ClockThứ Năm, 23/03/2017 05:46
“MỞ CỬA THAM QUAN ĐẠI NỘI VỀ ĐÊM”:

Sản phẩm mới cho du lịch Huế

TTH - Còn một tháng nữa, Đại Nội về đêm chính thức mở cửa đón khách tham quan. Chiều 22/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế công bố về chương trình đến đại diện các cơ quan báo chí, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh.

bố trí ánh sáng có chủ đích, du khách sẽ được trải nghiệm cảnh sắc lung linh chốn hoàng cung xưa. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

Đêm 22/4, đêm đầu tiên trong năm 2017, Đại Nội sẽ được mở cửa đón du khách và người dân vào thưởng lãm. Giá vé như ban ngày, 120 ngàn đồng đối với khách Việt Nam và 150 ngàn đồng đối với khách quốc tế. Đây là sản phẩm du lịch hứa hẹn tạo thêm điểm đến mới cho du khách khi đến Huế, cải thiện hình ảnh của một Huế trầm lắng – nhất là ở khu vực phía bắc sông Hương và quan trọng nhất là giữ được du khách ở lại với Huế thêm một đêm.

Trải nghiệm chốn hoàng cung xưa

Mỗi năm, hơn 50% du khách đến Huế chọn Đại Nội. Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, đã có hơn 600 ngàn lượt khách đến thăm khu di sản này, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, khách quốc tế chiếm 65%. Về không gian, việc tham quan Đại Nội ban ngày và ban đêm không có nhiều khác biệt, nhưng khi màn đêm buông xuống, thêm sự bố trí ánh sáng có chủ đích, du khách sẽ được trải nghiệm cảnh sắc lung linh chốn hoàng cung xưa; được thưởng thức nhiều hơn các hoạt động văn hóa nghệ thuật, như: lễ Đổi gác, trình tấu Nhã nhạc, các hoạt động diễn xướng Cấm vệ quân luyện võ, các bài bản múa cung đình, các chương trình âm sắc hoàng cung cùng các trò chơi cung đình và du khảo Văn hóa Huế qua các trưng bày “Huế - một điểm đến, năm di sản”, cùng gần 10 hoạt động trình diễn nghề truyền thống đặc sắc xứ Cố đô. Tăng số lượng các chương trình biểu diễn và mở rộng không gian tổ chức các hoạt động diễn xướng cũng là nỗ lực nhằm tăng thêm tính tương tác với du khách.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế công bố thông tin về chương trình “Mở cửa tham quan Đại Nội về đêm”

Rút kinh nghiệm từ những kỳ tổ chức “Đêm Hoàng cung” trước đây, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã chủ động phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các đợt quảng bá tại các thành phố lớn; thường xuyên cập nhật thông tin trên website của đơn vị và các trang mạng xã hội; đồng thời xây dựng clip, in tờ rơi để “đón khách” ở các khách sạn, bến tàu, sân bay, nhà ga… Các phương án bảo đảm an toàn cho du khách cũng như tài sản, hiện vật trong khu vực Đại Nội cũng được lên kế hoạch chi tiết.

Đã có những phản hồi ban đầu

Đến thời điểm này, chương trình “Mở cửa tham quan Đại Nội về đêm” nhận được phản hồi rất tốt của các doanh nghiệp lữ hành và doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Tại buổi công bố, nhiều ý kiến được nêu ra nhằm giúp ban tổ chức hoàn thiện sản phẩm: xây dựng và duy trì tốt cảm xúc của du khách; đẩy mạnh quảng bá tại các cơ sở lưu trú; tận dụng hiệu ứng của các mạng xã hội để quảng bá; thực hiện chính sách gộp khách để có ưu đãi về hướng dẫn – thuyết minh; tạo thêm giá trị giá gia tăng cho các sản phẩm dịch vụ…

Với người dân Thừa Thiên Huế - chủ nhân của di sản văn hóa Huế, TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương thực hiện chính sách miễn giảm giá vé đối với khách tham quan là người địa phương. Theo đó, trong thời gian của “Tuần lễ vàng du lịch tại Di sản Huế” từ 22 đến 28/4, người địa phương được miễn vé 100%; từ 29/4 trở đi, giá vé sẽ được giảm 50%. Mặt khác, trong thời gian diễn ra Tuần lễ vàng, đơn vị tổ chức cũng có lời mời đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch và các cơ quan báo chí tham quan Đại Nội về đêm để có “trải nghiệm thật” cho các chương trình quảng bá, tuyên truyền. “Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh để sản phẩm ngày càng phù hợp bằng các giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ. Hy vọng sản phẩm luôn có sự chung tay của các ban ngành, sự đồng hành của các doanh nghiệp và được xem là sản phẩm du lịch chung của tỉnh”, TS. Phan Thanh Hải nói thêm.

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Mong có thể duy trì mở cửa Đại Nội về đêm phục vụ du khách. Để được như vậy, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch trong việc sắp xếp tour, sự quảng bá của các đơn vị truyền thông và sự cố gắng của đơn vị tổ chức. Mọi sự nỗ lực đều hướng đến giới thiệu về một Huế đẹp, hấp dẫn và thu hút ngày càng nhiều du khách”.

 ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Uy nghi điện Thái Hòa

Sau 3 năm tập trung cao nhất có thể các nguồn lực về tài chính, nhân lực…, điện Thái Hòa - trái tim của Hoàng thành Huế, đã chính thức trở lại đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay.

Uy nghi điện Thái Hòa
Học sinh danh dự tham quan, trải nghiệm di sản

Chiều 28/9, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh tổ chức tham quan, trải nghiệm tại Đại Nội cho các em học sinh đạt danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường” năm học 2023-2024.

Học sinh danh dự tham quan, trải nghiệm di sản
Khởi động chương trình Giáo dục di sản

Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế với họa tiết truyền thống Việt Nam của triều Nguyễn là các hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Giáo dục di sản” năm 2024 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tổ chức GEKE (Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức) hợp tác triển khai. Chương trình được tổ chức tại điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế và miễn phí toàn bộ đối với trẻ em.

Khởi động chương trình Giáo dục di sản

TIN MỚI

Return to top