ClockThứ Bảy, 03/04/2021 13:57

Tàng Thơ Lâu, kết nối giá trị quá khứ đến đương đại

TTH - Di tích lịch sử văn hóa độc đáo Tàng Thơ Lâu (344 Đinh Tiên Hoàng, TP. Huế) vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa vào sử dụng, hình thành một trung tâm lưu trữ tư liệu, trung tâm nghiên cứu về di sản văn hóa Huế.

Không gian Tàng Thơ Lâu, nơi lưu trữ nhiều tư liệu quý của triều Nguyễn

Di sản độc đáo

Tàng Thơ Lâu được xây dựng vào mùa hè năm 1825, dưới thời vua Minh Mạng với chức năng là một kho lưu trữ tư liệu quốc gia. Tồn tại 120 năm (1825 – 1945), đây là nơi lưu trữ tài liệu, văn bản quý hiếm với nhiều tài liệu, địa bạ, giấy tờ quan trọng của triều đình thời bấy giờ. Đây là một “Tàng kinh các” hiếm hoi của thời kỳ chế độ quân chủ đang còn được bảo tồn khá nguyên vẹn tại Huế.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Tàng Thơ Lâu là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các bộ: Lại, Hình, Lễ, Công, Học, Binh đã được thực hiện từ thời vua Gia Long trở đi; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai, quyền cai trị tại Bắc, Trung, Nam; các tài liệu ngoại giao với các triều đại Trung Quốc... Riêng số công văn, thư tịch, sổ sách cũ của 6 bộ và các nha sau từng năm một đều phải mang đến lầu Tàng Thơ để cất giữ và được gọi là “Thượng niên sách tịch”, nghĩa là sổ sách của năm vừa qua. Trước năm 1945, chỉ tính số sổ địa bạ của Bộ Hộ thời vua Gia Long và Minh Mạng ở đây đã lưu trữ đến 12.000 tập.

Bản thân công trình Tàng Thơ Lâu là một kiểu kiến trúc khác biệt trong quần thể di tích kiến trúc vốn phổ biến bằng gỗ của kinh đô triều Nguyễn. Tổng thể kiến trúc lầu Tàng Thơ được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Để tránh sự lây lan của hỏa hoạn cũng như bảo vệ tư liệu gốc của quốc gia, công trình được xây dựng trên đảo giữa hồ, gồm 2 tầng, tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 11 gian, xung quanh đều được xây lan can, 4 bên lầu xây hồ vuông gọi là hồ Học Hải.

Tàng Thơ Lâu, nơi bảo tồn và phát huy di sản tư liệu - một loại hình di sản đặc thù của Cố đô Huế

Từ năm 1945 trở về sau, Tàng Thơ Lâu trải qua không ít thăng trầm. Đây cũng là thời điểm kết thúc chức năng hoạt động của công trình này. Trải qua biến động lịch sử và thời gian, công trình bị hủy hoại và xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn số lượng sổ sách, thư tịch, địa bạ lưu trữ ở đây bị phân tán, lưu lạc đi nhiều nơi như Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội... hoặc bị hủy hoại bởi khói lửa chiến tranh.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, nhằm phát huy lợi thế vốn có của vùng đất Cố đô, trong chiến lược lâu dài của công tác trùng tu và bảo tồn di sản, Huế cần có một trung tâm lưu trữ tư liệu. Nhận thức được điều đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện việc trùng tu, tái dựng lầu Tàng Thơ. Dự án nghiên cứu, phục hồi Tàng Thơ Lâu được khởi động từ đầu những năm 2000 sau khi công trình được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Năm 2014, dự án trùng tu phục hồi công trình này chính thức được khởi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành, quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế không chỉ có thêm một di sản độc đáo, quan trọng hơn, Cố đô lại phục hưng được một “Tàng kinh các” danh tiếng, mở ra cơ hội phục hưng các di sản tư liệu vốn dĩ rất phong phú tại đây.

Trung tâm lưu trữ tư liệu tầm cỡ

Theo ông Võ Lê Nhật, nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế không chỉ dừng lại ở việc phục dựng nguyên trạng hình ảnh Tàng Thơ Lâu trong quá khứ, mà hơn hết là “hồi sinh” một trung tâm lưu trữ tư liệu mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng vị thế và vai trò của nó như đã từng hiện diện trong lịch sử. Đây không chỉ là nơi cất giữ tài liệu mà thực sự sẽ là nơi bảo tồn và phát huy một loại hình di sản đặc thù của Cố đô Huế: di sản tư liệu.

Tàng Thơ Lâu hiện đang lưu trữ tư liệu thành văn, tư liệu video và tư liệu hình ảnh. Về tư liệu thành văn có hơn 70.000 đầu sách và tư liệu, thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau, như: sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn, sách mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa, Phật giáo, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ học, bản đồ…

Về tư liệu Hán Nôm dưới dạng thủ bản, phần lớn là bản gốc được viết tay trên giấy dó, ngôn ngữ chính là chữ Hán, một số viết bằng chữ Nôm. Các bản lưu kho, tích hợp lưu trữ đều dưới dạng các file số hóa. Hầu hết nguồn tư liệu truyền bản này thuộc dạng độc bản nên có giá trị tư liệu lịch sử rất cao, như hệ thống châu bản, địa bạ, sắc phong, đinh bạ… Khối tài liệu này được hình thành trong hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, phản ánh các khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học - kỹ thuật của đất nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Tư liệu video giới thiệu các nghi lễ tế tự dưới thời nhà Nguyễn, như: tế Nam Giao, tế Xã Tắc… được tái hiện bằng các hoạt động thực hành nghi lễ với những thước phim được chăm chút đến từng chi tiết. Tư liệu hình ảnh gồm hơn 4.000 bức ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, tái hiện sinh động chốn hoàng cung triều Nguyễn với những nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ nghi, kiến trúc nguyên sơ…

Bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, ngoài những tư liệu đang lưu trữ, trung tâm sẽ sưu tầm thêm các nguồn tài liệu quý ở các trung tâm lưu trữ quốc gia, cập nhật những đầu sách mới để Tàng Thơ Lâu sẽ là nơi lưu trữ những tài liệu liên quan đến văn hóa Huế mà độc giả, du khách có thể tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.

Ông Nhật thông tin, thời gian đến, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức hợp lý các không gian ở Tàng Thơ Lâu phục vụ cho công tác nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu văn hóa Huế. Đồng thời, đây là địa chỉ lưu trữ các tư liệu quý giá và cũng là nơi thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Tương lai, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm để kết nối các giá trị của quá khứ đến cuộc sống đương đại.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Kết nối - sẻ chia

Để những tấm lòng thơm thảo có thể đến với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, rất cần có sự kết nối nghĩa tình.

Kết nối - sẻ chia

TIN MỚI

Return to top