|
Bìa 2 bản tiếng Việt và tiếng Pháp “Thi pháp Truyện Kiều” |
Thừa Thiên Huế Cuối tuần trân trọng gửi đến bạn đọc bài giới thiệu của nữ TS. Trần Lê Bảo Chân (ĐHSP TP. Hồ Chí Minh) - người đã dịch “Thi pháp Truyện Kiều” sang tiếng Pháp, đồng thời là tác giả của 1 chương trong cuốn sách này.
Ấn phẩm này được thực hiện dịch thuật và phát hành tại Pháp là thành quả của dự án hợp tác khoa học nhiều năm giữa Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Sư phạm cao cấp Paris, kéo dài từ năm 2017 đến nay, do GS. Michel Espagne của Trường Sư phạm cao cấp Paris (Pháp) chủ trì dự án.
“Thi pháp Truyện Kiều” là một công trình nghiên cứu văn học mà GS. Trần Đình Sử dành để khắc họa chi tiết, chuyên sâu, tỉ mỉ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Công trình này đã được đánh giá là ấn phẩm học thuật uy tín cấp quốc gia nghiên cứu về tác phẩm Kiều.
Điểm mới lạ của ấn phẩm này, trong tiếng Việt, không chỉ nằm ở lối viết phân tích sắc sảo của tác giả mà đặc biệt là phương pháp tiếp cận và hệ thống biện luận chặt chẽ của tác giả để đi đến những kết luận và nhận xét xác đáng. Nền tảng lý luận mang lại giá trị khoa học cho cuốn sách này của GS. Trần Đình Sử được xây dựng thông qua hệ thống lý thuyết mà giáo sư đã tiếp nhận từ phương Tây, qua tính liên ngành trong phương pháp nghiên cứu của ông. Từ đó, cho phép độc giả được khám phá tác phẩm Truyện Kiều theo cách mới, ở những góc nhìn sáng tạo.
Trần Đình Sử, bằng tư duy mạch lạc trong nghiên cứu văn học so sánh và sự nhạy bén của một nhà lý luận văn học, đã truyền tải được một tầm nhìn mới cũng như những khám phá tinh tế và thế giới quan nghệ thuật trong tác phẩm văn học kinh điển nhất của lịch sử văn chương Việt Nam.
Thông qua “Thi pháp Truyện Kiều”, GS. Trần Đình Sử cũng là nhà khoa học đầu tiên vận dụng lý thuyết thi pháp học để phân tích và nghiên cứu tác phẩm văn học, mở đường cho trường phái phê bình thi pháp học trong văn học Việt Nam đương đại. Thật vậy, “Thi pháp Truyện Kiều” của Trần Đình Sử chính là thành quả của quá trình chiêm nghiệm và thực hành thi pháp học.
Trong tác phẩm này, tác giả đã tập trung nghiên cứu tác phẩm Truyện Kiều dưới mọi phương diện sáng tạo nghệ thuật của tác phẩm. Từ đó, chỉ ra được mối liên hệ của Truyện Kiều với các thể loại văn học truyền thống dân tộc, nêu rõ thế giới quan nghệ thuật và sự sáng tạo của Nguyễn Du, chỉ ra các hình thức ngôn từ, như: độc thoại nội tâm, đối ngẫu, điển cố, ẩn dụ, hình thức cốt truyện, loại hình tự sự… vốn là những thành tố tạo nên một thi pháp của Nguyễn Du.
Cuốn sách được dịch và xuất bản tại Pháp ngoài việc dịch và chuyển tải lại nội dung 6 chương của cuốn sách gốc đã xuất bản tại nhà xuất bản tổng hợp, có 1 chương Giới thiệu gồm 35 trang do dịch giả Trần Lê Bảo Chân viết giới thiệu về GS. Trần Đình Sử và sự nghiệp nghiên cứu, phê bình văn học của ông, và phần giới thiệu dẫn nhập một cách tổng quan cho độc giả Pháp làm quen với Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.
Chương 1: Nhận xét những phương pháp chính yếu trong nghiên cứu thơ Truyện Kiều. Chương 2: Đưa ra nghiên cứu so sánh giữa Truyện Kiều và tiểu thuyết Trung Quốc cũng như sự giao thoa giữa văn học Việt Nam và Trung Quốc. Chương 3: Phân tích tính liên văn bản giữa thơ Nôm và Truyện Kiều, nhằm làm rõ sự tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa, văn học Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ giữa thể loại văn học và cốt truyện của tác phẩm Việt Nam. Chương 4: Nghiên cứu thế giới nghệ thuật hình thành trào lưu nghiên cứu đương đại trong việc nghiên cứu Truyện Kiều. Chương 5: Nghiên cứu văn tự sự trong Truyện Kiều từ đó làm nổi bật những đặc trưng, độc đáo của văn phong đầy chất thơ của tác phẩm. Chương 6: Khảo sát biện pháp tu từ của tác phẩm để nghiên cứu phong cách, giọng điệu, sắc thái, tính hai mặt, tính lưỡng đôi trong tự sự.
Thông tin sách tại Pháp và các nước châu Âu:
La poétique du Kieu
Trần Đình Sử
Traduction et introduction de Trần Lê Bảo Chân
Éditeur : Editions Kimé
Collection / Série : Détours littéraires