ClockThứ Bảy, 23/11/2019 15:47

Ký kết hợp tác đưa di sản văn hóa vào trường học

TTH.VN - Sáng 23/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác giáo dục di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11).

Đại diện lãnh đạo tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đến dự.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi lễ

Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình. Huế có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời. Việc đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa vào trường học sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử địa phương mình, nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống của dân tộc để có ý thức bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa tốt hơn.

Chương trình hợp tác thực hiện qua các việc: Biên soạn các loại hình tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh; xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại khu di sản Huế; Xây dựng các chương trình hoạt động tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản cho học sinh các cấp; tổ chức các cuộc thi học sinh tìm hiểu di sản Huế.

Từ nay đến năm 2022, các đơn vị sẽ triển khai các nội dung hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu, khám phá di sản; Xây dựng bộ tài liệu, các chuyên đề tìm hiểu về di sản văn hóa Huế. Giai đoạn kế tiếp đến năm 2025, các bên sẽ triển khai các bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế và tổ chức các chuyên đề học tập tìm hiểu về di sản văn hóa Huế.

Cô và trò trường mầm non Hoa Mai (TP. Huế) ca múa cung đình

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan liên quan để khởi động bước đầu việc giáo dục di sản văn hóa cho người dân trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu. Đồng thời, nhấn mạnh ba lĩnh vực trong dạy và học cần tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ là: giáo dục đạo đức, nâng cao năng lực học tiếng Anh và giáo dục truyền thống địa phương, mà cụ thể là giáo dục lịch sử, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế cho tất cả học sinh của các cấp học. Việc giáo dục di sản văn hóa cho học sinh các cấp học là một chủ đề vô cùng quan trọng, có tính đặc trưng của ngành giáo dục đào tạo địa phương và cũng là nền tảng, là động lực để Thừa Thiên Huế phát triển.

Để sự hợp tác đạt hiệu quả cao và bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ gợi ý: Thứ nhất, nên xây dựng những bộ giáo trình chi tiết về giáo dục địa phương, cụ thể là văn hóa, con người và lịch sử xứ Huế. Trong đó, có đầy đủ về tiếng nói, hình ảnh, mô hình tìm hiểu lịch sử và phù hợp với từng cấp học. Xây dựng giáo trình để giới thiệu về tổng thể di sản Huế. Thứ hai, ngành giáo dục nên tiếp tục đưa các nội dung liên quan đến các ngành thủ công mỹ nghệ vào trường học, tạo nhiều điều kiện, cơ hội để các em học sinh có dịp tiếp cận và tìm hiểu các ngành thủ công mỹ nghệ như hoa giấy Thanh Tiên. Thứ ba, cố gắng tìm nguồn lực để chỉnh trang lại hàng rào của Văn Thánh, Võ Thánh và di dời dứt điểm các hộ dân ở trong Quốc Tử Giám, khẩn trương chỉnh trang lại chức năng của di tích Di Luân Đường, phục vụ cho các hoạt động tôn vinh sự học.

Tin, ảnh: Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới
Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

Kết quả của báo cáo mới được thực hiện dưới sự hợp tác của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định những thách thức cấp bách nhất thế giới trong việc giải quyết các bệnh do virus lây truyền qua đường thực phẩm.

Chiến lược toàn cầu chống lại virus lây truyền qua đường thực phẩm

TIN MỚI

Return to top