Tái hiện lễ Ban Sóc
Lần thứ 2 được tổ chức, quy mô về sân khấu và dàn ca sĩ được nâng lên rõ rệt, "Countdown" là nét văn hóa mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển trên đất Cố đô. Theo từ điển tiếng Anh, "count" có nghĩa là đếm còn "down" có nghĩa là xuống. "Countdown" có nghĩa là đếm ngược thời gian hiển thị theo đơn vị giây, ngày hoặc những đơn vị khác trước khi xảy ra một sự kiện nào đó. Và cũng như cách đây một năm, khán giả Huế đã "cháy" hết mình dưới trời mưa lạnh của đêm cuối năm, hòa điệu cùng những điệu nhảy sôi động, hòa giọng đếm ngược chào năm mới trong ánh pháo sáng và giai điệu Happy New Year.
Tái hiện lại sau 180 năm, lễ Ban Sóc mang đến cho Huế không khí lắng đọng trong ngày đầu năm mới. Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, quyển lịch có ý nghĩa đặc biệt, xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ, biết sự thay đổi tiết trời mà ứng phó và phòng tránh thiên tai. Qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức và nghi tiết thuở xưa, tái hiện lễ Ban Sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách, người dân cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới dương lịch.
Nếu "Countdown" rộn ràng và sôi động là cái mà Huế vẫn đang thiếu, cần được bổ sung của một thành phố du lịch thì lễ Ban Sóc trầm mặc và giàu suy tưởng lại được xem là những giá trị Huế đáng được gìn giữ, phát huy, là không gian văn hóa và lễ hội của vùng đất một thời là trung tâm của Quốc gia. Cứ tưởng sát cạnh bên nhau sẽ gây nên những xung đột, tương khắc nhưng những gì được chứng kiến đã thật kỳ lạ khi có sự tương đồng và quyện hòa vào nhau thật tuyệt vời, là sự bổ sung và tái hiện cần có.
Xen giữa "Countdown" và lễ Ban Sóc có buổi lễ ra mắt chính thức trở lại dàn nhạc Kèn Huế ngay tại Nhà Kèn Huế, công trình do người Pháp xây dựng cách đây khoảng 100 năm. Gọi rằng “trở lại” bởi ngày 11/11/1918, dàn nhạc Kèn hơi nhà binh Pháp, dàn nhạc kèn hơi đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập tại Huế. Tạp chí Sông Hương đã nhận xét rất chí lý, rằng “một truyền thống âm nhạc Huế xưa đang được phục hồi, là một trong những biểu hiện của ý chí Thừa Thiên Huế quyết tâm xây dựng đô thị di sản trực thuộc Trung ương”.
Biết cách tiếp thu để bổ sung những giá trị mới cùng với tinh tế “gạn đục khơi trong” từ vốn di sản đồ sộ mà cha ông để lại, văn hóa Huế đa dạng và phong phú sẽ tiếp tục có thêm những khám phá mới bất ngờ và thú vị. Đó là điều mà tôi cảm nhận được ngay trong những ngày đầu năm mới 2021 hứa hẹn sẽ có nhiều sự phục sinh kỳ diệu cho Huế yêu thương.
Bài: Đình Nam; Ảnh: Ngọc Lục Bảo