ClockThứ Hai, 07/12/2020 07:15

Lưu giữ, trao truyền nghệ thuật bài chòi

TTH - Xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) là một trong số ít địa phương ở Huế còn gìn giữ và duy trì lễ hội bài chòi - loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hơn 1,3 tỷ đồng bảo vệ và phát huy giá trị di sản bài chòiTìm hiểu nghệ thuật Bài chòi dân gian Trung Bộ

Bài chòi được nhiều lứa tuổi đón nhận

Để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đặc biệt này, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động trình diễn, thành lập các CLB, ngành văn hóa và chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Quản lý di sản – Sở Văn hóa & Thể thao tổ chức lớp tập huấn thực hành trình diễn bài chòi tại xã Thủy Thanh với sự tham dự của các nghệ nhân cao niên, cán bộ văn hóa xã, phường và giáo viên trên địa bàn thị xã.

Ngoài thông tin về lịch sử hình thành và quá trình phát triển nghệ thuật bài chòi, các học viên đã được nghệ nhân cao niên hướng dẫn, truyền đạt các kỹ năng, như: trình diễn, hô, rao, diễn xướng các làn điệu, nhất là những câu hò lưu truyền trong dân gian hay những câu rao do các nghệ nhân phóng tác, ứng tác, phương pháp làm quân bài…

“Khi còn nhỏ, tôi đã đi theo ông, cha để nghe những câu hò bài chòi. Chỉ sau một hai lần, bản thân đã thấy yêu thích, từ đó tôi học hỏi, sưu tầm, tự sáng tác những câu hò để trình diễn trong những dịp lễ hội và tập luyện cho con em ở địa phương, mục đích vừa nhằm lan tỏa, vừa tránh thất truyền nét văn hóa đặc sắc của bài chòi”, nghệ nhân Trần Duy Đối (xã Thủy Thanh) chia sẻ.

Bà Cái Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TX. Hương Thủy cho biết, ngoài mục đích tiếp tục lưu giữ, trao truyền và lan tỏa nghệ thuật bài chòi, lớp tập huấn này còn đặt ra mục tiêu làm thế nào để tính lan tỏa bền vững, được giới trẻ thật sự đón nhận, thật sự hiểu được ý nghĩa, giá trị của loại hình nghệ thuật này.

Bài chòi vừa có tính giải trí lành mạnh cao, vừa giúp người chơi hiểu rõ thêm những nét văn hóa, sự dí dỏm, thông minh của cha ông, của các nghệ nhân hiện tại thông qua những câu hò được sưu tầm, sáng tác và “bung” ra đúng thời điểm, đúng quân bài. Là môn nghệ thuật kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, những “anh hiệu” giỏi thường biết cách hò lúc bổng lúc trầm, lúc nhanh lúc chậm, mục đích để người nghe vừa thưởng thức những câu hò, vừa hồi hộp đoán đó là con bài gì…

Tham gia lớp tập huấn thực hành trình diễn bài chòi, cô Mai Thị Cẩm Thạch, giáo viên Trường mầm non Thủy Lương chia sẻ, ở độ tuổi mầm non, các cháu chưa thể nhận biết mặt chữ để đọc tên quân bài. Sau lớp tập huấn, tôi sẽ “biến tấu” bằng cách giúp các cháu nhận biết quân bài bằng hình vẽ. “Tôi nghĩ, lồng ghép và lan tỏa nghệ thuật bài chòi vào trường học là khả thi vì ở độ tuổi các em, hầu hết đều thích hát hò, văn nghệ và nhất là khi được diễn ra trong một không gian sôi động, vui tươi…”.

“Cách đây mấy năm, sau một lần theo ba mẹ đi chơi bài chòi thì con mê đến chừ. Bài chòi chơi rất vui, phù hợp với mọi lứa tuổi, con mong môn nghệ thuật này sẽ được diễn ra thường xuyên, ở nhiều nơi, để chúng con có thêm sân chơi lành mạnh, thư giãn sau những giờ đến lớp”, Phan Văn Hải, học sinh lớp 7 Trường THCS Thủy Thanh cho biết.

Một thực tế, hiện nghệ nhân bài chòi ở Thủy Thanh và TX. Hương Thủy nói riêng, toàn tỉnh nói chung còn rất ít, trong khi lớp thanh niên vẫn nhiều người còn ngại ngùng khi đứng giữa đông người hô bài chòi, khiến thời gian qua, việc xây dựng thế hệ kế cận khá khó khăn.

Lời giải cho câu hỏi này, theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản - Sở Văn hóa và Thể thao, để đưa nghệ thuật bài chòi đến cộng đồng dân cư, bên cạnh những lần giao lưu, trao đổi giữa các nghệ nhân lão thành, nghệ nhân trẻ cùng các thế hệ trẻ để từ đó trở thành hạt nhân trong bảo vệ, phát huy di sản bài chòi một cách bền vững, mà cụ thể là qua lớp tập huấn ở xã Thủy Thanh, tới đây, các đơn vị hữu quan sẽ tổ chức tập huấn một lớp tương tự ở huyện Quảng Điền – nơi cũng có một số nghệ nhân đang lưu giữ rất nhiều câu ca, câu hò liên quan bài chòi.

“Không chỉ gói gọn trên địa bàn tỉnh, sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức những buổi giao lưu giữa các nghệ nhân bài chòi ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình… Bên cạnh nhằm bảo vệ di sản bài chòi của miền Trung nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, đây cũng là cách để cập nhật, hoàn thiện các hồ sơ, số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật bài chòi theo yêu cầu của UNESCO”, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản nói.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường

Một chương trình nghệ thuật nhưng không đơn thuần chỉ có múa hát, ở đó một thông điệp được người làm chương trình định hình rõ ràng: Bảo vệ môi trường. “Hoa và rác” là một chương trình nghệ thuật như thế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay tại Huế - một thành phố được mệnh danh xanh - sạch - sáng của Việt Nam.

Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

“Dù có biết đôi chút về Phật học, nhưng để nói “tả” được chất thiền trong tranh thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ vẽ những gì theo tâm tưởng, những ẩn ức của nội tại, những gởi gắm, tâm tình của một người họa sĩ đến với xứ sở nơi mình sinh ra, đơn giản vậy thôi!”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trải lòng khi nói về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

TIN MỚI

Return to top