ClockThứ Năm, 07/05/2020 07:15

Quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị nhà vườn truyền thống ở Huế

TTH - Tính đến tháng 4/2020, trong gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 169 di tích được xếp hạng (gồm 22 di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt; 67 di tích cấp quốc gia; 80 di tích cấp tỉnh).

Cứu vãn nhà rường Huế

Đình làng An Cựu xuống cấp nghiêm trọng

Dù nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh nhưng trên địa bàn thành phố Huế mới có 54 di tích được xếp hạng, trong đó UBND thành phố Huế được giao trực tiếp quản lý 18 di tích (8 di tích quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh) và phối hợp quản lý 36 di tích. Theo quy định, sau khi các di tích được xếp hạng, các địa phương hay đơn vị chuyên môn được giao trực tiếp quản lý di tích có trách nhiệm chủ động tổ chức cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích để bảo vệ di tích tránh những tác động bên ngoài làm ảnh hưởng xấu đến di tích. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 04/18 di tích do UBND thành phố Huế trực tiếp quản lý chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích.

Đối với các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, trong giai đoạn 2011 – 2019, với tổng kinh phí khoảng 49 tỷ 870 triệu đồng (Ngân sách Trung ương là 17 tỷ 800 triệu đồng; ngân sách địa phương là 21 tỷ 881 triệu đồng; xã hội hóa là 10 tỷ 189 triệu đồng), Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị tiến hành tu bổ, tôn tạo được 38 công trình di tích, cụ thể: Thành phố Huế 8 di tích; thị xã Hương Thủy 5 di tích; thị xã Hương Trà 5 di tích; huyện Phong Điền 4 di tích; huyện Quảng Điền 4 di tích; huyện Phú Vang 8 di tích; huyện Phú Lộc 3 di tích; huyện A Lưới 1 di tích. Trong quá trình thực hiện chống xuống cấp các di tích, có nhiều địa phương đã có sự quan tâm, chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và huy động xã hội hóa hợp pháp tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích hàng năm một cách đồng bộ, hiệu quả, như: Thị xã Hương Thủy (đã bố trí ngân sách thị xã với tổng kinh phí hơn 3 tỷ 700 triệu đồng), huyện Phong Điền (đã bố trí ngân sách huyện với tổng kinh phí hơn 3 tỷ 100 triệu đồng), huyện Quảng Điền (đã bố trí ngân sách huyện với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng), các huyện: Phú Vang, A Lưới và thị xã Hương Trà đã có bố trí ngân sách để trùng tu các di tích tại địa phương nhưng còn hạn chế và chưa thường xuyên.

Riêng thành phố Huế, trong giai đoạn 2011 – 2019, chưa chủ động bố trí kinh phí để hỗ trợ công tác trùng tu các di tích đã được xếp hạng do địa phương trực tiếp quản lý bằng nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Qua quá trình khảo sát và quản lý, Sở Văn hóa và Thể thao nhận thấy trên địa bàn thành phố Huế hiện nay rất nhiều di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng: Đình - miếu Thế Lại Thượng (phường Phú Hiệp); đình Dương Xuân Hạ (phường Thủy Xuân); đình Phú Xuân (phường Tây Lộc); đình An Cựu (phường An Cựu)… Đây là một hạn chế rất đáng tiếc; thành phố Huế cần sớm ưu tiên bố trí nguồn vốn và huy động các nguồn lực để kịp thời tu bổ, tôn tạo các di tích được tỉnh phân công trực tiếp quản lý.

Ở một khía cạnh khác, hiện vật, tài liệu Hán Nôm và những tư liệu liên quan tại di tích là một trong những yếu tố quan trọng gắn liền với giá trị tổng thể của di tích, tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý hiện vật, tư liệu tại các di tích (do các huyện, thị xã và thành phố Huế trực tiếp quản lý) chưa được chú trọng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với ban điều hành tại di tích nên không đảm bảo an toàn và rất dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng, xuống cấp và thất thoát. Những hiện vật, tư liệu tại di tích đều giao cho ban điều hành, giám tự hoặc đại diện con cháu dòng họ trông giữ, bảo quản, chưa được nghiên cứu, xây dựng quản lý theo hệ thống phích phiếu, hồ sơ một cách khoa học... do đó, UBND thành phố Huế và các địa phương cần quan tâm và bố trí nguồn vốn và chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các bảo tàng thực hiện công tác kiểm kê hiện vật tại các công trình (xây dựng hệ thống phích phiếu khoa học, dịch các văn bản Hán – Nôm, số hóa các thông tin liên quan đến hiện vật…); hướng dẫn người dân, công chức văn hóa xã về bảo quản, quản lý và phát huy giá trị hiện vật gắn với các di tích đã được xếp hạng và các công trình đã được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ.

Đối với việc triển khai Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” cũng còn một số bất cập.

Theo kết quả khảo sát và tiêu chí phân loại nhà vườn trên địa bàn thành phố Huế năm 2015, Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” đã thống kê, phân loại được 53 nhà vườn (11 nhà loại 1, 17 nhà loại 2 và 25 nhà loại 3) cần được bảo vệ và phát huy giá trị. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND ngày 25/4/2015 của HĐND tỉnh thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” và Quyết định 25/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án này thì đến nay chỉ mới có 18/53 nhà vườn trên địa bàn thành phố Huế được đưa vào danh mục tham gia Đề án.

Từ khi được phê duyệt đến nay, Đề án đã hỗ trợ trùng tu cho 9 nhà vườn trên địa bàn thành phố Huế. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, tiến độ trùng tu các nhà vườn ở thành phố Huế đang chững lại. Các nhà vườn trùng tu theo kế hoạch vốn bố trí năm 2018 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Và đáng nói là, năm 2019 thành phố Huế không triển khai được thêm dự án trùng tu nhà vườn nào và khả năng có thêm nhà vườn đăng ký mới để thực hiện trùng tu là rất thấp.

Trong bối cảnh cả tỉnh đang nỗ lực triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó lấy văn hóa, di sản làm trọng tâm, thì thành phố Huế, với vị thế là đô thị trung tâm của tỉnh, nơi tập trung nhiều di sản văn hóa quan trọng cần phải có những chính sách và giải pháp phù hợp để bảo vệ, trùng tu và phát huy các di sản văn hóa đang được giao trực tiếp quản lý hay phối hợp quản lý. Trong tương lai gần, khi thành phố Huế được mở rộng diện tích lên gấp nhiều lần hiện nay, số lượng các di sản được giao quản lý chắc chắn cũng sẽ tăng lên rất nhiều thì những yêu cầu đó lại càng cấp thiết.

Bài, ảnh: TS. Phan Thanh Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội qua các thời kỳ

Ngày 18/12, UBND tỉnh tổ chức lễ gặp mặt cán bộ cao cấp Quân đội qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/2024). Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội qua các thời kỳ
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

TIN MỚI

Return to top