Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh tý 2020, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu (Phú Vang) rộn rã tiếng nói cười. Từ đầu làng đến cuối ngõ, đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu với những cành hoa giấy khoe sắc.
Hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi tết đến, xuân về.
Nhắc đến nghề làm hoa giấy, nhiều người là nhớ tới ông Thân Văn Huy. Năm 2008, nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy đã phục chế thành công nghề hoa sen giấy từ nguyên liệu hoa giấy Thanh Tiên, được ví như người "thổi hồn" cho hoa giấy Thanh Tiên hồi sinh và chuyển hướng sang làm sản phẩm quà tặng- lưu niệm.
Để tạo ra những cành hoa giấy, nghệ nhân Thân Văn Huy chia sẻ: Trước hết là chế tạo dụng cụ, tạo nếp gấp cho giấy đều, nhỏ, không bị lỗi, liên kết nếp và cánh hoa không bị thô, ráp.
Nghệ nhân Thân Văn Huy cho biết, ngoài hoa giấy phục vụ các hoạt động thờ cúng, còn có các loại hoa sen đại (có đường kính 20cm), hoa sen lớn (đường kính 15cm); hoa sen nhỏ và hoa sen tiểu (đường kính 10cm - 7cm), hoa sen ngũ sắc, hoa sen năm màu (kết thành một hoa sen), hoa sen điện bóng lồi, hoa sen điện có nhụy (bóng đèn lép dấu trong đài sen), hoa sen nở có đài (nhiều kích cỡ), lá sen cuốn, lá sen úa, hoa hồng hoang, hoa sen trong hộp kính và các tác phẩm sắp đặt "Hoa trái mùa", "Hồ sen", "Ao sen".
Trong ngôi nhà rường cổ của nghệ nhân Thân Văn Huy, những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh tý, từng đoàn khách nườm nượp kéo về và khi ra đi, họ không quên mang theo những nhành sen giấy về biếu người thân hay trang trí.
“Trước đây, nghề làm hoa giấy chỉ trông chờ vào ba ngày tết. Vào khoảng cuối tháng hạp, từng đoàn người nối đuôi nhau vác từng bó hoa lên phố để phục vụ nhu cầu thờ cúng của bà con. Còn bây giờ, hoa giấy không chỉ bán vào dịp tết mà phục vụ quanh năm, nhưng đắt khách nhất vẫn là các dịp lễ, tết”, nghệ nhân Thân Văn Huy nói.
Sau khi được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng "Điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam" vào năm 2015, làng hoa giấy Thanh Tiên càng được biết đến nhiều hơn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm.
Từ đó, hiện hoa sen giấy Thanh Tiên đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong các lễ hội lớn như Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, lễ hội áo dài, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và được trưng bày ở Đại Nội - Huế, ở Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nổ, nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu.
Sau hơn 60 năm tìm tòi sáng tạo để góp phần bảo tồn và phát triển nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp mỹ thuật và Kỷ lục gia “Người đầu tiên phục hồi hoa sen giấy”.
Và niềm vui lớn nhất trong đời nghệ nhân, đó là có người con trai Thân Minh Nhật nối nghiệp mình, tiếp tục cống hiến và gắn bó với nghề này.
Toàn tỉnh có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 30 làng nghề (2 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống) tại 8/9 huyện, thị xã và TP. Huế. Các làng nghề đã thu hút trên 4.000 hộ với khoảng 9.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến.
Bài: THANH HƯƠNG
Ảnh: HỮU PHÚC & NVCC