|
Chân dung Bác Hồ (giữa), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (trái) và nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn (phải) được tái hiện tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, TP. Huế. Ảnh: Ngọc Hòa |
Vào ngày 6/8/1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, một cuộc họp Bộ Chính trị hiếm hoi không tổ chức ở trụ sở, mà tổ chức ở ngôi nhà 34 Lý Nam Đế, Hà Nội, ngôi nhà của Đại tướng (theo thư ký Vũ Kỳ chia sẻ, việc tổ chức tại nhà anh Đại tướng là ý Bác muốn anh Thanh sẽ vào Nam trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam). Bác nói: “Đến nhà chú Thao (tên thường dùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) họp, ở đó có cái hầm mới làm xong cũng an toàn và giữ được bí mật”. Cuộc họp do Bác Hồ trực tiếp chủ trì có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cùng các ủy viên Bộ Chính trị để bàn về cuộc chiến tranh chống Mỹ trong giai đoạn ác liệt khi đế quốc Mỹ có khả năng trực tiếp tham chiến.
|
Những vật dụng được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sử dụng để cải trang thành nhà tư sản trên con đường vào Nam nhận nhiệm vụ |
Sau đó, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 26/9/1964, Bác Hồ nói rằng: “Cuộc kháng chiến sắp bước sang giai đoạn mới, ta chuẩn bị đối đầu trực diện với Mỹ. Mấy năm nay không bổ sung ủy viên Bộ Chính trị vào cho miền Nam, nay không đi không được, phải cử một đồng chí đại diện Bộ Chính trị ở miền Nam”. Khi đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh liền đứng dậy: “Thưa Bác, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bác. Hiện nay tôi là người trẻ nhất trong Bộ Chính trị, sức khỏe tốt, xin phép Bác và Bộ Chính trị cho tôi vào miền Nam để tìm phương án đánh Mỹ”.
Chỉ vài ngày sau đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam với bí danh Sáu Di, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam. Từ thời điểm này, tâm nguyện của Đại tướng luôn mong mỏi được vào miền Nam chiến đấu, giải phóng quê hương thống nhất đất nước nay đã được thỏa lòng.
Được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ, Đại tướng vào Nam để tìm phương án đánh Mỹ và khẳng định quyết tâm thắng Mỹ, nên trước mắt không xin quân, chỉ xin tướng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chọn những tướng giỏi nhất đang ở miền bắc lúc bấy giờ như Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Lê Đức Anh, Trần Độ, Trần Văn Phác, Hoàng Văn Thái,... cả tướng quân sự và tướng chính trị, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật vào Nam nhận nhiệm vụ. Cuộc tiễn đưa Đại tướng đi, Bác Hồ có dặn dò: “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi”.
Nhà thơ Tố Hữu cũng sáng tác bài thơ “Tiễn đưa” tặng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, với nỗi niềm nhớ thương và sự tin tưởng vào một ngày chiến thắng:
Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường
Nặng tình đồng chí lại đồng hương!
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường!
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
Đi đi, non nước chờ anh đó
Tiền tuyến cần thêm, có hậu phương
Để tránh sự theo dõi sát sao cơ quan tình báo của địch, con đường vào Nam dường như trở nên khó khăn hơn. Tháng 10/1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thượng tướng Lê Trọng Tấn cải trang thành những thương gia mạo hiểm, bí mật vào Nam Bộ theo con đường đặc biệt từ Hà Nội đi máy bay sang Bắc Kinh, gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc, sau đó bay xuống Quảng Châu, nơi có đường bay quốc tế đến Jakarta (Indonesia). Từ Jakarta, Đại tướng đi tàu thủy mất 4 ngày để đến cảng Sihanoukville trong vịnh Kompong Som của Campuchia, rồi sau đó đi đường bộ về Trung ương Cục.
Xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc, đã có những con đường huyết mạch trên bộ, trên biển, trên không huyền thoại để nối liền 2 miền Nam - Bắc, ngoài ra còn có những đường dây bí mật, những lộ trình bí ẩn từ Bắc vào Nam, những con đường tuyệt mật này chỉ giành riêng cho những nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng của Đảng. Chính hành trình đó đã đưa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng những cán bộ cấp cao của Đảng vượt qua vòng vây quân thù, che qua mắt địch đi thẳng đến tiền tuyến. Con đường vào Nam của Đại tướng kéo dài 14 ngày, đi qua 4 quốc gia với hơn 2.000km, trong đó yếu tố bí mật, an toàn được đặt lên hàng đầu, mọi mắt xích không được đi sai lệch, dù chỉ là một khoảnh khắc nhỏ nhất. Trong hoàn cảnh đó, niềm tin là sợi dây quý giá liên kết những con người trong tổ chức lại với nhau, ranh giới của sự dũng cảm, tinh thần kiên trung với tổ chức, với Đảng được thể hiện rõ ràng nhất.