Hôm rồi nghe tin bạn đồng hương là anh Nguyễn Duy Tờ, Giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa bị ốm, tôi vội ghé thăm. Chuyện trò, Tờ bất ngờ hỏi: “Rứa ông còn nhớ cuốn sách “Những vấn đề căn bản của chính trị” của Leslie Lipson mà ông cho tôi mượn cách đây 40 năm không?”. Dĩ nhiên là tôi trả lời “không”, 40 năm rồi còn gì nữa! Vừa nói, Tờ vừa tiến về phía một cái tủ và sau một hồi lục lọi, cuối cùng anh cũng tìm được cuốn sách. Tờ bảo, thỉnh thoảng mình vẫn đọc lại và đôi khi cần tìm hiểu về một kiến thức nào đó thì tra cứu. Anh còn cao giọng, “tôi đã giữ gìn cuốn sách đàng hoàng cho ông mấy chục năm, giờ nếu cần tôi sẽ trao lại mà nhớ là phải đọc và giữ gìn cuốn sách đó nghe”.
Chuyện cuốn sách cũ khiến tôi nhớ về ký ức xưa. Tôi bắt đầu nghiền đọc sách từ năm lên mười. Những năm đầu của thập niên 70, trẻ con ở làng đầy hiếu động, chúng tôi thiếu thốn mọi bề nhưng lại có thú vui… đọc sách, đọc đủ loại từ truyện tranh hay sách của Nhà xuất bản Kim Đồng cho đến cả những cuốn sách ngôn tình của người lớn. Trong xóm, tôi kết thân với 3 người bạn, có anh học trung học và đại học ở Huế trước ngày giải phóng có rất nhiều sách và được hưởng… lộc. Cuốn sách “Những vấn đề căn bản của chính trị” là của một cô bạn hàng xóm dễ thương cùng chung sở thích học văn của tôi. Tôi đã mượn, đã không trả lại cho em và rồi không nhớ trong tình huống nào nữa lại để lọt vào tay ông bạn tiến sĩ.
Cũng chuyện ngày xưa ấy, không có tiền mua sách, tôi cùng mấy đứa bạn cùng xóm nghĩ ra cách đổi sách cho nhau. Bằng cách này, chỉ cần có một cuốn sách là tôi có thể đọc được cả chục cuốn. Trong mớ sách có vẻ “hổ lốn” kia mà tôi từng ngốn ngấu vẫn có những cuốn sách có giá trị học tập tức thời, như “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi, hay “Hòn đất” của Anh Đức và cũng có những cuốn như “Những vấn đề căn bản của chính trị” mang ý nghĩa cẩm nang vào đời. Đọc sách kiểu này đã xảy ra những chuyện mắc cười. Nhớ có lần thằng bạn giới thiệu đổi cho tôi cuốn truyện kiếm hiệp mà tôi rất thích. Hắn ta giới thiệu tỉnh bơ tên truyện “Linh không thần kiếm”. Sách nhàu nát, mất bìa, tôi cầm về định ngấu nghiến đọc, ai ngờ mở ra đó lại là cuốn truyện của mình với tựa đề “Lăng không tam kiếm”. Thì ra, nó đã đi một vòng không biết tận đến đâu nữa gần hơn 2 năm trời!
Mới đây, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023, anh Nguyễn Đình Dũng, Biên tập viên Nhà xuất bản Thuận Hóa có bài giới thiệu về cuốn sách “Vua Hàm Nghi - Hồi ức con đường El Biar” của tác giả Gérard Chapuis. Đây là công trình nghiên cứu tâm huyết về cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi ở Algérie mà theo anh Dũng, xứng đáng để được Hội đồng xét duyệt gắn logo đưa vào “Tủ sách Huế” năm 2023. Huế được mệnh danh là “thành phố sách” và “Tủ sách Huế” theo suy nghĩ của tôi, là một sáng kiến nhằm bảo tồn, gìn giữ kho báu sách quý; khôi phục các đầu sách về Huế, khích lệ văn hóa đọc đang dần mai một, hướng tới hình thành món quà tặng sách Huế.
Tôi bỗng có sự so sánh và liên tưởng câu chuyện đọc sách của cậu học trò nghèo ở quê là tôi ngày xưa với sự ra đời của “Tủ sách Huế”. Nó thật khập khễnh nhưng có vẻ như cùng chung ý tưởng về việc góp phần lan tỏa giá trị của sách, của sách Huế và của văn hóa đọc.