Sắp xếp hiện vật tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Phác họa cuộc đời Đại tướng
Những ngày này, căn nhà 144 Đặng Thái Thân, TP. Huế đang được chỉnh trang phù hợp với địa điểm trưng bày của Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế. Những công việc cuối cùng đang được hoàn thành, tư liệu, hiện vật cũng đã được trưng bày theo đề cương, chuẩn bị để Hội đồng chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định đề án thành lập bảo tàng.
Không gian bảo tàng trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế. Từ những bức tượng, những huân huy chương đến những kỷ vật nhỏ, chiếc áo bạc màu, mũ tai bèo… gợi nên bao cảm xúc về chân dung vị Đại tướng có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Ông Phạm Văn Phi, Phó Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội cho biết, hiện bảo tàng có 120 hiện vật, 150 ảnh tư liệu, 20 nhóm tượng liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cơ bản khái quát được cuộc đời, sự nghiệp, những mốc son trong quá trình tham gia cách mạng của ông. Với sự hỗ trợ của Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, gia đình Đại tướng đang sưu tầm thêm những hiện vật có liên quan.
Hệ thống tư liệu, hiện vật được trưng bày theo sáu chủ đề chính: “Tuổi trẻ” 1934 - 1937, “Người bí thư trẻ tuổi” 1937 - 1945, “Linh hồn của Mặt trận Bình Trị Thiên” 1946 - 1950, “Đảng là linh hồn của quân đội” 1950 - 1960, “Vị tướng làm nông nghiệp” 1961 – 1964 và “Khát vọng một Việt Nam thống nhất” 1964 - 1967.
Không gian trưng bày tại bảo tàng giới thiệu tổng thể về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tuổi trẻ của Nguyễn Vịnh (tên thật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bối cảnh đất nước, Thừa Thiên Huế và của nhiều chí sĩ yêu nước. Người thiếu niên Nguyễn Vịnh sau khi học xong lớp Nhất tiểu học, bắt đầu bước vào cuộc sống mưu sinh và từng bước trưởng thành đã đi vào con đường cách mạng. Từ khi gia nhập Đảng Cộng sản, tham gia các hoạt động cách mạng, chịu cảnh tù đày và vượt ngục ra ngoài lãnh đạo cách mạng, dù khi là đảng viên hay Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Vịnh luôn là một chiến sĩ kiên trung, bất khuất, là người tổ chức và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở Thừa Thiên Huế và Trung kỳ.
Bám dân, bám đất, vừa đào tạo cán bộ, vừa xây dựng lực lượng, tổ chức kháng chiến, Nguyễn Chí Thanh đã trở thành linh hồn của Mặt trận Bình - Trị - Thiên và Liên khu 4 trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi đứng đầu cơ quan chính trị trong quân đội, Nguyễn Chí Thanh với phương châm “Đảng là linh hồn của quân đội”, dành toàn bộ trí tuệ, sức lực để nâng cao sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của cán bộ, chiến sĩ thông qua những hoạt động thiết thực về chính trị tư tưởng.
Trên cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, Nguyễn Chí Thanh, vị Tổng tư lệnh trên mặt trận nông nghiệp, đã sâu sát, lắng nghe quần chúng, nghiên cứu, xây dựng và tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn để chỉ đạo, định hướng củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa vừa được nhen nhóm, để Đại Phong trở thành một điển hình thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ mặt trận nông nghiệp.
Ở chủ đề “Khát vọng một Việt Nam thống nhất”, trưng bày thể hiện tiến trình lịch sử khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đại tướng đã nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, dám đánh Mỹ, tìm ra cách đánh Mỹ và đã thắng Mỹ, làm thất bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ và tay sai...
Nơi giáo dục truyền thống
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh do gia đình Đại tướng thành lập, hoạt động theo mô hình bảo tàng ngoài công lập. Đây là nơi giới thiệu tổng thể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những đóng góp quan trọng của ông với cách mạng Việt Nam và qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gắn với phong trào cách mạng của Thừa Thiên Huế và đất nước.
“Trưng bày tại bảo tàng cố gắng phác họa phần nào cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với mong muốn gợi mở để công chúng, nhất là thế hệ trẻ suy nghĩ, học hỏi về tinh thần và đạo đức cách mạng của ông như những trải nghiệm để tiếp thêm sức mạnh cho cuộc sống hiện tại và tương lai”, ông Phạm Văn Phi giới thiệu.
Dựa trên hệ thống hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu, đảm bảo tính lịch sử, trưng bày nhằm thể hiện vai trò của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người con của vùng đất Quảng Điền, niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Không gian trưng bày sử dụng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc khoa học trong trưng bày bảo tàng.
Theo ông Phạm Văn Phi, để phát huy giá trị bảo tàng và thu hút khách tham quan, bảo tàng sẽ đẩy mạnh truyền thông trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, phổ thông các cấp, các đoàn thể tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận. Đồng thời, liên kết với di tích Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Quảng Điền và các bảo tàng, di tích của tỉnh để tạo nên tuyến tham quan, trải nghiệm phong phú.
Bài, ảnh: MINH HIỀN