|
Tác giả Minh Tự chia sẻ về cuốn sách của mình vừa được tái bản |
Buổi ra mắt tác phẩm song ngữ “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” được Nhà xuất bản Phụ Nữ và tác giả Minh Tự tổ chức, diễn ra sáng 2/6 tại Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế (29A Lê Quý Đôn, TP. Huế) thu hút đông đảo độc giả, những người yêu Huế, yêu văn hóa Huế đến tham dự, trò chuyện với tác giả.
“Trước nhà có cây hoàng mai - Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” là tập ghi chép về xứ Huế tác giả Minh Tự - nhà báo hiện đang làm việc tại Huế. Cuốn sách này từng được xuất bản và được bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt vào năm 2016.
Nhưng ở lần tái bản này, bạn đọc như được truyền cảm hứng mới lạ khi được cầm trên tay cuốn sách với những cập nhật, chỉnh sửa vô cùng công phu của tác giả, cùng nhiều hình ảnh sinh động và thiết kế cho trang bìa mềm mại, trang nhã. Song song 36 bài viết ở bản tiếng Việt còn có bản dịch tiếng Anh được chuyển ngữ bởi Khưu Ngô - như là món quà lưu niệm mà tác giả Minh Tự và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam muốn dành cho du khách quốc tế.
Tập ghi chép tâm huyết này sẽ mang đến cho độc giả nhiều thông tin sinh động về một xứ sở có tên là Huế, và lối sống của con người nơi xứ sở ấy, với các góc nhìn khác nhau. Một vùng đất mà ngay từ khi tạo hóa sinh ra thì nắng cũng đã khác nắng, mưa không giống mưa, hình sông thế núi, cây cối chim muông, cách ăn, nết ở của con người... cũng mang nét riêng biệt. Người ta gọi đó là lối sống của người Huế, nói vắn tắt là “lối Huế”. Cũng là hoa mai vàng, nhưng cây hoàng mai trước nhà của người Huế lại mang một triết lý khác biệt.
|
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chia sẻ tại buổi giao lưu với tư cách vừa là độc giả vừa là người từng phát động phong trào "mai vàng trước ngõ" |
Nói về cuốn sách của mình, tác giả Minh Tự chia sẻ chân thành: “Những tháng năm tôi được làm một người Huế sống ngoài Huế, và nhờ vậy mới hiểu rõ hơn, một cách khách quan hơn, về bản sắc riêng biệt của xứ sở này... Cuốn sách này xin cùng khám phá nghệ thuật sống của người Huế, dù không thể nói hết muôn màu muôn vẻ của ‘lối Huế’. Nó chỉ là những trạng thái của Huế được tôi ‘đọc’ được và thuật lại bằng cách của một người viết báo.”
Trong lời bạt, nhà văn Vĩnh Quyền nhận xét, này là tập ghi chép phóng túng của một người ham chơi tinh tế và trên hết là yêu say không gian sống của mình - cái thành phố phong rêu kiêu sa - nên đừng đọc nó như một thiên biên khảo phép tắc, mà hãy nhàn nhã trò chuyện cùng nó cho đỡ nhớ nhà, hoặc có bầu bạn dẫn dắt lần đầu đến chơi miền phủ đệ. Hoặc ngay cả khi đang sống trong không gian ấy, đọc nó sẽ thấy dòng Hương muôn thuở bỗng xanh hơn, cánh hoàng mai khẽ rung trong gió đầu xuân thiêng hơn, tô bún bò nóng cay bên vệ đường mỗi sáng ngon hơn…
“Trong sách này của Minh Tự có dấu ấn một thời sống bên ngoài Huế và cách nhìn - nghĩ của nghề báo, nó làm nên khác biệt với những tác giả viết về Huế - khúc ruột của mình - bằng tinh thần cực đoan đáng yêu kiểu “không nơi nào có được” hoặc “chẳng thể nào đổi khác”. Và, nếu nhớ có một Minh Tự làm thơ thì có thể hy vọng và chờ đợi nơi cuốn sách mới nay mai của anh, mà ở đó Huế sẽ hiện ra dưới nắng chang hoặc trong mưa dầm, vừa thật vừa hoang đường, và bằng thứ ngôn ngữ Huế vừa đời thường vừa đã được chưng cất như ca dao”, nhà văn Vĩnh Quyền nhận định.
N. MINH