ClockChủ Nhật, 17/03/2024 14:02

Hồn phố trong Khanh

TTH - Phố trong nét cọ của họa sĩ Hoàng Đăng Khanh như đưa người xem đắm chìm theo nhiều cảm xúc khác nhau: bình yên, lãng mạn, liêu xiêu, xa lạ, đâu đó là chơi vơi, cô đơn. Bao nhiêu năm theo đuổi đề tài phố, người họa sĩ xứ Huế này vẫn không hề mệt mỏi. Bởi với anh, chính những góc phố ấy đã nuôi dưỡng không chỉ tâm hồn mà còn cho anh những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.

Hoàng Đăng Khanh và “tiếng thì thầm của phố”Hoạ sĩ Hoàng Đăng Khanh triển lãm tranh vẽ về Đà LạtHoàng Đăng Khanh tìm lại Đà Lạt trong ký ức

Một góc phố qua nét cọ của Hoàng Đăng Khanh 

Từ “Điệp khúc phố” năm 2014 đến “Tiếng thì thầm của phố” năm 2024, tròn 10 năm, Khanh vẫn không ngừng theo đuổi việc kể chuyện về phố bằng hội họa. Phố trong góc nhìn của Khanh tròn thập niên dù có đổi thay, nhưng xem những tác phẩm của anh mới thấy cái tình với từng nơi chốn phố phường mà mình từng lui tới.

Những ai mê phiêu bạt, lang thang sẽ không khó để đồng điệu với những góc phố quen thuộc được Khanh mượn hội họa để kể chuyện. Đó là những con phố thân quen đầy hoài niệm của xứ Huế, những dãy phố cổ rêu phong cổ kính ở Hội An, hay Đà Lạt mộng mơ - nơi Khanh từng có những năm tháng tươi trẻ lang bạt ở đó.

“Với mình, mỗi tác phẩm là một ký ức đẹp. Đó có thể là nơi chốn mình sinh ra, lớn lên. Hay những góc phố mình thường lui tới, hội ngộ bạn bè, người thân. Mỗi nơi có một sự đặc biệt riêng, tất cả đã tạo nên ký ức và giờ đây mình muốn kể lại ký ức đó bằng những nhớ thương, hoài niệm lên tấm toan”, họa sĩ Hoàng Đăng Khanh trải lòng.

Có những góc phố rất hẹp với những ô cửa, tán cây chen chúc giữa lòng phố thị, có góc thì rộng dài với một vài điểm xuyết nhưng mềm mại, cũng có khu phố chật chội những dãy nhà cao tầng, những dãy phố nhìn từ dòng sông hay xuyên qua núi đồi bình yên, rồi phố đêm lung linh ánh đèn từ những công trình kiến trúc cổ kính… Cứ như thế, Khanh dẫn lối để người xem như thấy được sự quen thuộc, gần gũi trong đó, thoáng như đã đi qua và dừng lại ở nơi chốn thân thương nào đó như thước phim quay chậm.

Ở cuộc triển lãm “Tiếng thì thầm của phố” vừa được Hoàng Đăng Khanh đưa vào Sài Gòn giới thiệu đến người xem, nhiều người đã không khỏi trầm trồ như được nắm tay dẫn lối qua những miên man của sắc màu và thời gian.

Nhà báo Lê Thanh Phong khi thưởng lãm những tác phẩm ấy đã thốt lên rằng: “Hoàng Đăng Khanh dắt tôi qua không gian Huế và Đà Lạt, ở đó có những con phố trầm ngâm, có những ngôi nhà lô xô trên đồi, có những phố núi buồn cúi đầu dưới mây, có những tường thành phong rêu cổ kính...”. Ấn tượng hơn nữa với vị khách này đó là tranh của Khanh luôn thấp thoáng tháp giáo đường và đâu đó như được nghe thánh ca trong làn sương chiều hay dưới ánh trăng đêm.

Hơn thập niên theo đuổi niềm đam mê, Hoàng Đăng Khanh vẫn miệt mài theo đuổi chủ đề phố như tiếp nối cuộc chơi của người cha quá cố của mình - họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Nhưng phố trong Khanh có những chất riêng và sự sáng tạo theo góc nhìn, sự tìm tòi của bản thân. Trải qua thời gian, tất cả đã được chàng họa sĩ này nuôi dưỡng để định hình được phong cách của chính mình trong hành trình khám phá, sáng tạo và dấn thân với nghệ thuật.

Nhật Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Lan tỏa Văn hóa Việt Nam qua Triển lãm 'Không gian Văn hóa Việt' tại Mỹ

Những vật phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam như mô hình trống đồng, Khuê văn các, trang phục áo dài trên chất liệu lụa truyền thống, gốm Chu đậu, đồ sơn mài, mây tre... đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ lựa chọn kỹ càng mang tới trưng bày tại triển lãm mang tên “Không gian Văn hoá Việt Nam”.

Lan tỏa Văn hóa Việt Nam qua Triển lãm Không gian Văn hóa Việt tại Mỹ
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top