ClockThứ Sáu, 10/04/2020 06:00

Họa sĩ Trương Bé – họa sĩ bậc thầy trong hội họa

TTH - Nhắc đến họa sĩ Trương Bé, người ta nghĩ ngay về một con người gắn bó với nghệ thuật sơn mài truyền thống, một họa sĩ trình độ bậc thầy trong lĩnh vực hội họa trừu tượng ở Việt Nam.

Họa sĩ Trương Bé triển lãm tranh sơn mài tại Hà Nội

Họa sĩ Trương Bé

Làm việc đến giây phút cuối cùng

Trưa 9/4, họa sĩ Trương Bé, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế qua đời ở tuổi 78 tại nhà riêng. Qua mạng xã hội facebook, nhiều họa sĩ, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế bày tỏ niềm tiếc thương đối với người họa sĩ, người thầy đáng kính.

Nhắc đến họa sĩ Trương Bé, người ta nghĩ ngay về một con người gắn bó với nghệ thuật sơn mài truyền thống, với sức sáng tạo bền bỉ. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn không hề ngơi nghỉ trên con đường nghệ thuật. Tháng 9/2019, ông ra mắt công chúng 50 bức tranh sơn mài và sơn dầu trong triển lãm “Nhịp điệu vũ trụ” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. 50 tác phẩm thể hiện cái nhìn vừa thống nhất vừa độc lập của họa sĩ về vũ trụ với sự chuyển động của hàng vạn hạt bụi, vì tinh tú, các dải ngân hà và sự liên kết giữa vũ trụ và con người trong sự luân chuyển không ngừng.

Đa phần tác phẩm được họa sĩ Trương Bé vẽ trong những năm gần đây, nhiều bức được ông ký năm 2019, với nhiều kích thước khác nhau từ nhỏ nhất (50x50cm) đến lớn nhất (244x625cm). Với một họa sĩ trẻ, việc thực hiện một bức tranh khổ lớn rất vất vả. Với một họa sĩ cao niên như họa sĩ Trương Bé, để cho ra đời những tác phẩm lớn là một nỗ lực say mê. Ngay cả khi còn quấn băng trên đầu sau phẫu thuật, ông vẫn vẽ miệt mài.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật bày tỏ niềm thương tiếc: “Họa sĩ Trương Bé là tấm gương lớn về sức làm việc không mệt mỏi, sáng tạo đến giờ phút cuối cùng. Đến những năm cuối đời, ông vẫn có nhiều triển lãm tạo được tiếng vang lớn, để lại cho cuộc đời kho tác phẩm đồ sộ. Ông là họa sĩ lớn của Huế và Việt Nam, là người thầy truyền nhiệt huyết, niềm tin cho nghệ sĩ trẻ. Nghệ thuật của ông để lại ấn tượng mạnh mẽ. Dù là họa sĩ lớn tuổi, lại sử dụng chất liệu truyền thống nhưng tranh của ông rất đương đại. Ông ra đi là một mất mát lớn”.

Truyền sức sống cho tranh sơn mài

Bằng tài năng của mình, họa sĩ Trương Bé đã tạo lập một vị trí tên tuổi không chỉ ở miền Trung mà trên cả nước. Ông là một trong những người đã kiên trì đi sâu nghiên cứu, khám phá sự biểu cảm của chất liệu sơn mài và có nhiều đóng góp khi đưa lối vẽ hiện đại vào tranh sơn mài truyền thống. Luôn tìm thấy trong chất liệu truyền thống quý giá này những sắc âm ngôn ngữ biểu đạt chưa được khám phá hết, ông là họa sĩ đầu tiên ở Huế tiên phong vẽ tranh sơn mài theo trường phái trừu tượng.

Hơn 25 năm trước, sự xuất hiện lối vẽ trừu tượng trên nền tảng chất liệu sơn mài truyền thống là điều khá mới mẻ, nhất là khi họa sĩ Trương Bé tổ chức triển lãm tranh trừu tượng đầu tiên tại Huế. Trong những tác phẩm hiện thực trước 1985 của ông, phảng phất nét vẽ rắn mạnh, dứt khoát cùng các chấm phá “phi hiện thực” nhưng lại hợp lý. Sau này, ông thể hiện sự say mê thể loại trừu tượng trên sơn mài rất mạnh mẽ, có sức lôi cuốn nhiều đồng nghiệp vào mê cung nghệ thuật của mình.

Tranh của ông bao giờ cũng thể hiện những chủ đề mang tính trừu tượng có tư tưởng khái quát, như: thời gian, không gian, sự sống... Xem tranh ông, người thưởng lãm có thể thấy được những bố cục thoáng đãng bất ngờ, những mảng màu vàng son lộng lẫy, những đường nét chằng chịt cuồn cuộn chồng chéo, đè nén lên nhau, lúc hối hả rối rít, khi buông lơi mất hút trong không gian bất tận… Đứng trước tác phẩm của ông, người xem như cảm thấy ngợp bởi sức mạnh của cái đẹp mà họa sĩ tạo nên.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế, họa sĩ Trương Bé từng chia sẻ: “Hội họa biểu hiện trên mặt phẳng bằng hình tượng nghệ thuật. Vì vậy, người họa sĩ phải làm sao để diễn tả được điều tâm tưởng mình nhìn thấy, cảm thấy bằng hình thức cụ thể và theo cấu trúc tác phẩm có nhịp điệu, sự thay đổi, tổng thể của nó để nói lên chủ đề rất trừu tượng”.

Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942 tại Quảng Trị, nguyên là Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế (1996-2000). Tranh của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore. Ông đã có nhiều cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Canada… và được tặng thưởng nhiều giải thưởng, huy chương về nghệ thuật.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồn phố trong Khanh

Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hồn phố trong Khanh
Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”

TIN MỚI

Return to top