ClockThứ Tư, 14/07/2021 07:45

Hiếu tử của nhà thơ

TTH - Bằng sự kính trọng và mến mộ, tôi gọi nhà thơ Lê Văn Ngăn, nhà thơ Trần Vàng Sao là hai người anh lớn. Tôi có niềm vui riêng khi các bài viết về hai ông anh được đăng trên Tạp chí Một Thế Giới và Báo Thanh Niên. Lần này là tôi xin được ghi nhận tấm lòng của hiếu tử Lê Hồ Ngạn - con trai trưởng của nhà thơ Lê Văn Ngăn và Nguyễn Đông Xuyên - con trai út của nhà thơ Trần Vàng Sao.

Thủ bút và di cảo của nhà thơ Trần Vàng Sao

"Cha ơi! Con nào quên..."

Tình yêu thương cha vô hạn đã thôi thúc hiếu tử Lê Hồ Ngạn - con trai trưởng của nhà thơ Lê Văn Ngăn quyết tâm tìm kiếm, sưu tập những tác phẩm của cha mình đã thất lạc trước 1975 và chưa in trong hai tập thơ đã xuất bản là "Viết dưới bóng quê nhà", "Thơ Lê Văn Ngăn 2015" để thực hiện tập thơ "Giữa khi mưa lưu hoàng đổ" của nhà thơ Lê Văn Ngăn.

Lê Hồ Ngạn cho biết, trong quá trình tìm kiếm, sưu tập những tác phẩm của cha đôi lúc như rơi vào ngõ cụt vì có những tư liệu trước 1975 hầu như không có ở Việt Nam. Một số thì sưu tầm ở Thư viện Quốc gia, internet, các tiệm sách cũ. Những tác phẩm trước 1975 in trong các tạp chí tại Việt Nam hiện nay đã không còn như Khởi Hành, Tinh Hoa nếu chẳng có "nhân duyên" chắc không bao giờ tìm thấy.

Lê Hồ Ngạn kể về "nhân duyên" ấy như sau: Qua mạng xã hội Lê Hồ Ngạn kết nối với những người bạn cha mình sống cách xa hơn nửa vòng trái đất (Mỹ, Canada) mà anh chưa bao giờ gặp mặt. Nhà văn Trần Hoài Thư, nhà thơ Cái Trọng Ty, nhà thơ Nguyễn Huy Thiệp (Mỹ); nhà thơ Nguyễn Lương Ba, nhạc sĩ Phan Ni Tấn (Canada)... đã cung cấp nguồn tư liệu, thủ bút... chụp từ bản gốc.

Chính nhờ sự “thương khó” trong thời gian dài đi lục tìm tác phẩm của thân sinh mà hiếu tử Lê Hồ Ngạn đã thống kê chi tiết các tạp chí đã in thơ Lê Văn Ngăn. Tuy việc sưu tập vẫn chưa đầy đủ vì cuộc tìm kiếm tư liệu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Lê Hồ Ngạn đã phần nào thỏa được tâm nguyện.

Lê Hồ Ngạn tâm sự: "Tập thơ "Giữa khi mưa lưu hoàng đổ" hoàn thành với mong ước được gìn giữ những kỷ vật của cha trên hành trình của kiếp người và tặng những người bạn đã đi trên hành trình đó, những thư viện đại học, những người yêu thích thi sĩ Lê Văn Ngăn. Trên tinh thần ấy, tập thơ "Giữa khi mưa lưu hoàng đổ" in 200 tập chỉ tặng, không phát hành”.

 Trân quý nơi chốn mà lúc sinh thời nhà thơ Lê Văn Ngăn đã từng gắn bó, kết nối thân tình trong vòng tay bè bạn, Lê Hồ Ngạn đã chọn Huế để làm cuộc ra mắt giới thiệu tập thơ "Giữa khi mưa lưu hoàng đổ" (Nxb Thuận Hóa, 2020) của cha trước công chúng yêu thơ. Tại đây, những kỷ niệm đẹp, những ký ức sinh động về nhà thơ Lê Văn Ngăn được tái hiện bằng những tâm tình gợi mở, những phát biểu trân trọng của những người bạn cùng thời với nhà thơ Lê Văn Ngăn, qua đó hiếu tử Lê Hồ Ngạn đã yêu thương đưa hình ảnh cha về trìu ái giữa lòng bằng hữu.

Với việc làm vất vả, kiên nhẫn tìm tòi đáng quý của hiếu tử Lê Hồ Ngạn, chúng tôi hy vọng thời gian tới hiếu tử Lê Hồ Ngạn sẽ tiếp tục xuất bản những tác phẩm khác của nhà thơ Lê Văn Ngăn nhằm giới thiệu rộng rãi trong công chúng và xem đây là sự tiếp tục cuộc hành trình:

"Cha ơi!

 Con nào quên được giây phút ấy đôi mắt thật sáng nhìn con, cha muốn nói:

 "Cha đã yên lòng, con hãy bước tiếp trên hành trình của mình

Cha con ta sẽ gặp lại trong luân hồi"

(Một hành trình - thơ Lê Hồ Ngạn. Sông Hương 319/9-2015).

"Đối với con ba là tất cả!"

Lặng thầm một chốn riêng nơi Vỹ Dạ, hiếu tử Nguyễn Đông Xuyên gom góp, chăm chút chép thơ cha mình trong các tờ báo in trong nước, hải ngoại; tìm kiếm, chắt chiu những trang thơ cha viết bằng mực tím trên giấy vở học trò để ấn hành thi phẩm "Bài thơ của một người yêu nước mình" (Nxb Hội Nhà Văn, 2020), trong đó có một số bài lần đầu tiên được công bố với sự giúp đỡ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn hóa Tôn Nữ Ngọc Trai.

Tại mái ấm gia đình hiện nay của nhà thơ Trần Vàng Sao, Nguyễn Đông Xuyên đã biến căn phòng thanh cảnh, thân quen thành nơi lưu niệm đáng quý của thân sinh khi lưu giữ các thi phẩm đã được xuất bản trước đây, tập di cảo quý báu, các bức tranh nghệ thuật của nhà thơ Trần Vàng Sao.

Chứng kiến không gian tình cảm này, tôi vô cùng trân trọng việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn của Nguyễn Đông Xuyên. Tôi thầm mong địa chỉ 38 Nguyễn Khoa Vy, Vỹ Dạ - TP. Huế sẽ là điểm đến của thân hữu, bạn bè, những người yêu thơ Trần Vàng Sao.

Trên đây chỉ là hai hiếu tử mà tôi được biết, được giao tiếp qua mối thâm tình từ trước tới nay với gia đình nhà thơ Lê Văn Ngăn, nhà thơ Trần Vàng Sao. Nhân cách, tài hoa của các nhà thơ đã có một ảnh hưởng đẹp, tốt lành đến con cái họ. Những người con của các nhà thơ đã sớm biết tiếp truyền sức sống, những giá trị văn hóa tinh hoa của thân sinh để trân trọng gìn giữ, nâng niu và tâm thành tạo nên những hiệu ứng đầy thanh sắc, nhiều hương vị cuộc sống của cha mình trước cộng đồng xã hội.

Tôi hiểu, chắc chắn đất nước mình còn có nhiều tấm gương hiếu tử khác đang lặng lẽ, âm thầm nuôi dưỡng, phát huy tinh thần hiếu thuận với mẹ cha để lưu giữ và truyền bá các vốn quý nhân văn của các đấng sinh thành. Ai hiếu thuận với mẹ cha, người ấy sẽ thành công trong cuộc sống!

Bài, ảnh: Võ Quê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
NQ
Ngô Văn Quyết - 13/12/2023 10:18
1. Thơ , văn là một dạng của thượng tầng kiến trúc. Yêu thơ vốn đã rất khó. Làm thơ để người khác yêu thơ ấy càng khó hơn. Những điều ấy đòi hỏi họ phải có trái tim yêu nước, yêu nhân dân, yêu văn hóa. "Văn hóa là hồn cốt của một dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn" (TBT Nguyễn Phú Trọng); 2. Trần Vàng Sao là một trong số những nhà thơ gạo cội thời Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm. Ông có nhiều thi phẩm hay. Tôi yêu thơ của Trần Vàng Sao. 3. Thơ của Trần Vàng Sao cũng đã góp phần thúc đẩy nền thi ca cách mạng phát triển.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thơ xứ Huế - những hoa trái ngọt lành

Thành lập từ năm 2018 với tiền thân là câu lạc bộ (CLB) Thơ Facebook xứ Huế, sau 5 năm phát triển và hoạt động tích cực, Hội thơ xứ Huế đã đạt được những cột mốc đáng nhớ trong sự phát triển chung của văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà.

Hội thơ xứ Huế - những hoa trái ngọt lành
Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”

“Khoảng trời, hố bom” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Biết bao nhiêu năm trôi qua, tiếng súng, tiếng bom đã tắt, nhưng hồi ức về cuộc chiến vẫn day dứt trong trái tim thi sĩ. Giờ đây, khi bà đã đi xa, câu chuyện về những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ vẫn được gửi gắm cho hậu thế qua những vần thơ của bà.

Họ “đã hóa thành những làn mây trắng”
Return to top