm nhớ đời. Tôi nghĩ rằng, trước tiên mình phải tôn trọng mình và có trách nhiệm với tác phẩm do mình sáng tác. Phải ký giao nhận, trả lại rõ ràng. Ngoài ra, phía tổ chức cũng cần phải bảo quản cẩn thận thì sẽ không có chuyến xấu xảy ra”, họa sĩ nói.

Nói về chuyện này, bà Trai cho hay, không biết các đơn vị khác ra sao, chứ với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức triển lãm, việc nhận – trả tranh phải có biên bản rõ ràng. Việc đảm bảo an ninh cũng phải được đặt lên hàng đầu.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản: Thương mại hóa tác phẩm nghệ thuật của những nhà sáng tạo khuyết tật

Từ những chiếc áo sơ mi có hình ảnh minh họa sáng tạo về động vật cho đến những chiếc tất “tabi” truyền thống có họa tiết chấm bi, ReArt, một hiệp hội hợp tác phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Kawagoe, tỉnh Saitama, Nhật Bản đang giúp thương mại hóa tác phẩm của các nghệ sĩ khuyết tật.

Nhật Bản Thương mại hóa tác phẩm nghệ thuật của những nhà sáng tạo khuyết tật
CA HUẾ TRÊN SÔNG HƯƠNG: Gian nan chấn chỉnh, quản lý

Tình trạng mất trật tự ở lối dẫn vào bến thuyền, vấn nạn “cò” vé, xung đột giữa đơn vị bán vé du lịch với bán vé phục vụ ca Huế… ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế nói chung và hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương nói riêng. Dù đã có quy chế quản lý cũng như những biện pháp xử lý, nhưng hiện tượng vi phạm đó vẫn tồn tại.

CA HUẾ TRÊN SÔNG HƯƠNG Gian nan chấn chỉnh, quản lý
Gian nan bảo tồn văn hóa thời Nguyễn

Di sản văn hóa do triều Nguyễn để lại ở Huế nói riêng và Việt Nam nói chung vô cùng đồ sộ, là những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, nghệ thuật, khoa học, kinh tế… Những năm qua việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa ấy được đánh giá cao nhưng vẫn còn một số bất cập, khó khăn lẫn hạn chế.

Gian nan bảo tồn văn hóa thời Nguyễn
Hành trình gian nan truy bắt đối tượng truy nã

Công an tỉnh tập trung xây dựng các phương án, kế hoạch, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác xác minh truy bắt, vận động đầu thú và thanh loại đối tượng truy nã, không để các đối tượng tiếp tục gây án, phạm tội mới, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, bảo đảm tốt an ninh trật tự.

Hành trình gian nan truy bắt đối tượng truy nã

TIN MỚI

Return to top