ClockThứ Năm, 27/01/2022 08:00

Nguyễn Đình Chiểu & niềm tự hào xứ Huế

TTH - Cuối năm 2021, UNESCO chính thức thông qua hồ sơ khoa học về Nguyễn Đình Chiểu (cùng với nữ sĩ Hồ Xuân Hương) trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế. Trước đó, Việt Nam có 4 danh nhân được vinh danh là Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du và Chu Văn An.

Tổ hương và ngôi mộ thân sinh Nguyễn Đình Chiểu ở Thừa Thiên Huế

Tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO 41, chính thức thông qua hồ sơ khoa học về Nguyễn Đình Chiểu (cùng với nữ sĩ Hồ Xuân Hương) trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế. Ảnh: vietnamplus.vn

1. Gia Định - TP. Hồ Chí Minh là quê mẹ, còn quê gốc của Nguyễn Đình Chiểu, tục gọi là Đồ Chiểu (khi dạy học), tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù), sinh năm 1822 ở làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền. Theo “Nguyễn Đình tộc phổ”, làng Bồ Điền có 2 họ Nguyễn là Nguyễn Chánh và Nguyễn Đình, cùng chung một thỉ tổ là Nguyễn Thế Lại. Đến đời Nguyễn Đình Thế, họ Nguyễn mới chia hai: Nguyễn Chánh Nghĩa (anh) và Nguyễn Đình Thế (em). Nguyễn Đình Thế trở thành Cao Cao Cao Tổ Khảo của họ Nguyễn Đình mà Nguyễn Đình Chiểu là đời thứ chín.

Chuyện rằng, ông Nguyễn Đình Huy cưới vợ ở quê và đã có 2 con. Mùa hạ năm 1820, Tả quân Lê Văn Duyệt được triều đình phái vào làm Tổng trấn Gia Định. Ngay mùa thu năm ấy, ông Huy đi theo Tả quân để tiếp tục làm thư lại ở dinh Tổng trấn. Tại đây, ông có thêm người vợ thứ là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, sinh ra 7 con và Nguyễn Đình Chiểu là con đầu lòng.

Được sinh ra ở tận miền Nam, nhưng quê hương Thừa Thiên Huế đối với Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là ký ức hay những câu chuyện kể mà hơn thế, còn trực tiếp gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Thuở bé, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy, theo học với một thầy đồ ở làng. Năm 1832, Tả quân Lê Văn Duyệt mất, con nuôi Lê Văn Khôi vì bất mãn đã nổi dậy chiếm cả Nam kỳ. Trong cơn binh biến, ông Huy bỏ trốn ra Huế nên bị cách hết chức tước. Thương con, ông đem con gửi cho một người bạn đang làm Thái phó ở Huế để tiếp tục việc học rồi lén trở về Nam. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 11 tuổi đến 18 tuổi thì quay lại Gia Định.

Nguyễn Đình Chiểu còn có lần thứ 2 trở lại và sống ở Huế. Đó là vào năm 1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi năm 1849, cùng với em trai là Nguyễn Đình Tựu. Trước đó, ông đỗ tú tài lúc 21 tuổi. Thế nhưng, cuối năm 1848, mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Hay tin, ông bỏ thi, dẫn em về Nam chịu tang mẹ. Trên đường, ông bị ốm nặng rồi bị mù. Tổng cộng, Nguyễn Đình Chiểu có hơn 8 năm sống ở Thừa Thiên Huế.

2. Có thể nói, những hình ảnh về đời thực mà Nguyễn Đình Chiểu cảm nhận được trước khi bị mù gắn với Huế, quê gốc của ông. Đó cũng là chất liệu để ông sáng tác truyện thơ nổi tiếng “Lục Vân Tiên”. Trong “Lục Vân Tiên”, nhiều tên đất, tên làng có bóng dáng những nơi ông đã đi qua và sinh sống. Kinh đô trong truyện thơ có thể cảm nhận là Huế, điểm đến của bao ước mơ. Hay như miền Hà Khê, nơi cha của nàng Kiều Nguyệt Nga làm tri phủ trong câu thơ “Thôi thôi em hỡi Kim Liên/Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê” gợi nhớ tới vùng đồi Hà Khê, nằm cách trung tâm Huế không xa, nổi tiếng với địa thế “long bàn hổ phục”, nơi mà vào đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng cho xây ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng.

Những hình ảnh về Huế mà Nguyễn Đình Chiểu cảm nhận trước khi bị mù là chất liệu để ông sáng tác truyện thơ nổi tiếng “Lục Vân Tiên”. Ảnh: TL

Tác phẩm “Lục Vân Tiên” nhanh chóng được phổ biến. Nếu Nam kỳ lục tỉnh có nghệ thuật nói thơ hay kể thơ Vân Tiên thì tại Huế và miền Trung lại có hô thơ Vân Tiên trong bài chòi. Ví như, trước khi xướng tên con Tứ Tượng, người hô hiệu hô theo điệu bài chòi bài ca dao mượn ý từ truyện “Lục Vân Tiên”, bắt đầu lúc khi Vân Tiên cứu Nguyệt Nga ra khỏi bọn cướp Phong Lai, 2 người trao thơ tỏ tình cho đến về nhà, Nguyệt Nga vẽ bức hình người yêu. Bài hô gồm 30 câu lục bát, kết thúc bằng câu: “Đặt bàn hương án cầu nguyền/Họa ra bức tượng Vân Tiên để thờ”. Chính bởi câu cuối có nói “Họa ra bức tượng…” mà khi người xướng “hô” hết câu, người chơi mới biết trên tay người hô hiệu đang cầm là con bài… Tứ Tượng.

Mười năm sau khi Nguyễn Đình Chiểu bị mù, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thông tin về quê cha cũng đồng thời là Kinh đô đất nước với nhiều biến động vẫn là mối quan tâm của ông. Giữa lúc quân Pháp đánh chiếm Nam kỳ thì ở Huế, vua Tự Đức xây dựng Vạn Niên khiến Nhân dân nguyền rủa: “Vạn Niên là vạn niên nào, thành xây xương lính hào đào máu dân”. Trong “Ngư tiều vấn đáp y thuật” (1867), Nguyễn Đình Chiểu buộc tội triều Nguyễn đanh thép: “Muôn dân ép ráo mỡ dầu/Ngày trau khí giới tháng xâu điện đài/Thêm bầy gian nịnh chen vai/Gây nên mọi rợ từ ngoài lấn trong”.

3. Cái tên Bồ Điền được nhắc tới trong “Ô Châu cận lục” (1555), cuốn sách lịch sử đầu tiên viết về Thuận Hóa do tiên sinh Dương Văn An hiệu đính, là 1 trong 51 làng của huyện Đan Điền dưới thời Lê - Mạc. Qua thời chúa Nguyễn, làng Bồ Điền thuộc tổng Hoa Lang, huyện Quảng Điền. Thời điểm cụ Huy vào Nam, làng Bồ Điền thuộc tổng Phò Ninh, huyện Phong Điền. Không còn nhiều dấu tích của cụ Đồ Chiểu nơi làng Bồ Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế. Thế nhưng, người Huế vẫn có cách tưởng nhớ người con xa quê.

Tọa lạc ngay bên dòng sông Hương mơ mộng cùng cầu Trường Tiền lung linh về đêm, phố đi bộ mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu là địa điểm lý tưởng cho ngắm cảnh, đi dạo, hay là nơi tụ tập bạn bè. Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu còn là nơi được chọn để tổ chức nhiều hoạt động nhằm phục vụ khách tham quan, đặc biệt trong đó có hoạt động du thuyền trên sông Hương. Đây được xem là một hoạt động du lịch nổi bật giúp du khách có thể thư giãn, giải trí cũng như hòa mình với vẻ đẹp mộng mơ của Cố đô.

Ngay trên địa phận xã Phong An, từ một bãi đất hoang hóa, năm 1994 với đồ án của PSG. TS. Hoàng Huy Thắng, một trường học mang tên Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng. Chỉ một năm sau, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, được biết đến bởi môi trường xanh - sạch - đẹp và những thành tích trong dạy và học, xứng danh ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.

Dấu ấn về cụ Đồ Chiểu còn lắng đọng nơi quê hương Thừa Thiên Huế với dòng họ Nguyễn Đình có con cháu đông đúc, thành đạt và yêu thương ở làng Bồ Điền, luôn tự hào về  người con ưu tú xa quê của dòng họ. Tôi đã nhiều lần đi qua Bồ Điền. Nằm ở bên dòng Bồ giang, Bồ Điền là làng quê hiền hòa và đang ngày càng phát triển. Nhớ tới di tích lịch sử mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại huyện Ba Tri (Bến Tre) có dịp ghé thăm, tôi nghĩ tới quê hương Bồ Điền (Phong Điền) đáng được ghi lại dấu tích về danh nhân văn hóa đáng tự hào này.

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một chiều xứ Huế

Đi qua khu nghĩa trang mênh mông có đường lên Chín Hầm điểm những vạt thông biếc xanh như những chiếc ô trời che nơi cõi tịnh.

Một chiều xứ Huế
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế

Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Đình Nhật Nguyên luôn có tình yêu tha thiết với vùng đất quê hương. Từ niềm trăn trở khi chứng kiến các dòng sông ở Huế thơ mộng nhưng lượng bèo lục bình nổi trôi trên mặt sông đã làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, Nguyên đã cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án mang tên A.N Paper – Sản xuất giấy từ bèo lục bình.

Ý tưởng sáng tạo từ tình yêu các dòng sông xứ Huế
Khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Chiều 17/10, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Phong Điền) tổ chức lễ khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu-Danh nhân mà trường vinh dự được mang tên. Dự lễ có ông Võ Văn Vui, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền; ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

Khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu
Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế

Nhiều món ngon trứ danh đại diện cho một số vùng miền được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có thể kể đến như mì Quảng (Quảng Nam), nghề nấu phở (Nam Định). Trước những thông tin này, những thực khách đặt câu hỏi vậy bún bò Huế đứng ở đâu trên bản đồ ẩm thực và tại sao chưa được ghi danh?

Danh phận nào cho món ngon nức tiếng xứ Huế
Return to top