Hôm đó, nhạc sĩ với thân hình mảnh nhỏ ngày nào luôn hồn nhiên tươi trẻ cưỡi chiếc xe máy Peugeot xanh-đỏ trên đường đến Hội Văn nghệ với cặp kính lão thường trực trên khuôn mặt thanh tú, nay tuy phải nằm trên giường nhưng vẫn còn tỉnh táo, cùng với chị Thuần - người bạn đời và là “thầy thuốc” riêng của anh, vui vẻ nói chuyện với tôi về cách dùng thuốc men và tập luyện để có thể hồi phục sức khỏe…
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (thứ hai từ trái qua) tại lễ nhận Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam
Mấy tháng trước, nhân có công chuyện đến Viện Văn hoá Nghệ thuật Huế gặp TS.Trần Đình Hằng, tôi lại định qua thăm anh nhạc sĩ nhưng thật tiếc là gia đình anh đã chuyển đến chỗ ở mới. Trong cuộc đời người nhạc sĩ có khối lượng sáng tác khó nhớ hết này, không biết đã phải dịch chuyển nơi chốn bao lần. Và hôm nay là lần cuối anh chuyển về nơi yên nghỉ vĩnh hằng mà đời người ai cũng phải đến một lần!
Trần Hữu Pháp quê Bình Định, sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, anh tập kết ra Bắc, vào đoàn văn công phục vụ các đơn vị khôi phục đường sắt phía Bắc, rồi sống 15 năm ở Hà Nội, đảm trách các chức vụ biên tập viên Báo Tiền Phong và Nhà xuất bản Âm nhạc, Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Hà Nội, rồi Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Hà Nội. Nhưng rồi anh đã chọn Huế làm quê hương thứ hai kể từ năm 1975, phụ trách Thư ký Phân hội Âm nhạc, rồi Chi hội trưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thừa Thiên Huế cho đến lúc về hưu.
Kể ra, nói đúng hơn là anh có “duyên” gắn bó với Huế, trước hết là với cô gái nguyên là nữ sinh Đồng Khánh Hoàng Thị Như Thuần trên Cửa Hội khi cô y tá Thuần đến Cửa Hội để chăm sóc những cán bộ, chiến sĩ tập kết sau một hành trình dài, không ngờ lại lọt vào "mắt xanh" của chàng trai Bình Định…
Có thể nói, nhờ gắn bó với Huế - một vùng đất Thơ và Nhạc, Trần Hữu Pháp đã có một khối lượng sáng tác đáng mơ ước, trong đó ca khúc “Dòng sông ai đã đặt tên” là tác phẩm nổi bật, được rất nhiều ca sĩ tên tuổi trình diễn, được công chúng yêu thích. Tuy vậy, nói cho công bằng, trong “gia tài” âm nhạc anh để lại, còn có không ít tác phẩm được người đời nhớ đến. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn 1964, Trần Hữu Pháp đã cùng các anh Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Xuân Giao...vào Quảng Bình với nhiệm vụ sáng tác ca ngợi chiến công ở vùng tuyến lửa. Trong khi Hoàng Vân có "Quảng Bình quê ta ơi", Phạm Tuyên có "Bám biển quê hương"… thì anh sau khi đọc bài thơ "Em tôi" của Nguyễn Văn Dinh, liền đi tìm tác giả và cùng bơi qua sông Nhật Lệ để đến với Bảo Ninh, sau khi đã uống mấy thìa nước mắm cho ấm người. Và ngay đêm đó, ca khúc “Em bé Bảo Ninh” ra đời với những ca từ và nốt nhạc vui tươi nhí nhảnh: "em như cánh tên / bay trên cồn cát / rẽ gió xông lên..." để lại ấn tượng đậm nét trong nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Kể từ đó, đặt chân tới đâu, chiếc "ăng-ten" âm thanh trong lòng ông cũng rung động mãnh liệt. Không tính những bài viết về Hà Nội, Huế và quê hương Bình Định, nhiều tên đất tên làng và nhất là tên sông đã "vào" trong sáng tác của ông. Nào "Bến Hải yêu thương", "Hoa hồng trên sông Thạch Hãn", "Bình minh sông Gianh"... rồi "Mênh mông sông Hàn", "Khát vọng sông Trà", "Krông Ana biếc xanh", " Tìm em sông Hậu sông Tiền"... Cả những vùng đất xa lạ, như trong dịp ông tham dự Hội nghị âm nhạc quốc tế Mùa Xuân Praha 1984, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp cũng có ngay bài "Mùa Xuân Praha" được Đài Phát thanh Praha dàn dựng tức thì... Nhiều tuyển tập ca khúc của anh đã được xuất bản: "Dòng sông ai đã đặt tên", "Quê hương một sắc dừa xanh", "Một sắc hoa" (Thanh xướng kịch về chuyện tình công chúa Huyền Trân), "Bài ca từ Huế yêu thương", "Dòng sông kể chuyện", "Bóng dáng quê hương", "Những dòng sông tôi đã đi qua"…
Trần Hữu Pháp còn là một nhạc sĩ biết trân trọng di sản quý báu của dân tộc. Anh đã sớm tìm đến các nghệ sĩ nổi tiếng ở Huế như Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Kế, Văn Lang, Mộng Điệp, Thái Hùng..., ghi lại được 15 bản nhạc cổ truyền trên "giấy trắng mực đen" - cuốn sách xuất bản năm 1996 được hoan nghênh cả trong và ngoài nước, được nhiều diễn viên lớp trẻ xem như sách giáo khoa.
Một nguồn mạch nữa làm nên giọng điệu riêng của nhạc sĩ là ông biết "mượn" hồn nhiều thi sĩ làm chất "gây men" cho âm nhạc. Bài hát "Em bé Bảo Ninh" được "gây men" từ lời thơ của Nguyễn Văn Dinh; "Đêm tự tình với sông Hương" - lời phỏng thơ Hàn Mặc Tử; "Bài ca từ Huế yêu thương" - lời thơ Tố Hữu; "Huế vấn vương" - lời thơ Huy Cận; "Bến trăng xưa" - lời thơ Yến Lan; "Dòng sông một bờ" - lời thơ Nguyễn Khắc Thạch; "Huế thu" - lời thơ Võ Quê... và “Dòng sông ai đã đặt tên” là dựa thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Có lẽ nhờ thế mà ca từ trong nhiều bài hát của ông đều có vần điệu, có chất thơ; và nhờ ca từ đẹp mà những sóng nhạc vốn vô hình "neo đậu" được lâu dài vào trí nhớ thính giả.
"...Dòng sông ai đã đặt tên/Để người đi nhớ Huế không quên..."
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp tụng ca dòng sông báu vật tạo hóa ban cho Huế mà không ai có thể quên. Mãi mãi, nhân gian nhớ đến Sông Hương và dòng sông ân tình sẽ vọng mãi tên anh…
Nguyễn Khắc Phê