ClockThứ Hai, 17/04/2023 16:07

Rộn ràng hội sách, nhưng quan trọng hơn là đọc thường xuyên

TTH - Năm nay, chưa đến ngày hội sách tháng 4 mà Huế và nhiều nơi đã rộn ràng các hoạt động xung quanh chuyện sách và lên chương trình cho Ngày Sách Việt Nam. Riêng ở Huế, nhiều buổi giới thiệu sách mới đã diễn ra.

Lan tỏa những giá trị của sáchTặng 500 cuốn sách cho chiến sĩ mớiNgày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam kéo dài trong 5 ngày

leftcenterrightdel
 Những tác phẩm vừa được ra mắt

Sau cuốn “Đời thơ tôi” của Nguyễn Đắc Xuân, Tạp chí Sông Hương kết hợp với Nhà sách Thiện Tri Thức đã tổ chức thành công buổi giới thiệu cuốn “Bùi Giáng, một đời thơ” của Bửu Ý. Trước đó vài ngày là cuốn “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo và Tràng An báo” của Trần Viết Ngạc ra mắt tại nhà vườn Ý Thảo. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cũng vừa in tập bút ký & tùy bút “Huyền sử Cống Chém” dày trên 500 trang; nhà văn Hà Khánh Linh vừa xuất bản tập truyện và ký “Sở Nghiên Cứu Địa Lý”; “Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ” – tác giả ký sự “Trận Thanh Hương” từng đoạt Giải Nhì Giải thưởng Văn nghệ toàn quốc 1951-1952, cũng vừa được NXB Văn học in và “mới toanh” là tuyển tập của nhà văn Nguyễn Quang Hà “Thời tôi mặc áo lính” gồm 4 cuốn, đã có kế hoạch “trình làng”.

Tin từ Hà Nội cho biết, nếu không có trở ngại đột xuất, NXB Phụ nữ Việt Nam sẽ có hai hoạt động giới thiệu sách tại Huế trong các ngày từ 19-22/4, trong đó một buổi tọa đàm - giới thiệu bộ tiểu thuyết 4 tập về Triều Nguyễn của nhà văn Trần Thùy Mai (“Từ Dụ Thái Hậu” và “Công chúa Đồng Xuân”); buổi thứ hai với đề tài tạm ghi là “Nữ quyền luận qua báo chí và văn chương” (trong đó chú trọng tác phẩm của Đạm Phương Nữ sử)…

Đó mới chỉ là một góc nhìn của ông già 85 tuổi ở Cố đô Huế. Thật là vui và đáng mừng vì những cuốn sách mới, những hoạt động giới thiệu sách ít nhiều sẽ làm công chúng nhớ đến sách - thứ tài sản vô giá mà ngày càng nhiều người bỏ qua”. Có thể nói như thế vì đã có rất nhiều bài báo so sánh số lượng người đọc sách ở Việt Nam thua xa nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, những thông tin về sách trên đây là điều đáng mừng nhưng không đủ, bởi đọc sách chủ yếu là việc thầm lặng từng người, suốt ngày tháng này sang ngày tháng khác, chứ không phải là chuyện “hội hè”! Với “bệnh lười đọc sách” đã thành mãn tính, với cuộc sống bận rộn đủ điều hôm nay và gần như tất cả hễ có thời gian rỗi là… úp mặt vào màn hình điện thoại với Ipad…, thì mọi cố gắng trong vài ngày hội sách, không khác chi hòn đá ném xuống ao bèo.

Tình trạng “lười đọc sách” là “bệnh” của hầu hết tầng lớp trong xã hội - trang báo chính thống vov.vn ngày 9/2/2021 trong bài viết về “chứng luời đọc sách” ở Việt Nam so với các nước trong khu vực, dẫn con số đầu sách trung bình/người dân nước Malaysia là 12 cuốn; còn Việt Nam trung bình mỗi người đọc 1 cuốn sách/năm.

Vừa rồi tôi có dịp gặp Nguyễn Quang Thạch, người bạn trẻ đã có công lớn xây dựng thành phong trào tổ chức đưa sách về các dòng họ, các gia đình ở nông thôn, được một tổ chức quốc tế trao giải thưởng. Tuy vậy, khi tôi đặt vấn đề những tủ sách đó thực chất có được bao nhiêu người đọc và làm sao để “kéo” bà con ở nông thôn, nhất là thanh thiếu nhi đến với sách, Thạch im lặng. Quả là không một cá nhân nào đủ khả năng giải được “bài toán” hóc búa này. Chỉ có cách mỗi người cùng xúm tay vào như câu ca “Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Nhiều người nhắc/ Nhắc lên đặng…”.

Năm ngoái, trong khi trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã gợi ý một vài biện pháp, nay xin được nhấn mạnh và cụ thể thêm.

Theo tôi, điều quan trọng hơn – hoặc nói cách khác là đồng thời với việc tổ chức lễ hội sách, in sách, đưa sách về các thư viện, trường học, cần phải làm nhiều cách để những cuốn sách thật sự có giá trị không nằm “chết” trong các tủ kính có khi rất đẹp đẽ, mà phải đến tận tay người đọc. Có thể tìm thấy câu trả lời từ bài học đưa cách mạng Việt Nam đến thành công: Đó là tuyên truyền – công việc hệ trọng đến mức Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chỉ đạo xây dựng đội quân vũ trang đầu tiên trước Cách mạng Tháng 8, đã quyết định đặt nó lên đầu: “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”.

Vấn đề là cách thức tuyên truyền phải rất cụ thể, tỉ mỉ và bền bỉ, đi liền với biện pháp tổ chức thích hợp với các đối tượng, chứ không chỉ là một vài ngày hội vui vẻ rộn ràng là xong. Và muốn tạo thành nếp quen đọc sách, việc tuyên truyền phải đưa vào chương trình hàng tháng trong một quy chế có tính gần như bắt buộc.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta từng hiểu sách là “món ăn tinh thần”, nên có thể ví như với trẻ lười ăn thì kéo ngồi vào bàn, buộc phải ăn hết bát cơm. Hẳn sẽ có bạn bảo nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, đọc sách là việc hứng thú cá nhân, sao lại “bày chuyện” kiểu quân sự hóa như thế! Xin thưa: “Hương thơm” ai cấm tỏa ra, nhưng bạn không thấy các em nhỏ và cả người lớn đều đang bị bao kín với một màng lưới dày đặc mà vô hình những sóng điện từ đó sao? Đó là chưa nói đến gánh nặng bài vở phải thuộc để đạt thứ hạng ngày một cao và hầu hết trẻ đều sống trong môi trường không có người lớn nêu gương đọc sách.

Trong việc tổ chức, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch đọc sách thường xuyên cần chú ý địa bàn nông thôn. Nông thôn vẫn là nơi dân cư chiếm số đông – trong đó học sinh tiểu học, trung học cơ sở, lớp người dễ tiếp nhận những điều tốt đẹp từ sách cũng đa số ở nông thôn. Thế nhưng trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới – nếu tôi không nhầm – thì hình như chưa ai nhắc đến “chỉ tiêu” đọc sách cả! Mà lợi ích việc đọc sách thì có lẽ chẳng cần phải dẫn giải nhiều. Sách không chỉ cung cấp kiến thức phong phú, mà còn giúp xây dựng tâm hồn và nhân cách. Có thể nói một cách giản dị: Một bàn tay quen cầm sách sẽ khó vung lên đấm vào mặt bạn, hoặc thậm chí mang dao sát hại người thân như không ít vụ án đau lòng xảy ra vừa qua…

Vì vậy, đối tượng trước hết trong “chiến dịch tuyên truyền” này phải là thanh thiếu niên, học sinh – lớp người là chủ nhân đất nước tương lai. Ngành giáo dục và các trường học cần đưa kế hoạch đọc sách ngoài chương trình vào lịch học hàng tháng với những hình thức sinh động. Ví dụ: Có thể chọn một danh mục sách hay hợp lứa tuổi, sau 1-2 tuần để các em chuyền nhau đọc, rồi tổ chức cuộc trao đổi… Nếu có điều kiện thì trao thưởng (có thể bằng sách) cho người có đóng góp nhiều. Các tổ chức đoàn thể cho đến các dòng họ có tủ sách cũng có thể tổ chức tương tự và quan trọng là phải làm thường xuyên. Và như thế, những cuốn sách hay sẽ được mọi người ở trong tất cả các gia đình, dòng họ, lớp học… tìm đến thường xuyên, chứ không chỉ được chú ý vào dịp Hội Sách Việt Nam.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân lên giá trị nhân văn từ Hội sách Hà Nội

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10), Hội sách Hà Nội lần thứ chín với chủ đề “Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” vừa khép lại.

Nhân lên giá trị nhân văn từ Hội sách Hà Nội
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Hội sách gieo mầm văn hóa đọc

Lần đầu tiên hội sách xuyên Việt đến với Huế như đem thêm một làn gió mới hòa quyện với vùng đất nổi tiếng có nhiều người yêu sách, những câu chuyện, đề án liên quan đến tủ sách Huế.

Hội sách gieo mầm văn hóa đọc
Hội sách xuyên Việt tìm đường sách cho Huế

Hội sách xuyên Việt do 6 đơn vị xuất bản phát hành có uy tín tổ chức đã tặng 11 phần quà sách cho 11 thư viện trường học trên địa bàn TP. Huế. Ngoài ra, những chuyên gia về sách cũng đã đồng ý sẽ khảo sát, tìm con đường sách cho Huế.

Hội sách xuyên Việt tìm đường sách cho Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top