ClockThứ Bảy, 01/12/2018 07:00

Phục dựng nguyên bản lễ hội Aza ở A Lưới

TTH - Trong buổi làm việc với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh vừa qua, Sở Văn hóa – Thể thao cho biết, đang triển khai kế hoạch phục hồi lễ hội Aza (lễ hội cầu mùa) ở A Lưới.

Mùa lễ hội Aza

Đánh chiêng, trống báo hiệu bắt đầu lễ hội. Ảnh: HL

Lễ hội Aza là lễ hội lớn nhất ở A Lưới. Lễ hội Aza thường được tổ chức vào thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Đây cũng là nơi tập trung đầy đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian như âm nhạc, múa, hội họa… với tính nguyên hợp mang đậm truyền thống, bản sắc các dân tộc ở huyện A Lưới.

Theo các vị cao niên ở A Lưới, thời xưa, đến ngày lễ hội, già làng dùng kẻng đánh để báo hiệu cho mọi người trong bản biết để cúng. Sau tiếng dứt của kẻng, nhà nhà trong làng, trong bản thắp hương, đốt đèn và bắt đầu cúng thần linh. Các thần linh được cúng trong lễ Aza gồm: Giàng Tro - đại diện cho cây trồng; Giàng Pơnanh - đại diện cho gia súc; Giàng Panuôn - thần Buôn bán; Giàng Sưtarinh - thần Đất, đại diện đất đai và thời tiết. Lễ vật để cúng Aza là cơm trắng, xôi, bánh aquat, gà, heo, vịt, dê.

Còn có một lễ vật hết sức linh thiêng và không thể thiếu để thực hiện một nghi lễ trong quá trình tổ chức Aza là tâng họt - một loại hoa làm từ tre và những tấm dzèng. Khi cúng các giàng, đồng bào Pacô muốn tạ ơn các giàng đã ban phát phúc lành, tạo nên những mùa màng no ấm, đồng thời, mong muốn các giàng giúp đỡ trong năm mới phát đạt cho gia đình, dòng họ, cây cỏ tốt tươi. Được biết, trước ngày tổ chức lễ hội Aza, người Pacô lên nương hoặc ra những mảnh ruộng của mình để tuốt những gốc rạ còn lại, thể hiện sự tri ân cây lúa vì đã mang lại cái bụng no cho dân làng với những chén cơm trắng, những cái bánh aquat dẻo thơm.

Lễ vật cúng tạ ơn các giàng. Ảnh: HL

Lễ hội Aza này dần mai một đã không còn mang đậm tính truyền thống và ý nghĩa to lớn của nó như vậy. Nhiều năm qua, Sở Văn hóa – Thể thao đã chủ trì cùng với UBND huyện A Lưới, Nam Đông đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số, trong đó có nội dung phục hồi lễ hội Aza ở A Lưới.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, Sở đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ cùng với huyện A Lưới sớm hoàn tất Đề án bảo tồn phục dựng lại nguyên bản lễ hội Aza của đồng bào A Lưới nhằm đảm bảo tính xác thực để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. "Đây là vấn đề cấp thiết, bởi hiện nay, còn rất ít già làng, trưởng bản am hiểu tường tận lễ hội này, nếu để lâu những người này tuổi cao sức yếu mất đi thì chúng ta khó có tư liệu sống để phục dựng lại được.” - Ông Dũng nhận định.

Già làng Hồ Văn Hạnh (71 tuổi, ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung) cho biết: “Lễ hội Aza vô cùng quan trọng nên vào những ngày này, con cháu trong bản dù đi làm ăn ở đâu cũng phải có mặt để dự lễ. Nếu không phục hồi lại thì chỉ vài năm nữa thôi sẽ khó phục hồi khi những người am hiểu về lễ hội không còn nữa".

Ông Hồ Văn Tin ở xã Hương Lâm cho biết: “Lễ hội Aza thất truyền đã hơn mấy chục năm rồi, nay Nhà nước phục dựng lại mình thấy rất vui. Bởi lễ hội Aza quan trọng với bà con dân tộc mình lắm, ngoài việc cúng tạ ơn các giàng đã cho mình cái ăn, cái mặc mà còn là dịp để bà con trong thôn, trong bản ngồi lại với nhau, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để giúp nhau phát triển kinh tế”.

Gia Hân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản
San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

Ngày 18/10, Hạt Quản lý đường bộ Bình Điền (Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế) cho biết đã tiến hành lập biên bản xác lập vụ việc, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với một hộ dân trên địa bàn.

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ
Return to top