ClockChủ Nhật, 24/03/2024 16:00

Huế & hoàng mai

TTH - Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu hoàng mai rực vàng khu vực vườn mai trước Đại Nội. Cái đẹp rực rỡ biểu trưng của mùa xuân, cho sự đoàn tụ gia đình, sự hòa hợp đất trời, dân tộc. Hoàng mai đã vượt lên trên giá trị một loài hoa để trở thành biểu tượng của đất Cố đô.

Trao 29 giải thưởng Cuộc thi “Hoàng mai Huế - Tuyệt tác mùa Xuân”Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổNhân giống hoàng maiThành lập Hội Hoàng mai Huế

Mai vàng trong Hoàng cung Huế. Ảnh: Bảo Minh 

Với lứa tuổi chúng tôi, mỗi dịp Tết đến xuân về, mai vàng là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngày ấy, dù khó khăn song nhà nào đều cố gắng mua hoặc xin một cành mai, nhà có cây mai ngoài vườn cũng chọn cắt một cành đẹp cắm vào bình đón Tết. Lũ trẻ chúng tôi chờ đến thời khắc giao thừa, rồi rạng sáng Mùng 1 Tết, dậy thật sớm hăm hở cùng ba mạ đếm xem mai nhà mình nở bao nhiêu cánh. Năm, sáu, rồi bảy, có năm hoa nở đến tám, chín cánh, những con số biết nói như điều mong ước hạnh phúc, may mắn đong đầy hơn trong năm mới của mỗi gia đình. Mai vàng đã đi vào cuộc sống, tâm thức của mỗi người dân Huế một cách tự nhiên như vậy đấy!

Xã hội phát triển, cành mai vàng vắng bóng dần trong dịp Tết. Sắc xuân vẫn thế, nhưng có cái gì đó thiếu vắng trong sâu thẳm của chúng tôi, cái độ tuổi hay nghĩ về ngày xưa và chợt tỉnh vì thiếu sắc vàng của mai Huế, mặc dù không gian ngày Tết vẫn ngập tràn muôn hoa. Và từ đó, tâm nguyện đưa mai vàng “sống lại” như truyền thống vốn có của nó, giữ được cái nét ấm áp đoàn viên của mùa xuân và sắc mai, màu hoàng mai sẽ trở thành sắc màu đặc trưng cho xứ sở Cố đô. Phải phục hồi truyền thống chơi mai vàng của Huế, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.

Nô nức trồng mai

Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng Việt Nam được công bố tháng 4/2021 với phong trào “Mai vàng trước ngõ” nhằm khôi phục truyền thống trồng mai, chơi mai. Từ đó, "Mai vàng trước ngõ" trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình "Huế - Thành phố bốn mùa hoa", tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô.

Chỉ một thời gian rất ngắn sau ngày phát động, cá nhân, các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đều nô nức tổ chức những buổi trồng mai. Hiệu ứng phong trào lan tỏa rất nhanh bởi thực chất, mai vàng đã đi vào tiềm thức người dân Huế, tâm hồn họ đã chất chứa tình yêu mai vàng. Mai vàng lại có cơ hội khoe sắc trong vườn Huế. Câu chuyện về mai vàng lại rộn ràng trên các diễn đàn, ngõ xóm, đường quê.

 Mai vàng bung sắc. Ảnh: Bảo Minh

Tôi đã đi về nhiều vùng trồng mai vàng đặc trưng ở thành phố hay thôn quê, đi đâu cũng cảm nhận được sự phấn khích, tự hào bởi ai cũng mừng vì gia đình, quê hương mình đang lưu giữ những giá trị tưởng chừng “quên lãng” nay đang được “hồi sinh”. Bà con có cây mai trong vườn, đặc biệt những người lớn tuổi, họ như trẻ lại, ký ức tuổi thơ tháng ngày đoàn viên ngắm mai cùng mẹ cha chờ đón mùa xuân chợt ùa về. Họ kể chi tiết lịch sử cây mai trong vườn nhà với bao kỷ niệm buồn vui của những người thân mà giờ đây kẻ còn người mất. Với họ, cây mai già gắn bó với bao thế hệ như là chứng tích của thời gian để họ nghĩ về sự thế, đời người, tình người. Họ mong muốn làm sao mai vàng trở thành cây đặc trưng của Huế, làm sao người ta khi nhắc đến Huế thì nghĩ đến mai vàng và khi nói về mai vàng mọi người sẽ nghĩ về Huế; để những người trồng mai, chơi mai sẽ hưởng nhiều giá trị hơn từ mai vàng về vật chất cũng như tinh thần. Thú chơi mai lại một lần nữa được phục hồi, lan tỏa để giá trị hoàng mai Huế tiếp tục được trao truyền cho thế hệ mai sau. Hình ảnh mùa xuân Cố đô lại ngập tràn sắc vàng mai Huế.

Nhiều phần việc đang đặt ra cho các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và quan trọng hơn hết là cộng đồng người trồng mai, chơi mai, trong đó tập trung tổ chức các sự kiện, diễn đàn, hội thảo, lễ hội mai vàng… nhằm quảng bá hình ảnh mai vàng xứ Huế, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở mai vàng Việt Nam. Nào là xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc; xây dựng thương hiệu Hoàng mai Huế dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và hướng đến chỉ dẫn địa lý; tổ chức các điểm sản xuất giống mai vàng Huế… Cả một khối lượng công việc đang được tập trung thực hiện cùng sự vào cuộc của cộng đồng với tinh thần trách nhiệm cao nhất làm nền tảng cho một xứ sở hoàng mai.

Việc bảo tồn phát huy mai giống Huế là một vấn đề rất quan trọng về khoa học cũng như giá trị đặc trưng. Hiện nay, rất nhiều nhà vườn đã mời chuyên gia về đánh giá cây mai giống, từ đó gắn các mã số, mã hiệu để quản lý. Triển khai các nghiên cứu khoa học để tuyển chọn 1-2 giống hoàng mai mới được chọn lọc từ biến dị tự nhiên của “tập đoàn” mai Huế gốc. Việc xác định xuất xứ cây mai sẽ góp phần nâng cao giá trị, đặc biệt những cây mai có xuất xứ từ những cây có nguồn gốc đã được công nhận trong cộng đồng chơi mai, việc này làm liên tục sẽ có bộ giống tốt, truy xuất nguồn gốc tốt. Khi đó mai vàng Huế sẽ được lưu giữ về mặt khoa học cho các thế hệ sau.

Nghĩ về một lễ hội hoàng mai

Thời gian sinh trưởng của mai vàng Huế khá dài, quá trình tạo dáng, chăm dưỡng cũng tùy theo phân khúc thị trường. Có những thị trường bonsai cao cấp dành cho thị trường tương đối chuyên nghiệp. Phân khúc thứ hai là trồng mai tòa để cây phát triển tự nhiên, mai có thể trồng ở nơi công cộng, mai trồng ở trong vườn, phân khúc này khá phổ biến. Hai phân khúc cơ bản trong mai Huế, nếu tạo lập được hai phân khúc này tốt thì sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân Huế đều có thể chơi mai Huế theo thị hiếu và khả năng tài chính. Nhưng vấn đề là tạo lập mở rộng thị trường, làm sao mai Huế trở thành ngành kinh tế thật sự của người trồng mai.

 Ảnh: Bảo Phước

Thực tế đặt ra cho nghiên cứu khoa học với đặc điểm mai Huế chỉ thích hợp với điều kiện trên 25 độ mới nở hoa vào dịp Tết, bây giờ khi chuyển ra miền Bắc làm sao mai Huế nở hoa đúng dịp Tết đến, xuân về khi nhiệt độ thấp hơn 25 độ, đây là đề tài cần phải nghiên cứu. Những vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian tới với sự nghiên cứu tích cực của các nhà khoa học. Chúng ta mong chờ kết quả để hoàng mai Huế vươn ra thị trường phía Bắc với sự thích nghi khí hậu khu vực này.

Trong khi một số địa phương của Việt Nam triển khai lễ hội hoa anh đào thì tại sao chúng ta không có lễ hội hoàng mai đặc trưng của Huế, của Việt Nam. Đối với Huế, có đủ điều kiện để hình thành sớm các sự kiện tổ chức Lễ hội hoàng mai, để quy tụ tất cả giống mai vàng trên phạm vi quốc gia, thậm chí quốc tế. Muốn vậy, Huế cần phải chuẩn bị các điều kiện. Thứ nhất, phải có giống cây đặc trưng hoàng mai của Huế. Thứ hai, Huế phải có những rừng hoa mai, đường hoa mai, có rất nhiều người chơi mai; giống như Đà Lạt, không gian công cộng của họ có rất nhiều hoa anh đào thì Huế hướng đến phải hình thành những không gian công cộng như vậy. Hiện nay, chúng ta vui mừng có nhiều vườn mai lớn ở hai bên Đại Nội, vườn mai vàng ở cồn Dã Viên và một số vườn mai vàng khác như ở nhà máy nước Vạn Niên, công viên ở Hương Sơ đang được tạo lập. Vai trò chủ đạo để hình thành những không gian hoàng mai đặc trưng vẫn tập trung trên địa bàn thành phố Huế với hệ thống vườn mai, đường mai tập trung và kỳ vọng cả một Ngự Bình thông reo hòa quyện sắc vàng của mai Huế phủ kín khu vực quảng trường tượng đài Quang Trung

Tất cả đó đã nói lên quyết tâm, sự vào cuộc của cả cộng đồng để hướng tới mỗi địa phương có một vườn hoàng mai, có đồi hoàng mai, và cả rừng hoàng mai. Các công sở, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi trường học, mỗi nhà đều trồng tối thiểu hai cây hoàng mai và khi đó thành phố Huế sẽ rợp trời hoàng mai mỗi độ Tết đến, xuân về. Để lễ hội hoàng mai thành hiện thực cần thời gian nên phải bắt đầu ngay để không bỏ lỡ cơ hội, một thời cơ không phải khi nào cũng khởi động được và Huế sẽ tự hào là thành phố hoàng mai, xứ sở mai vàng của Việt Nam.

Phan Ngọc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ

Phiên chợ hoàng mai do Chi hội hoàng mai TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra từ 12-14/1 tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh).

Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ
Lựa chọn sản phẩm chủ lực tỉnh đề xuất sản phẩm chủ lực quốc gia

Để lựa chọn 1 sản phẩm chủ lực của tỉnh đề xuất phát triển thành sản phẩm chủ lực quốc gia, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến từ đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp liên quan trên địa bàn tỉnh vào chiều 29/11.

Lựa chọn sản phẩm chủ lực tỉnh đề xuất sản phẩm chủ lực quốc gia
Thương nhớ Giêng Hai

Mưa xuân như sương, sớm mai còn lất phất, thoáng chốc nắng ngọt đã hừng qua phố.

Thương nhớ Giêng Hai
Return to top