Ngoài vườn hoàng mai ở công viên trên đường Lê Duẩn (TP. Huế), một vườn hoàng mai khác được trồng ở phía đối diện bên trong Kinh thành Huế, trước Đại Nội với hy vọng tạo nên một không gian đi bộ để người dân, du khách thưởng lãm loài hoa được xếp vào hàng “tứ quý”.
Người dân dạo chơi, thưởng lãm vườn hoàng mai trên đường Lê Duẩn, TP. Huế
Vườn mai bên trong Kinh thành Huế
Với những ai từng sinh ra, lớn lên ở Huế thì hoàng mai gần như đã trở thành một biểu tượng, gắn liền với đời sống thường ngày. Có thể bắt gặp cây mai ở sân đình, cửa chùa, trồng ở trước sân nhà… Hoàng mai tôn nên một vẻ đẹp sang trọng, trở thành thú chơi của người Huế. Và rất nhiều người từng hy vọng, với đề án thành phố bốn mùa hoa, sẽ có nhiều con đường hoàng mai, rợp bóng hoa, tạo nên một điểm dừng chân thú vị khi mùa xuân về.
Sau một thời gian khảo sát, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã đưa những cây hoàng mai về trồng ở công viên bên trong Kinh thành Huế phía trước Đại Nội, đoạn dọc phía sau hai nhà để cửu vị thần công. Đó là những “lão mai” được chọn lựa rất kỹ, từ nhiều vùng quê ngoại ô Huế được “rước” về với hy vọng sẽ tạo một con đường hoàng mai sang trọng trước mặt Hoàng cung Huế.
Là người theo dõi quá trình chăm sóc cho những lão mai khi được đưa về trồng, ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế bảo rằng, đó là hành trình không hề đơn giản. Để có được 135 gốc mai Huế trồng hiện tại phải mất rất nhiều công sức dò khảo từ các xã vùng ven của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang… Cây mai không chỉ là thú chơi mà đó còn là một tài sản của người dân, vì thế họ nâng niu, trân trọng, nên để thuyết phục người bán không phải ngày một ngày hai. Nhưng khi hay chuyện, những cây mai này sẽ được đưa trồng ở trước Đại Nội, tạo nên một điểm nhấn cho Huế nhiều người đổi ý để “gửi con”.
Một vài chủ cây hoàng mai tâm sự, nếu như bán cho các thương lái, người buôn mai thì không bao giờ nghĩ tới. Nhưng hay tin những cây hoàng mai của mình được trồng trước di sản Huế, họ tỏ ý hài lòng, ủng hộ.
Theo ông Quý, vườn mai được trồng ở trước mặt Đại Nội tuỳ theo độ tuổi, đường kính, bộ rễ, tán lá… mà có giá trị khác nhau. “Có cây mai 60 tuổi, nhưng cũng có cây chỉ mới 30 tuổi. Cây đắt nhất có giá tầm 50 triệu đồng và thấp nhất cũng khoảng 20 triệu đồng”, ông Quý nói và cho biết, toàn bộ số tiền mua mai là nguồn xã hội hoá.
Những cây mai được di chuyển một cách cẩn trọng đưa về trồng từ đầu năm 2020, đến thời điểm này gần đúng một năm. Việc bứng gốc, vận chuyển, trồng, cắt tỉa, tạo tán, chăm sóc được suy tính cẩn thận. Ông Quý bảo rằng, mỗi gốc mỗi độ tuổi, dáng thế và sự sinh trưởng trước khi đưa về trồng tập trung khác nhau rõ rệt. Nhưng rất may, khi về “vùng đất mới” chúng thích ứng rất nhanh, phát triển tốt. “Và nếu thời tiết thuận lợi, Tết Nguyên đán năm nay khả năng vườn mai này sẽ cho ra hoa”, ông Quý báo tin vui.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ (giữa) trong một lần cùng các đơn vị trồng hoàng mai bên trong Kinh thành Huế. Ảnh: N. Minh
Không gian du xuân thi vị
Nhiều người dân thường xuyên đi về trên con đường vừa được trồng vườn hoàng mai ở bên trong Kinh thành Huế thoạt tiên tỏ ra bất ngờ và không nghĩ rằng sẽ có một tuyến đường hoàng mai được trồng ở không gian ấy. Bởi với suy nghĩ của họ, thời buổi này tìm một vài cây đã khó, huống gì hơn cả trăm cây được tìm mua và đưa về trồng một cách trang trọng như thế là chuyện không đơn giản! Ông Nguyễn Trường Phú, 70 tuổi, sống bên trong nội thành Huế nhiều lần dừng lại bên hàng mai, rồi trầm trồ khen ý tưởng mới lạ nhưng phù hợp, nhận được sự đồng tình của người dân.
Ông bảo, người Huế nói chung, ai cũng thích có một cây hoàng mai, dù là mai trồng chậu hay trồng vườn để ngắm hoa khi mùa xuân về. Nhưng khi nghĩ về những vườn mai, tạo nên một không gian để cho mọi người cùng đến vui chơi, thưởng lãm thì chỉ có vườn mai ở đường Lê Duẩn. Ông dẫn chứng, có năm hơn 150 cây hoàng mai này nở rực đã thu hút rất đông người dân tìm đến vui chơi, chụp hình. Nhiều du khách gần xa đi qua về cũng tấp xe vào lề dừng lại ngắm mà lòng cũng rộn ràng theo.
“Từ vườn mai trên đường Lê Duẩn, tôi tin rằng rồi đây vườn mai trong Kinh thành Huế này cũng sẽ trở thành một không gian du xuân thi vị. Khi hoàng mai nở rộ, du khách đến Huế du xuân vào thăm Hoàng cung Huế, người ta chắc chắn sẽ dừng chân lại đây để thưởng lãm. Và đó cũng là cách để quảng bá hình ảnh Huế, giống hoa quý và thú chơi có từ xa xưa của ông cha mình”, ông Phú nói với giọng tự hào.
Là chuyên gia thâm niên trong việc chơi mai vàng xứ Huế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Vấn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, chủ vườn mai Tịnh Gia Viên cho rằng, ý tưởng này xuất phát từ đề án thành phố 4 mùa hoa. Theo ông Vấn, đó là một ý tưởng hay và vấn đề tiếp theo làm sao chăm sóc để vườn mai ấy phát triển tốt, tạo nên một tuyến đường hoàng mai ấn tượng.
Tham vọng những tuyến đường, vườn hoàng mai không chỉ dừng lại đó, ông Đặng Ngọc Quý chia sẻ rằng, rồi đây trong tính toán sẽ có thêm những có đường hoàng mai ở nhiều khu vực công cộng của Huế. “Chúng tôi đang nghiên cứu, nếu được sẽ trồng thêm một vườn hoàng mai ở công viên đoạn từ cửa Nhà Đồ, dọc theo Hộ Thành hào trở lên, trên đường Lê Duẩn. Sau đó sẽ tính toán, và nghiên cứu thêm quanh Kinh thành Huế và nhiều tuyến đường đi bộ, không gian công cộng khác để tiếp tục trồng thêm”, ông Quý cho hay.
Điểm nhấn của Huế
Nhiều lần đích thân đến theo dõi việc trồng, chăm sóc vườn hoàng mai bên trong Kinh thành Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh hy vọng trong tương lai vườn mai này sẽ được định danh là con đường hoàng mai xứ Huế.
Theo ông Thọ, đó không có gì là điều bất ngờ, bởi hoàng mai là loài hoa nổi tiếng của Huế và được nhiều người biết đến. Vì thế ông cũng yêu cầu Trung tâm Công viên Cây xanh Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phải quan tâm trong việc chăm sóc, bảo vệ thật kỹ để hoàng mai cho hoa sớm nhất có thể. “Khi mùa xuân về, đường hoàng mai nở hoa sẽ tạo nên một khung cảnh đậm sắc xuân, là điểm nhấn cho Huế”, ông Thọ hy vọng.
|
Bài, ảnh: NHẬT MINH