Làm thêm đúng với ngành học là cách để sinh viên âm nhạc thỏa mãn đam mê và trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp. Ảnh: Nguyễn Quốc Triều
Hôm đó, Nguyễn Thị Phương hát tại một phòng trả nhỏ ấm cúng. Cô có chất giọng cao, dày. Mỗi lần hát, Phương như đang sống trong chính ca khúc mà mình biểu diễn với những biểu cảm trên gương mặt... Căn phòng rào rào tiếng vỗ tay không ngớt mỗi khi cô gái kết thúc một bài hát.
Phương không phải là ca sĩ chuyên nghiệp mà là sinh viên thanh nhạc 2, Học viện Âm nhạc Huế. Ngoài học trên lớp, Phương còn “kiêm” thêm vai trò là ca sĩ tại các quán café, phòng trà và các sự kiện và thể loại nhạc mà cô theo đuổi là thính phòng. Mỗi tuần, Phương dành 3 - 4 đêm để được tận hưởng cảm giác bùng cháy trên sân khấu khi việc học được xác định vẫn là quan trọng nhất.
Cũng như Phương, cô bạn Nguyễn Hà Trang, sinh viên thanh nhạc năm 3, Học viện Âm nhạc Huế lựa chọn làm thêm bằng cách biểu diễn tại những sự kiện của các cơ quan, đoàn thể ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất. Khác với công việc có tính ổn định hơn của Phương, việc làm thêm của Trang mang tính thời vụ, sẽ có những thời điểm chỉ lác đác vài "sô" một tháng, lại cũng có khi lịch biểu diễn của cô dày đặc. Với mỗi đêm diễn, thù lao Trang nhận được từ 200 - 300 nghìn đồng. Trang cho biết, bản thân đi làm thêm không phải với mục đích chính là kiếm thu nhập mà là muốn cọ xát thêm để học nghề, đồng thời tạo dựng được thương hiệu của riêng mình. “Cùng với nguồn thu nhập, thì việc được sống với niềm đam mê, cùng mọi người tạo nên một đêm diễn thành công là niềm vui lớn nhất với em”, Trang thổ lộ.
Các cô gái cho hay, mặc dù đi hát sẽ có nguồn thu nhập khá "nhỉnh" so với các việc làm thêm khác của sinh viên. Vậy nhưng, với đặc thù công việc cần sự trau chuốt về ngoại hình để xuất hiện ấn tượng trên sân khấu đòi hỏi việc "rút hầu bao" chi cho trang phục, các món đồ trang điểm là không nhỏ. Đôi khi khoản tiền bỏ ra đó còn "ngốn" hết thù lao của đêm diễn. Dù vậy, các ca sĩ tập sự vẫn bày tỏ niềm vui vì những giây phút sống với giai điệu của đam mê.
Không chỉ sinh viên thanh nhạc đi hát, sinh viên các ngành nhạc cụ cũng tìm tới những công việc làm thêm bằng cách chơi nhạc cụ hay thành lập những nhóm nhạc biểu diễn. Phan Công Đại, sinh viên năm 2 Khoa Giao hưởng, nhạc nhẹ, công nghệ âm nhạc, Học viện Âm nhạc Huế bắt đầu làm thêm với vai trò là “tay” guitar đệm nhạc tại nhà hàng. Em “bật mí”, một tuần làm thêm 4 buổi, và mỗi buổi như vậy em chơi nhạc 2 tiếng, thù lao cũng kha khá cho mức sống của một chàng sinh viên với 3 triệu đồng/tháng. Tương tự, sinh viên Khoa Âm nhạc di sản truyền thống lại là những “ca nương” ca Huế trên sông Hương. Với các em, đây là cách kiếm thêm thu nhập, cũng là cơ hội để học hỏi trực tiếp từ đội ngũ những lớp nghệ nhân lớn tuổi trong ca Huế.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Triều, giảng viên Guitar, Khoa Giao hưởng, nhạc nhẹ, công nghệ âm nhạc, Học viện Âm nhạc Huế nhận xét, việc làm thêm của sinh viên trường nhạc có tính hai mặt. Theo đó, “hành nghề” sớm giúp các em có nguồn thu nhập hỗ trợ cho việc học, đồng thời tạo sự cọ xát, nâng cao kinh nghiệm và mở rộng hơn các mối quan hệ. Ngoài ra, làm thêm với chính ngành học còn tạo nên thương hiệu, là yếu tố quyết định các em sẽ là ai sau này. Tuy vậy, làm thêm cũng có những yếu tố tiêu cực nếu sinh viên không đủ bản lĩnh để điều chỉnh, như thời gian dành cho công việc “bán thời gian” này quá nhiều, ảnh hưởng đến việc học trên lớp. Một điều nữa là khi ca hát, chơi nhạc ở bên ngoài, sinh viên sẽ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu âm nhạc mới, tác động trở lại với việc học âm nhạc trên trường, kéo theo tư tưởng chủ quan, nghĩ rằng mình đã làm được rồi nên xem nhẹ việc học hơn.
“Sinh viên cần có sự dung hòa giữa việc học trên lớp và làm thêm, sao cho không để thời gian làm thêm ảnh hưởng đến việc học. Đồng thời, đừng để âm nhạc ngoài xã hội lẫn lộn với âm nhạc chuyên nghiệp trong nhà trường. Muốn làm được những điều đó, ngoài sự nỗ lực còn cần có ý chí mạnh mẽ”, thầy Triều khuyên.
Phước Ly