Buổi làm việc diễn ra cách đây 5 tháng, với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng đại diện các Vụ, Cục, thuộc Bộ. Tại đây, một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh về văn hóa, du lịch, thể thao nhận được sự đồng thuận, nhất trí của Bộ VHTTDL, đặc biệt là các đề xuất về xây dựng một số thiết chế văn hóa cần thiết cho Huế như trung tâm biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm lưu trữ, bảo quản quốc gia…
Tư liệu khắc gỗ được bảo quản sơ sài tại phủ Tùng Thiện Vương (TP.Huế)
Việc thành lập trung tâm lưu trữ, bảo quản quốc gia tại Huế được đặt ra cách đây hơn 15 năm. Tại Quyết định số 581 “Về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” được ban hành ngày 6/6/2009, Chính phủ quy hoạch cả nước có 3 địa phương có trung tâm bảo quản vùng, gồm Huế, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, vai trò, vị thế văn hóa quan trọng của Huế được Chính phủ ghi nhận và xác định. Đó là cơ sở quan trọng về cơ chế để xúc tiến hình thành một trung tâm lưu trữ tương xứng ở Huế.
Ngoài mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới, gần đây, hàng ngàn mộc bản Phật giáo có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật được phát hiện trong một chương trình khảo sát do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán phối hợp tổ chức. Số mộc bản này hiện được bảo quản sơ sài tại một nhà thờ họ ở Nội thành Huế và số phận của chúng chưa biết sẽ đi đâu về đâu. Hay tại các phủ, đệ như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương… hàng ngàn trước tác khắc gỗ giá trị khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Vài năm trở lại đây, chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán-Nôm làng xã và tư gia trên địa bàn tỉnh do Thư viện Tổng hợp phối hợp triển khai cũng tiếp cận được hàng vạn trang tài liệu. Riêng đợt sưu tầm, số hóa mới đây (từ tháng 2 đến tháng 6/2016) tại 16 làng, phủ với 60 họ tộc đã thu được trên 15.000 trang tài liệu sắc phong, chiếu phong, gia phả...thời Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn, trong đó có cả ngự bút của vua Tự Đức. Tuy nhiên, con số trên chỉ mới là những phát hiện ban đầu so với những gì đang tiềm ẩn trong các bộ sưu tập tư gia, các hòm sắc bộ làng, xã, các kho tư liệu ở các phủ, đệ, chùa chiền...ở Huế. Ngay cả với số tư liệu đã được phát hiện, tiếp cận, hầu hết mới dừng lại ở việc số hóa. Chuyện bảo quản số tư liệu gốc ấy như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được đề cập vì nhiều lẽ, trong đó có vấn đề cơ sở hạ tầng cho lưu trữ.
Một vài con số trên cho thấy, nhu cầu về một trung tâm lưu trữ ở Huế là rất lớn. Cơ chế, chủ trương cho trung tâm ấy đã có. Vấn đề là chúng ta sẽ tranh thủ cơ hội vàng này như thế nào để có được một trung tâm lưu trữ Quốc gia đúng nghĩa, tương xứng, không chỉ cho Huế mà còn cho cả vùng, ít nhất là khu vực miền Trung để phục vụ công tác lưu trữ, bảo quản lâu, dài.
Tại thông báo số 1972/TB-VHHTTDL (ban hành ngày 26/5//2016), Bộ VHTTDL giao Vụ Thư viện phối hợp Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan đề xuất phương án xây dựng trung tâm lưu trữ, bảo quản quốc gia. Theo đó, ngày 5/8/2016, Sở Văn hóa Thể thao có văn bản yêu cầu Thư viện Tổng hợp tỉnh chủ trì, phối hợp các phòng chuyên môn thuộc Sở làm việc cụ thể với Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL về xây dựng trung tâm lưu trữ, bảo quản quốc gia.
|
Bài, ảnh: Thu Hà