ClockThứ Tư, 02/09/2020 08:53

Huế sẽ gắn với hình ảnh quốc phục

TTH - Là nơi khai sinh ra chiếc áo dài, từ lâu, áo dài đã trở thành một trong những nét văn hóa, biểu tượng của vùng đất xứ Huế. Với nhiều nỗ lực trong thời gian qua, áo dài truyền thống đang dần phổ biến hơn trong đời sống hiện đại.

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Quốc khánh và năm học mới

Áo dài truyền thống được giới trẻ ngày càng ưa chuộng

Lan tỏa

Mấy mươi năm nay, cô giáo Võ Thị Quỳnh, nguyên giáo viên chuyên Văn, Trường THPT chuyên Quốc Học luôn gắn bó với chiếc áo dài. Không chỉ trên bục giảng, mỗi khi tham gia các sự kiện văn hóa, dự tiệc, đám cưới… cô Quỳnh luôn mặc áo dài. Trước đây, dường như chỉ có cô mặc áo dài đơn độc, nhưng nay, cô bảo rất vui khi đã có nhiều người phụ nữ đồng hành.

Trong buổi tọa đàm về áo dài tại Bảo tàng Văn hóa Huế trước đây, cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, từng chia sẻ: “Thế hệ của chúng tôi quen thuộc với hình ảnh áo dài, từ các cô nữ sinh hiền hòa với màu trắng tinh khôi tô điểm con đường đến trường, những thiếu phụ nhẹ nhàng trong những tà áo màu, đến những người buôn bán gánh gồng tất tả ngược xuôi vẫn không quên khoác lên mình chiếc áo dài. Một thời, báo chí và du khách nước ngoài mệnh danh Huế là “thành phố áo dài”. Tôi vẫn ước mơ có ngày nào đó, khắp phố phường, phụ nữ Huế cùng mặc áo dài”.

Mong ước của cô Diệu Huyền đang dần trở thành hiện thực khi áo dài đã hiện diện nhiều hơn trên đường phố. Những tà áo dài tung bay trên đường phố là một hình ảnh đẹp, tạo dấu ấn với khách du lịch. Nhà thiết kế Đoan Trang, Giám đốc DNTN Thêu may Đoan Trang tấm tắc, Huế chắc chắn đẹp hơn nếu có những ngày mọi phụ nữ đều tự nguyện mặc áo dài khi ra đường. Chỉ cần cả thành phố thơ mộng này tràn ngập áo dài thì sẽ tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách.

Hai năm nay, quy định nữ cán bộ, công chức, viên chức và nữ học sinh trung học, sinh viên đại học mặc áo dài sáng thứ hai đầu tuần; hoặc việc miễn vé tham quan di tích Cố đô Huế đối với phụ nữ mặc áo dài trong dịp 20/10, 8/3 đã tạo ra những chuyển động ban đầu để khôi phục việc mặc trang phục áo dài, tạo ra một nét mới trong sinh hoạt của Cố đô Huế. Nhà thiết kế Đoan Trang kể, trước đây, nhiều người bạn của chị thích và may rất nhiều áo dài nhưng không có dịp mặc vì thấy lạc lõng. Nhưng giờ phong trào mặc áo dài bắt đầu lan tỏa, khách đến may áo dài ở tiệm của chị cũng đông hơn.

Huế cũng đang nỗ lực phục hồi trang phục áo dài nam truyền thống. Chiếc áo ngũ thân trang nhã, lịch lãm đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các nghi lễ ngoại giao, hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, du lịch... Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị tiên phong khi đặt may áo dài ngũ thân cho hơn 30 cán bộ nam. Hình ảnh đồng phục áo dài ngũ thân của Sở Văn hóa và Thể thao nhận được nhiều lời khen ngợi của cộng đồng mạng trong thời gian gần đây.

Không chỉ là khẩu hiệu

Tại hội thảo “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức đầu tháng 7, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, áo dài cần phải trở lại vị trí xứng đáng của nó trong lòng người dân Cố đô từ những việc làm thiết thực, như: Tổ chức lễ tri ân vào ngày 20/5 Âm lịch hàng năm để các nhà thiết kế, may mặc, người mẫu… khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về Huế tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát đã có công khai sáng áo dài Việt Nam; Ngày hội áo dài hàng năm sẽ là ngày toàn thể người dân Huế mặc áo dài.

 

UBND tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, người lao động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải mặc áo dài truyền thống. Cùng với việc vận động nữ sinh mặc áo dài tối thiểu 3 ngày trong tuần, giáo viên mặc áo dài suốt tuần khi lên bục giảng, tỉnh cũng sẽ vận động du khách vào tham quan Đại Nội mặc áo dài thay vì mua vé, tất cả du khách đều mặc áo dài sẽ là hình ảnh quảng bá rất đẹp. Bản thân Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nêu gương, mặc áo dài truyền thống trong các buổi tiếp đại sứ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, cần thừa nhận thời đại đã đổi khác, rất khó để những tà áo dài truyền thống bay khắp mọi nhà, mọi đường phố, đường làng, hay trong chợ, trên sông, ngoài đồng ruộng… như một thời Huế từng có. Tuy vậy, cần khẳng định áo dài Huế là một giá trị văn hóa độc đáo để quyết tâm xây dựng thương hiệu áo dài Huế như một tài sản trí tuệ độc sáng của vùng đất Cố đô. Ngoài nỗ lực vận động phụ nữ thường xuyên sử dụng trang phục áo dài trong các sinh hoạt xã hội, tỉnh cần tổ chức thêm các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế. Thừa Thiên Huế có thể tiên phong vận động khôi phục lại quốc phục áo dài Việt Nam, cho cả nam và nữ.

TS. Thái Kim Lan tỏ ra lạc quan áo dài sẽ trở lại khi việc mặc áo dài đang dần trở thành phong trào. Bà nói: “Tại sao chúa Nguyễn Phúc Khoát ban bố ra chiếc áo dài thì mọi người phải theo, vì đó là quy định của quốc gia. Tôi rất ủng hộ ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khi vận động nữ cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh… mặc áo dài ít nhất một ngày trong tuần. Ngoài ra, dĩ nhiên phải tác động sự tự nguyện của mọi người thông qua những buổi nói chuyện về vẻ đẹp của chiếc áo dài để “đánh thức” sự yêu thích của người trẻ và những người bấy lâu đã bỏ quên chiếc áo dài”.

Ngoài việc mặc trang phục áo dài tại các không gian nghi lễ và không gian văn hóa truyền thống, để áo dài được quảng bá mạnh mẽ, tỉnh cần có chính sách miễn, giảm vé vào tham quan di tích đối với khách du lịch mặc áo dài truyền thống. Đây là cách làm khá hiệu quả của Hàn Quốc trong việc quảng bá trang phục Hanbok truyền thống. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có thể tổ chức dịch vụ cho thuê áo dài, đặc biệt là áo dài Nhật bình của các công chúa, bà phi, phụ nữ quý tộc… sẽ tạo ra một sắc thái rất độc đáo.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất, sắp tới, các đại biểu HĐND nên mặc áo dài truyền thống trong các kỳ họp; đề nghị UBND tỉnh vận động tất cả các sở, ngành may đồng phục áo dài nam, nữ. Vận động tất cả mọi người mặc áo dài, nhất là với nam giới không phải dễ nhưng cần phải vượt qua những e ngại ban đầu. Nếu quyết tâm thì trong vài năm, truyền thống mặc trang phục áo dài của Huế sẽ được khôi phục. Như vậy, Huế sẽ gắn liền với hình ảnh của bộ quốc phục - áo dài truyền thống Việt. Và, Kinh đô áo dài không phải là khẩu hiệu mà là một tập quán văn hóa tồn tại trong lịch sử.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Return to top