ClockThứ Bảy, 29/05/2021 06:15

Những tài nguyên cần gìn giữ

TTH - Trong điều kiện mà ngay những công trình thuộc hệ thống di tích lịch sử - văn hóa các cấp, thậm chí cả di sản đã được UNESCO công nhận rồi vẫn còn phải chờ kinh phí, thì những công trình chưa nằm trong danh mục di tích, di sản mà “đòi hỏi” có kinh phí để đầu tư hẳn là điều rất khó…

Sớm trùng tu di tích Châu Hương Viên

 Lối dẫn vào chùa Từ Hiếu đang dần dà bị bê tông hóa

Không chỉ riêng khó kinh phí

Thỉnh thoảng thấy trên báo, đài, mạng xã hội, hoặc là ở một vài bàn cà phê hay chiếu rượu, có người nêu ra công trình cổ này, công trình cổ kia có ý nghĩa văn hóa lịch sử nhưng nay hoang phế, xuống cấp, rất cần được trùng tu, phục dựng. Có thể kể đến như một số phủ phòng, nhà cổ; lăng mộ của một số nhân vật lịch sử hay ông hoàng bà chúa; hoặc là đình làng, chùa, miếu…

Nói chung những ý kiến nêu ra đều cho thấy sự nặng lòng thao thức với lịch sử văn hóa, đều đáng trân trọng và xác đáng cả. Vấn đề là, có rất nhiều những công trình cổ tích như vậy, nhưng tiền đâu để làm trong khi nguồn lực kinh tài của đất nước, của địa phương còn có hạn. Nhất là với Huế, nơi mà mật độ di tích, công trình “có tính di tích” khá dày đặc. Trong điều kiện mà ngay những công trình thuộc hệ thống di tích lịch sử - văn hóa các cấp, thậm chí cả di sản đã được UNESCO công nhận rồi vẫn còn phải chờ kinh phí, thì những công trình chưa nằm trong danh mục di tích, di sản mà “đòi hỏi” có kinh phí để đầu tư hẳn là điều rất khó. Lãnh đạo các cấp, cơ quan hữu trách có lẽ cũng đã biết và nóng lòng, nhưng lực bất tòng tâm… Vậy là các công trình phải tiếp tục trơ gan cùng tuế nguyệt, phơi nắng dầm mưa, hoang phế xuống cấp, tệ hơn cả là bị chính con người lấn chiếm, xâm hại.

Hiện trạng nhà thờ công chúa Quy Đức

Có thể liệt kê thực trạng của hệ thống các ngôi chùa Huế. Đây là hệ thống di sản mang bản sắc riêng có của Huế. Rất nhiều ngôi chùa ghi đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của Cố đô và đất nước, nhưng số chùa nằm trong danh mục di tích đã được công nhận đang hết sức ít ỏi, dẫn đến tình trạng cảnh quan bị xâm hại; kiến trúc bị mất “gốc”. Hay như Châu Hương Viên của Ưng Bình Thúc Giạ Thị ở Phú Thượng (Phú Vang), nhà thờ của Công chúa Quy Đức trên đường Lê Ngô Cát, lăng mộ của bà Chiêu Nghi (Thủy Xuân- TP. Huế), các đình làng cổ, và nhiều nhiều những công trình khác nữa, cái thì được quan tâm khá muộn (Châu Hương Viên; một số đình làng như Kim Long, An Cựu…), hoặc cái thì chưa nằm trong một danh sách chính danh nào nên hình hài tàn tạ, khuôn viên bị xâm chiếm, công năng bị biến đổi, thậm chí trở thành nơi “hành sự” của các đối tượng tệ nạn, hút xách… Thật buồn và thật tiếc.

Nếu lưu tâm, hẳn sẽ có cách

Có một điều phải khẳng định rằng, tuy bây giờ (các công trình) có thể xuống cấp, là phế tích, nhưng mãi mãi chúng là “của nả”, là vỉa tầng văn hóa-lịch sử, là động lực, là tiềm năng cho đời sống và du lịch của Cố đô. Cho nên, sớm hay muộn, rồi Huế sẽ xóc lại, sẽ rà soát kho lẫm của mình để quản lý, “mài giũa” và phát huy. Nhưng cho đến lúc ấy, việc làm này của Huế sẽ hết sức nhọc nhằn phức tạp do hệ lụy của “guồng quay” thực trạng mà chúng tôi vừa kể. Vậy thì rất cần phải hành động để bớt đi cái phức tạp nhọc nhằn trong tương lai.

Lăng Chiêu Nghi và tấm bia đá nổi tiếng

Bằng cách nào? Kinh phí thì như đã xác định từ đầu, với điều kiện hiện tại là chuyện khó. Nhưng có cơ chế để giữ gìn bảo vệ nhằm giúp các công trình có giá trị cổ tích, lịch sử không bị phá vỡ cảnh quan, không bị xâm hại, hạn chế tốc độ xuống cấp,… thì chúng tôi nghĩ nếu lưu tâm hẳn là sẽ có cách và sẽ được dân chúng hoan nghênh, ủng hộ.

Đơn cử như ở lăng Chiêu Nghi chẳng hạn, việc điều chỉnh chỉ một chút xíu trước khi bê tông con đường ngang qua phía trước lăng để tránh làm thương tổn tấm bia cổ vốn dĩ rất đẹp và rất nổi tiếng; không cho canh tác trong khuôn viên để giữ sự tôn nghiêm và tránh xuống cấp thêm cho khu lăng mộ… là điều hoàn toàn có thể làm được một cách không mấy khó khăn.

Hay việc động viên, khuyến khích xã hội hóa trong chăm sóc, bảo vệ, duy trì hiện trạng, tránh xuống cấp thêm trước khi có cơ chế chính sách và kinh phí để nâng cấp, khôi phục công trình cũng là giải pháp cần được xem trọng. Ví dụ như trường hợp ngôi đình Đ.C. Vốn dĩ đây là nơi thờ tự của gần chục họ tộc trong làng, khi ngôi đình xuống cấp, không hiểu vì sao các họ không chung tay xây dựng mà lại lần lượt mang bát hương bài vị của họ tộc mình về thờ riêng. Để rồi sau đó, khi thấy ngôi đình có nguy cơ bị “xóa sổ”, các họ tộc trong làng mới lo cuống cuồng, mong bảo vệ và xây dựng lại. Song, kinh phí vẫn là câu chuyện khó muôn thuở và ngôi đình Đ.C tiếp tục bị tàn tạ. Hãy dựng một cái mái che tạm nắng mưa để tái tục hương khói, giữ gìn linh khí, dọn dẹp vệ sinh, chăm nom và trồng thêm cây xanh để tôn tạo cảnh quan… là những việc hoàn toàn có thể làm ngay và chắc chắn phù hợp với tâm nguyện con dân trong làng, tại sao không làm mà chỉ ỷ y đợi và đợi?!!

Một việc khác mà theo chúng tôi cực kỳ quan trọng nữa là chính quyền các phường, xã sở tại phải rất cẩn thận, công tâm trong kiểm tra, xác nhận để thực hiện thủ tục giấy tờ đất đai đối với các công trình, tránh tình trạng “hợp thức hóa”, khiến cho đất đai của các công trình cổ tích bị “phân xẻ, biến động”, thậm chí biến đất công trình cổ thành đất tư nhân nhằm mục đích trục lợi đến nỗi nhiều cán bộ bị khởi tố và dính vòng lao lý như đã xảy ra trong thời gian qua.

Ý thức tôn trọng, tâm thế giữ gìn sẽ giúp bảo tồn được nhiều giá trị lịch sử văn hóa, nhiều tài nguyên du lịch riêng có cho Huế. Và hậu thế chắc chắn sẽ ghi ơn nếu từ bây giờ chúng ta cùng thao thức cho điều tốt đẹp ấy một cách rất thành thực.

Bài, ảnh: HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

Thông tin trên được Văn phòng UBND huyện Phong Điền cho biết vào ngày 7/11, khi lãnh đạo huyện vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Kinh phí đầu tư dự án (DA) này là 1,695 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và nguồn huy động khác.

Gần 1,7 tỷ đồng nâng cấp nhà bia di tích lịch sử Dốc Ba Trục

TIN MỚI

Return to top