ClockThứ Năm, 04/04/2024 15:17

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

TTH.VN - Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Điểm nhấn cho đô thị di sảnỨng xử có trách nhiệm với du lịch

 Việc quy hoạch và phát triển phải đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa quan trọng trong trục không gian sông Hương

Điều này góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 và là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam vào năm 2030. Di sản văn hóa vì thế đóng vai trò vô cùng quan trọng, là tài nguyên trong chiến lược phát triển của địa phương.

Quan trọng và mang tính quyết định

Theo quy hoạch được công bố, còn xác định sẽ xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế, hướng tới một xứ sở hạnh phúc, thành phố Festival của Việt Nam. Ngoài ra, nơi này còn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á.

Ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, với định hướng xây dựng Cố đô Huế trở thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố di sản trực thuộc trung ương, vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị Huế trở nên hết sức quan trọng và mang tính quyết định trên nhiều bình diện.

Ngược dòng lịch sử, đô thị Huế được quy hoạch và xây dựng gắn liền với trục sông Hương từ đầu thế kỷ XVII trên nền tảng của quá trình đô thị hóa đã diễn ra trong suốt nhiều thế kỷ trước đó, gắn liền với quá trình Nam tiến của người Việt. Từ năm 1636, Huế trở thành thủ phủ của Đàng Trong, rồi kinh đô của hai triều đại Tây Sơn (1788-1801) và triều Nguyễn (1802-1945). Cũng theo đó, quy hoạch của đô thị Huế ngày càng được mở rộng, từ thượng nguồn sông Hương ra biển theo chiều Tây - Đông, từ An Hòa, Hương Sơ đến núi Ngự Bình, hướng ra tận đầm phá Tam Giang, Cầu Hai theo chiều Bắc- Nam.

Nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou Matah M’Bow từng nhận định: “Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu, từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai. Và chính nhờ thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mọi nhân tố đều bắt nguồn từ cảm hứng thiên nhiên gần gũi, thành phố Huế chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm”.

Cho đến nay, những di sản vật chất, tinh thần cùng không gian cảnh quan văn hóa gắn liền với các di sản ấy còn bảo tồn được của đô thị Phú Xuân - Huế trong lịch sử đều gắn liền với trục sông Hương. Do vậy, ông Phan Thanh Hải cho rằng, việc quy hoạch và phát triển phải đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa quan trọng trong trục không gian này.

Cũng theo ông Hải, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, và đặc biệt là các di sản tự nhiên của Thừa Thiên Huế không chỉ nằm trong phạm vi TP. Huế hiện nay mà phân bố trải rộng trên địa bàn của nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh.

Trong khoảng gần 1.000 di tích đã được kiểm kê của Thừa Thiên Huế với 183 di tích đã được xếp hạng (89 di tích cấp quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh) thì chỉ có khoảng 40% số lượng di tích nằm trong không gian của TP. Huế, nghĩa là khoảng 60% số di tích còn lại nằm ở các huyện, thị xã. Có những di tích rất nổi tiếng và có vị thế quan trọng nhưng không nằm trong phạm vi thành phố, như hệ thống đường Hồ Chí Minh, Cầu Ngói Thanh Toàn, hành cung Lăng Cô, chùa Thánh Duyên, Hải Vân Quan, tháp đôi Liễu Cốc, tháp Chăm Phú Diên, làng cổ Phước Tích…, cùng nhiều di sản tự nhiên độc đáo và vô cùng quý giá như hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, rừng quốc gia Bạch Mã, vịnh Lăng Cô - Chân Mây…

“Vì thế, việc quy hoạch toàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng một đô thị thống nhất - đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh - thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai rõ ràng là một hướng đi phù hợp, đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người”, ông Hải khẳng định.

Huế là vùng đất có hệ thống di sản được bảo tồn nguyên vẹn cả vật thể lẫn phi vật thể, văn hóa cung đình đến văn hóa dân gian...

Kế thừa để vừa bảo tồn, vừa phát triển

Cũng theo người đứng đầu ngành văn hóa của tỉnh, bài toán này còn có thể tìm được lời giải tốt hơn, toàn diện hơn từ việc nghiên cứu các di sản lịch sử cùng những kinh nghiệm quý báu trong quá khứ.

Ngay từ thời Nguyễn Hoàng (1558-1613), vị chúa đầu tiên vào trấn giữ và khai thác Thuận Quảng, việc quy hoạch một trung tâm chính trị - kinh tế cho vùng đất này đã được sáng tạo rất độc đáo, để vận dụng tối đa những lợi thế của cả hai vùng đất ở hai bên đèo Hải Vân, đó là công thức: Trung tâm chính trị nằm ở Thuận Hóa (do Chúa đóng đô) và trung tâm kinh tế ở Quảng Nam (do Thế tử trấn giữ). Từ thời vị chúa Nguyễn thứ 3 là Nguyễn Phúc Lan (1636-1648) trở về sau thì mối quan hệ này càng trở nên chặt chẽ. Sự kết nối tiêu biểu nhất giữa hai trung tâm này là mối quan hệ giữa cảng quốc tế Hội An và thủ phủ Kim Long - Phú Xuân thông qua cảng nội địa Thanh Hà.

Và như vậy, đô thị Phú Xuân - Huế tuy chỉ nằm trên đất phủ Triệu Phong nhưng đã là một siêu đô thị, đóng vai trò trung tâm của cả dải đất từ Quảng Bình đến Phú Yên. Các chúa Nguyễn đời sau vẫn tiếp tục kế thừa hoàn hảo công thức này. Thời Tây Sơn, và đặc biệt là từ đầu triều Nguyễn, đô thị Phú Xuân - Huế nằm trên đất Quảng Đức/Thừa Thiên vẫn là trung tâm kết nối của cả vùng đất “ngũ Quảng” rộng lớn (Quảng Bình, Quảng Trị ở phía Bắc, Quảng Nam, Quảng Nghĩa/Ngãi ở phía Nam). Đặc điểm này lí giải vì sao Phú Xuân - Huế luôn được xem là một đô thị lớn, có tiềm lực mạnh mẽ về nhiều mặt, là nơi đóng đô lí tưởng của các triều đại quân chủ trong suốt hàng trăm năm lịch sử.

Bởi vậy, việc quy hoạch và phát triển đô thị di sản Huế với định hướng đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ dựa trên nền tảng của các di sản văn hóa vật chất, tinh thần mà Huế đang sở hữu mà cần kế thừa cả các di sản về đô thị vốn dĩ đã được các thế hệ tiền bối sáng tạo và kiến lập nên.

Ông Hải cho rằng, với quan điểm này, việc quy hoạch xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế cần đặt trong sự liên kết vùng và mối quan hệ rộng lớn của cả khu vực Bắc - Trung và Nam Trung bộ. Trong đó trọng tâm là mối quan hệ liên kết với Đà Nẵng, Quảng Nam ở phía Nam, Quảng Trị, Quảng Bình ở phía Bắc. Điều này cũng rất phù hợp trên góc độ di sản và du lịch vì cố đô Huế hiện nay là một phần rất quan trọng của “Con đường di sản miền Trung” kết nối các di sản thế giới: Mỹ Sơn - Hội An - Huế - Phong Nha - Kẻ Bàng.

“Kế thừa các di sản lịch sử trong quy hoạch và phát triển đô thị sẽ giúp Thừa Thiên Huế vừa bảo tồn bền vững các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú cùng không gian cảnh quan đặc sắc của các di sản ấy, vừa tạo lập được những không gian khác dành cho sự phát triển, trong đó “không gian phát triển” này bao gồm cả phần bên trong và bên ngoài địa hạt của tỉnh”, ông Hải lý giải.

NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử:
Cách làm hay ở Kim Long

Đảng ủy phường Kim Long (TP. Huế) đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng địa phương. Đây là hình thức truyền thông giáo dục sinh động, không chỉ giúp lan tỏa giá trị lịch sử mà còn góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân…

Cách làm hay ở Kim Long

TIN MỚI

Return to top