Ca Huế là di sản riêng có của Huế
Nhận diện bản sắc
Với tinh thần hội tụ và lan tỏa suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Huế đã được định hình rõ nét với nhiều giá trị bản sắc cốt lõi, đặc trưng, đặc biệt đã được gìn giữ, trao truyền hàng trăm năm qua các cuộc tiếp biến văn hóa từ Ô Lý đến Thủ phủ Đàng Trong, đến giao thoa văn hóa Việt – Pháp đã để lại cho Huế một gia tài khổng lồ các giá trị văn hóa.
“Việc nhận diện bản sắc văn hóa, từ đó xác định các vấn đề then chốt trong định hướng chiến lược của tỉnh trong tiến trình xây dựng đô thị di sản trực thuộc Trung ương là hết sức cần thiết”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật nhấn mạnh.
Theo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, cần nhận rõ tầm quan trọng và vai trò tiếp biến văn hóa của Huế trong tiến trình lịch sử. Ba cuộc tiếp biến văn hóa lịch sử quan trọng từ Ô Lý đến Thủ phủ Đàng Trong và giao thao văn hóa phương Tây là những di sản văn hóa chính trị có ý nghĩa quốc gia cho thấy những gì Huế đã có mặt, đã làm nên và sẽ còn đóng góp cho tương lai. Đây cũng là thành phố di sản còn lưu giữ khá đậm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa tinh thần.
TS. Thái Kim Lan cho rằng, Huế đẹp và thơ chính là tính cách, bản sắc Huế. Đẹp từ phong cảnh, tinh thần, con người, những giá trị vật thể và phi vật thể. Chính sự hòa quyện giữa thiên nhiên, con người và tinh thần hun đúc nên tính cách, bản sắc của Huế. Trong quá trình phát triển, Huế cần phải phát triển trên tinh thần ấy.
“Văn hóa phải nằm trong chiến lược phát triển của Huế, phải đóng vai trò quan trọng. Tất cả những kiến thức, tri thức về kỹ thuật cần phải được cân bằng với tinh thần, vẻ đẹp, văn hóa của Huế. Nếu chúng ta không phát triển theo chiều hướng văn hóa thì Huế không còn đẹp và thơ”, TS. Thái Kim Lan lưu ý.
Từ đánh giá về những giá trị độc đáo, riêng có của Huế và tìm hướng phát triển, làm sống dậy, bồi đắp thêm các giá trị văn hóa độc đáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất việc xuất bản cuốn địa chí văn hóa Huế đã được nghiên cứu cách đây nhiều năm. Từ đó, nghiên cứu sâu thêm trong thực tiễn những vấn đề cốt lõi để nhận diện những vấn đề về giá trị, bản sắc.
Truyền tinh thần và thông điệp
Suốt thời gian dài là thủ phủ vùng miền rồi Kinh đô cả nước, vai trò, sứ mệnh và tính chất trung tâm đã kiến tạo, tụ hội tại Huế nhiều di sản tinh hoa, độc đáo. Trong tiến trình phát triển, Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, bởi văn hóa mất đi thì không bao giờ tìm lại được.
Theo TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện Trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, những di sản đặc biệt quý giá của Huế cần được trân trọng nâng niu, cụ thể hóa bởi những quan niệm, nhận thức, chiến lược bảo tồn và phát triển hữu hiệu, đảm bảo tính liên tục, biện chứng của quá trình phát triển, theo đúng tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị - có thể coi là cơ hội vàng cho Huế trong giai đoạn hiện nay. Đưa hơi thở truyền thống vào trong xã hội hiện đại thông qua giáo dục, văn hóa và công nghiệp văn hóa, như biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch sẽ là phương cách bảo tồn, phát triển văn hóa một cách hữu hiệu.
Ông đặt ra vấn đề, trước đây, trong vai trò Kinh đô, Huế có nhiều đặc ân và quyền lực tối thượng từ triều đình để mời gọi, thu hút tinh hoa bốn phương hội tụ. Từ điểm tụ hội của Kinh đô Huế xưa, trong tâm thế Cố đô nay, môi trường, cơ chế, nguồn lực nào có thể thay thế, tiếp tục tạo nên sức hút để định vị, phát huy tối đa hệ giá trị bản sắc đặc trưng Huế, tạo môi trường lý tưởng, hội tụ nhân lực, nhân tài về Huế để cộng hưởng và tiếp tục lan tỏa ảnh hưởng ra bên ngoài? Đây là vấn đề quan trọng trong nghiên cứu, bảo tồn phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định phát biểu tại hội thảo
Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật bày tỏ sự phấn khởi khi thời gian gần đây, với nhiều chủ trương, quyết tâm của chính quyền, diện mạo Huế dần thay đổi theo chiều hướng tích cực, những giá trị văn hóa di sản được quan tâm, chăm chút.
Ông cho rằng, cần làm rõ cái gì là văn hóa di sản của Huế, phải xác định và điều tra về văn hóa Huế, trên cơ sở đó mới bảo tồn, phát huy. Đồng thời, có giải pháp để từ em nhỏ ở nông thôn đến thanh niên ở thành thị đều biết văn hóa Huế là gì, mọi người dân đều biết để bảo tồn, gìn giữ. Chẳng hạn, Đại học Huế có thể mở Khoa Huế học hoặc đưa văn hóa Huế vào dạy trong các trường đại học.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các văn nghệ sĩ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định chia sẻ những trăn trở, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh trong quá trình phát triển tỉnh nhà: “Lấy văn hóa làm nền tảng cho sự phát triển là điều vô cùng khó. Điều thuận lợi là tất cả người dân đều yêu xứ Huế, quan trọng là phải chuyển tình yêu ấy thành năng lượng để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và phát triển. Để giữ được văn hóa, tính cách, con người Huế, chúng ta phải có cách thức đào tạo để trao truyền tinh thần, hồn cốt của Huế được lưu giữ từ thế hệ trước cho thế hệ sau, có cách truyền thông điệp tới mỗi người dân”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh: “Nghị quyết 54 đúc kết tất cả những tâm tư, định hướng của tỉnh lâu nay. Để thực hiện thành công Nghị quyết 54 không phải ngày một, ngày hai, rất gian nan nhưng đó là con đường đúng. Trên tiến trình đó, rất cần sự chung tay của các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, những người dành nhiều tâm huyết cho Huế. Về phía lãnh đạo tỉnh, chúng tôi cam kết về sự nỗ lực và kiên định mục tiêu, định hướng xây dựng một Huế đặc thù trên nền tảng đang có”.
Bài, ảnh: Minh Hiền