ClockChủ Nhật, 27/06/2021 06:14

Gìn giữ thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

TTH - Với những giá trị độc đáo và quý hiếm, năm 2016, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận di sản tư liệu thế giới – khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó đến nay, di sản này luôn được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chăm chút giữ gìn, phát huy giá trị.

Xuất bản ấn phẩm “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”Thơ trên kiến trúc cung đình Huế qua nghệ thuật trúc chỉCông bố Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Thơ bằng chất liệu pháp lam trên điện Thái Hòa

Bảo tàng sống động về văn chương triều Nguyễn

Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là những áng văn thơ tinh túy nhất vốn được tuyển chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn; được chạm, khắc, khảm, cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình Huế trong giai đoạn 1802-1945. Hệ thống này bao gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối được thể hiện trực tiếp bằng nhiều loại hình chất liệu khác nhau, như: gỗ, ngà voi, xương, xà cừ, pháp lam, sành sứ… trên công trình kiến trúc như một cách thức trang trí đặc biệt, riêng có tại Huế.

Các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm từ Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Triệu Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu… phần lớn đều sử dụng văn thơ để trang trí trên liên ba, đố bản, cổ diềm ở cả nội và ngoại thất công trình. Cách trang trí một ô thơ hoặc một đại tự đi liền với một bức họa tạo nên kiểu thức “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa” gần như đã trở thành một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Di sản tư liệu này là sự kết tinh của nhiều yếu tố khác nhau: mỹ thuật, kỹ xảo trang trí, thư pháp, mộc cổ truyền cung đình… tạo nên một phong cách mang đậm bản sắc truyền thống.

Đại tự và Nhất thi - Nhất họa được khắc bằng gỗ sơn son thếp vàng trên liên ba nội thất điện Thái Hòa

Trải qua thời gian dài, sự tàn phá của chiến tranh, các thảm họa thiên nhiên và con người, Huế còn bảo lưu được một khối lượng rất lớn thơ văn trên các di tích kiến trúc. Theo thống kê, hiện nay, trên các di tích kiến trúc cung đình có tổng số hơn 2.000 ô thơ văn và cũng có chừng đó ô họa được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ, trên pháp lam và đắp ngõa sành sứ.

Đây thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương của triều Nguyễn, thể hiện nhiều chủ đề, nội dung khác nhau, như: ca ngợi vương triều, cảnh thái bình thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất, ca ngợi cảnh đẹp vùng đất đế đô, vẻ đẹp của hoa cỏ, cây cối, các mùa trong năm… Phần lớn các di sản tư liệu trên cũng được ghi lại trong thơ văn ngự chế của các hoàng đế triều Nguyễn, như các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và từng được in ấn, phổ biến trong thời Nguyễn.

Giữ gìn di sản

Sau 5 năm trở thành di sản tư liệu thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luôn nỗ lực bảo quản và phát huy giá trị của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình. Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay: “Nhận thức được tầm quan trọng của di sản này, chúng tôi luôn nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bởi một khi di sản bị mất đi thì không thể khôi phục, nếu điều này xảy ra sẽ là một tổn thất vô cùng to lớn cho cả nhân loại”.

Thơ được thực hiện bằng pháp lam

Hệ thống thơ văn chữ Hán đang được trung tâm bảo quản rất tốt cùng với sự bảo tồn các công trình kiến trúc đang chứa đựng di sản tư liệu này. Theo bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, mỗi ô thơ là một cổ vật nhưng vì nằm trên những công trình cổ nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại như kho chuyên dụng để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, vậy nên, hệ thống di sản này vẫn đang chịu sự tác động của thời gian, khí hậu, nhiệt độ. Các cơ quan chuyên ngành bảo quản và bảo tồn đang nỗ lực nghiên cứu giữ gìn bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là sơn thếp bằng chất liệu truyền thống, hoặc sơn son thếp bằng vàng thật ở các công trình quan trọng; bảo quản các bức tranh và thơ văn trên pháp lam; tôn tạo, giữ gìn những bức tranh thơ ghép bằng sành sứ…

Đối với công tác tu bổ công trình di tích có di sản tư liệu thế giới, trung tâm xây dựng kế hoạch và định hướng bảo quản an toàn thơ văn trên các liên ba, đố bản, bờ nóc, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm giữ gìn nguồn tư liệu được bền lâu và nguyên vẹn. Trung tâm còn tập trung khảo sát, đánh giá hiện trạng thơ văn chạm khắc, khảm, cẩn, tráng men… trên cấu kiện gỗ, bê tông, pháp lam; tiếp tục nghiên cứu phục hồi kỹ thuật pháp lam truyền thống, kỹ thuật chạm, khảm để phục hồi các bài thơ, chữ đã mất trên các liên ba, các ô cổ diềm của các di tích.

Áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản tư liệu, toàn bộ hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được trung tâm quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ, phòng tránh những tình huống đáng tiếc bất ngờ, cũng như hạn chế việc phải sử dụng tư liệu gốc. Nội dung tư liệu này còn được dịch thuật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ độc giả tra cứu bằng các bộ mục lục truyền thống và mạng thông tin.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức dịch thuật, xây dựng nội dung ấn phẩm “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” để nội dung di sản quý này được giới thiệu đến với công chúng. Đây là lần đầu tiên một ấn phẩm về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công bố tương đối toàn diện về giá trị nội dung, hình thức với 150 bài thơ, cung cấp tư liệu một cách tổng quát nhất về hệ thống thơ văn trên các công trình kiến trúc Cố đô Huế.

Bài: MINH HIỀN - Ảnh: TTBTDTCĐH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình
Di sản thời số hóa

Ứng dụng công nghệ số đang góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả.

Di sản thời số hóa
“Chung tay gìn giữ môi trường”

Được triển khai vào cuối tháng 9 vừa qua, mô hình “Chung tay gìn giữ môi trường” giai đoạn 2024 – 2025 do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) phối hợp cùng Ban Dân vận Thành ủy Huế thực hiện đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

“Chung tay gìn giữ môi trường”
Thảo luận Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):
Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) chiều 23/10, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu đã dẫn chứng về công tác bảo tồn, trùng tu di sản Huế để góp ý cho dự thảo.

Phân cấp, phân quyền tạo ra hiệu quả cao trong trùng tu di sản

TIN MỚI

Return to top