Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban tổ chức (BTC) Festival Huế 2020 – Phan Ngọc Thọ khi kỳ festival mới, đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của một lễ hội văn hóa - nghệ thuật - du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế đầu tiên của cả nước, đang đến rất gần.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ. Ảnh: THÁI BÌNH
Ông có thể cho biết, những điểm nhấn hấp dẫn của Festival Huế 2020?
Festival Huế 2020 đánh dấu quá trình 20 năm kể từ khi festival đầu tiên được tổ chức. Với chủ đề xuyên suốt “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế luôn luôn mới”, Festival Huế 2020 tiếp tục giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế, nơi hội tụ giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa trên thế giới.
Về cơ bản, Festival Huế 2020 đảm bảo 3 mục tiêu: tính chuyên nghiệp, giá trị nghệ thuật và hướng đến quần chúng. Được xây dựng trên khung chương trình đã tạo nên thương hiệu cho 10 kỳ Festival Huế, như: chương trình nghệ thuật khai mạc, chương trình Văn hiến kinh kỳ, Lễ hội Áo dài, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, lễ hội đường phố, lễ hội “Huế - Kinh đô ẩm thực”, lễ hội diều… Tất cả đều được chú trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, mang nghệ thuật đến gần với khán giả, làm cho người dân thực sự là chủ thể của lễ hội. BTC luôn khuyến khích việc cạnh tranh để có thể lựa chọn các kịch bản hấp dẫn, phù hợp với Festival Huế để phục vụ khán giả. Các chương trình này được sắp xếp trải đều các đêm, đảm bảo cho khán giả dù tham dự ở tour nào cũng có cơ hội thưởng thức những sự kiện đặc biệt.
Về quy mô, căn cứ cơ cấu chương trình, BTC lựa chọn gửi thư mời đến 20 quốc gia là đối tác truyền thống của Festival Huế, có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời và nền nghệ thuật phát triển. Đây cũng là con số có ý nghĩa nhân kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển của Festival Huế. Phương thức lựa chọn của BTC cũng mang tính chủ động hơn các kỳ trước đây, khi đưa ra những đề nghị cụ thể về đoàn nghệ thuật hoặc loại hình mong muốn với các đối tác, để có thể chọn lọc những chương trình chất lượng, đẳng cấp cao.
Các hoạt động đồng hành, hưởng ứng sôi nổi, phong phú được tổ chức trong một không gian rộng khắp, tô điểm thêm cho bức tranh tổng thể của festival, hướng đến nhiều đối tượng khán giả, với thành phần và độ tuổi khác nhau; trong đó, quan tâm chú ý đến nhu cầu của giới trẻ. Số lượng các chương trình cũng được kiểm soát, giảm tải các chương trình hưởng ứng không có hiệu quả cao, tăng cường chất lượng các hoạt động nghệ thuật đường phố với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước.
Festival năm nay sẽ thay đổi ngày tổ chức, thay vì tổ chức đúng vào dịp lễ 30/4 và 1/5, nay tổ chức sớm hơn vào đầu tháng 4/2020, sự thay đổi này hướng đến mục tiêu gì, thưa ông?
Việc lựa chọn thời điểm tổ chức, ngoài xem xét yếu tố thời tiết, còn tính toán rơi vào kỳ nghỉ dài để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khán giả. Trong 2 kỳ festival gần đây, thời điểm tổ chức được gắn với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Điểm mạnh của sự lựa chọn này là festival không ảnh hưởng đến ngày làm việc của cán bộ, công chức và sinh hoạt học tập của học sinh, sinh viên. Đây cũng là mùa du lịch của khách nội địa, vì thế, du khách đến Huế trong kỳ nghỉ sẽ có cơ hội kết hợp thưởng thức các chương trình nghệ thuật của festival, việc quảng bá nét đẹp văn hóa và thế mạnh của địa phương đến được với đông đảo du khách hơn.
Tuy vậy, đây lại là thời điểm các khách sạn thường xuyên bị quá tải, nên không đáp ứng được nhu cầu của khán giả, công tác tổ chức và hậu cần cho festival gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, năm nay BTC quyết định dời thời gian tổ chức sớm hơn gần1 tháng (1/4 - 6/4/2020), trùng vào dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, vừa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, thuận lợi trong công tác tổ chức, vừa đảm bảo cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho nhu cầu của du khách.
Lễ hội đường phố luôn là chương trình thu hút người dân và du khách tại các kỳ Festival Huế. Ảnh: ĐỨC QUANG
Một điểm khác nữa của festival lần này là BTC sử dụng bộ nhận diện thương hiệu (tứ linh), thay vì chỉ có poster như trước đây, ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về sự thay đổi này?
Đúng vậy, đây cũng là một nét mới trong festival lần này. Trong các kỳ festival trước, BTC chỉ sử dụng 1 thiết kế duy nhất làm hình ảnh nhận diện. Lần này, bộ nhận diện thương hiệu là những hình ảnh đồ họa, thiết kế cách điệu từ bốn linh vật trong mỹ thuật cung đình Huế, thể hiện bốn cụm chủ đề: một Huế di sản (rồng), một Huế tâm linh (rùa), một Huế nên thơ và hiện đại (phượng) và một Festival Huế độc đáo (long mã) nhằm chuyển tải đầy đủ những khía cạnh nổi bật trong văn hóa Huế, phục vụ quảng bá một cách sinh động, hiệu quả, phù hợp với phương pháp tiếp cận truyền thông đa chiều tại Festival Huế 2020.
Sự đa dạng về hệ thống nhận diện tạo nên cách nhìn mới, tối ưu tính ứng dụng của bộ hình ảnh, sẽ là nền tảng để bộ phận truyền thông Festival Huế 2020 ứng dụng phương thức truyền thông tích hợp 360 độ, dễ dàng sử dụng trong các hình thức truyền thông số từ online đến offline, từ các kênh truyền thông chính thống đến mạng xã hội, các ứng dụng đồ hoạ phù hợp, các hình thức quảng bá trực quan, tạo ra hình ảnh sinh động, đổi mới khác các kỳ Festival trước.
Ông từng nói Festival Huế 2020 là kỳ “Festival xanh”, ông có thể cho biết cụ thể hơn mục tiêu quan trọng này?
Quan điểm nhất quán của chúng tôi là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; kinh tế, xã hội và môi trường là 3 trụ cột cho phát triển bền vững, và là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển. Hưởng ứng lời kêu gọi và phát động của Thủ tưởng Chính phủ, toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa, thì một “Festival xanh, bảo vệ môi trường, nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” là một trong những điều mà Festival Huế 2020 hướng đến, góp phần đẩy mạnh nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng tiếp nối các phong trào mà Huế đang tích cực triển khai: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa”; các hoạt động tình nguyện và hưởng ứng festival sẽ tập trung cho công tác giữ gìn và làm sạch môi trường…
Đây cũng như một thông điệp mà Huế muốn gửi cho bạn bè quốc tế, khẳng định giá trị của Huế, là tâm điểm thu hút sự ủng hộ Huế xây dựng và phát triển một đô thị thông minh trong tương lai, một thành phố xanh – sạch – sáng.
Thông qua kỳ Festival Huế lần này, những kỳ vọng nào được đặt ra, thưa ông?
Quyết tâm đặt ra là Festival Huế 2020 phải đảm bảo 3 tiêu chí quan trọng: tính chuyên nghiệp, giá trị nghệ thuật và hướng đến quần chúng. Trên quan điểm đó, kế thừa và khẳng định sự thành công của các kỳ festival trước, Festival Huế 2020 chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, phù hợp với xu thế hội nhập, đầu tư nội dung có chiều sâu và nâng tầm chất lượng nghệ thuật; cấu trúc chương trình tinh gọn, không ôm đồm, dàn trải; tăng cường các hoạt động xã hội hóa với mục tiêu người dân thực sự làm chủ lễ hội, kết hợp tốt các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội có tính cộng đồng cao, mới lạ, hấp dẫn, có sức thu hút mạnh mẽ.
Festival Huế 2020 gắn với các hoạt động quảng bá tuyên truyền môi trường, gắn với Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, phong trào “xanh – sạch – sáng”, “Huế - 4 mùa hoa”, “Festival Bốn mùa” là điểm đến hấp dẫn của mọi du khách, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch và dịch vụ.
Xin cảm ơn ông!
Đức Quang (thực hiện)