ClockThứ Tư, 11/05/2022 07:35

Tìm thấy những bản Lục Vân Tiên viết bằng chữ Thái cổ ở Sơn La

TTH - Trong hoạt động về văn hóa dân gian của tộc người Thái vùng Tây Bắc có tiết mục kể chuyện bằng diễn xướng thơ. Cốt chuyện thơ dân gian của dân tộc Thái tuy nhiều nhưng vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân. Vì vậy, họ đã phóng tác truyện thơ từ cốt truyện của các dân tộc khác; trong đó có truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Các bản sách Lục Vân Tiên bằng chữ Thái cổ được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Sơn La

Khi tham gia trại sáng tác do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức ở Đại Lải, Vĩnh Phúc, tôi đã đến Sơn La để khảo sát, nghiên cứu những tác phẩm văn học của người Kinh viết bằng chữ Thái đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Sơn La.

Thể loại văn học người Kinh được viết bằng chữ Thái cổ đang được lưu giữ ở kho bảo tàng với những đề tựa như: Tống Trân Cúc Hoa; Lưu Bình Dương Lễ; Trương Viên, Hoàng Trừu… Đây là những truyện Nôm khuyết danh lưu hành trong dân gian từ xa xưa. Đặc biệt, truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng được phóng tác bằng chữ Thái cổ và lưu hành trong cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc. Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là người vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Tác phẩm Lục Vân Tiên là một truyện thơ chữ Nôm (viết theo thể lục bát), được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỷ XIX. Lục Vân Tiên là một trường thi tiểu thuyết dài hơn 2.000 câu, viết về trung hiếu tiết nghĩa; luân thường đạo lý của con người thông qua các mối quan hệ giữa vua tôi, cha mẹ và con cái, anh em, bạn bè, chồng vợ..., đề cao tinh thần chính nghĩa, cứu khốn phò nguy; lên án những thói hư, tật xấu của con người trong xã hội phong kiến. Qua tác phẩm Lục Vân Tiên, tác giả muốn gửi gắm một phần số phận của mình đồng thời muốn thực hiện những ước mơ vươn tới lẽ sống chân - thiện - mỹ, con người luôn được sống hạnh phúc trong một môi trường xã hội đầy tình nhân ái và công bằng…

Ngôn ngữ của Lục Vân Tiên mộc mạc, bình dị, chân chất mà thẳng thắn, đây chính là nét văn hóa riêng của người dân Nam bộ. Có thể nói, Lục Vân Tiên là một truyện thơ hay viết theo lối kể chuyện, văn chương gần gũi với cuộc sống đời thường. Trong tác phẩm này, tác giả đã lột tả được nội tâm của từng nhân vật một cách khéo léo, phân biệt rạch ròi giữa cái thiện, cái ác; đồng tình với thuyết nhân quả, phù hợp với tâm lý của người dân. Tác phẩm Lục Vân Tiên đã được lưu truyền rộng khắp vùng đất Nam bộ cho đến miền Trung. Không ai ở vùng đất này mà không biết đến truyện Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Văn chương bình dân trong Lục Vân Tiên đã tạo cho truyện thơ này nhanh chóng hòa vào dòng văn học dân gian Việt Nam và lan tỏa khắp các vùng miền trong cả nước.

Địa bàn tỉnh Sơn La nằm ở vùng Tây Bắc, cách Gia Định - Bến Tre (nơi ra đời của tác phẩm Lục Vân Tiên) khoảng gần 2.000 km, nhưng từ hơn 100 năm trước, Lục Vân Tiên, tác phẩm đỉnh cao của văn học Nam bộ, đã lan tỏa tận đến vùng biên viễn của tổ quốc. Nơi đây, tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã được phóng tác thành truyện thơ của người Thái. Truyện thơ Lục Vân Tiên bằng tiếng Thái đã được lưu hành rộng khắp trong cộng đồng dân tộc Thái bằng hình thức diễn xướng thơ (khắp xư). Từ đó tác phẩm thơ “phóng tác” Lục Vân Tiên đã nhanh chóng hòa nhập vào dòng chảy văn hóa dân gian của cộng đồng người Thái ở Việt Nam.

Bảo tàng tỉnh Sơn La đang bảo quản hơn 10 tác phẩm Lục Vân Tiên viết bằng chữ Thái cổ với nhiều tên gọi như: Quám [1] Vân Tiên, Lục Vân Tiên, Vân Tiên…có tập được đóng gộp chung với truyện Trạng Công; Hoàng Trừu; Chiêu Quân… Các tập Lục Vân Tiên ở đây được viết trên giấy dướng [2] và giấy dó với nhiều khổ giấy khác nhau: 14x24cm; 16x29cm; 21x21cm; 27x34cm; 20x26cm; 15x27cm; 21x34cm; 15x24cm…, dày nhất là tập Quám Vân Tiên mang số hiệu GI 128, viết bằng giấy dó mỏng, khổ 16x29, 170 trang. Như vậy, tác phẩm Lục Vân Tiên và một số tác phẩm văn học người Kinh khác viết bằng chữ Thái cổ đã từng được người dân sao chép thành nhiều bản và lưu hành rộng khắp vùng Tây Bắc.

Khi đọc tóm lược cốt truyện ở một số tác phẩm truyện thơ phóng tác bằng chữ Thái cổ đang được bảo quản ở Bảo tàng tỉnh Sơn La, tôi thấy một số truyện thơ có ghi niên đại như: Lưu Bình - Dương Lễ viết vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824); Trạng nguyên (Tống Trân – Cúc Hoa) viết vào năm Tự Đức thứ 19 (1865)… Như vậy, người Thái đã phóng tác truyện thơ Nôm của người Kinh cách đây gần 200 năm và có thể sớm hơn.

Dưới thời phong kiến, các quan lại, trí thức của đồng bào dân tộc thiểu số đều phải biết chữ Hán Nôm để giao tiếp, thi cử và sử dụng trong thủ tục hành chính do triều đình quy định. Vì vậy, việc xuất hiện các tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm của người Việt ở các vùng người Thái và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Bắc là điều dễ hiểu. Những tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu… và những truyện Nôm khuyết danh của người Kinh đã được các nho sĩ, quan lại người Thái chọn lọc và phóng tác thành những truyện thơ chữ Thái. Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam, dân tộc nào cũng có những nét văn hóa dân gian đặc sắc riêng của mình. Những bài trường ca hay những câu truyện cổ tích đều chứa đựng những nét tương đồng về tư tưởng, tình cảm và ước mơ về cuộc sống hạnh phúc của con người.

Hơn mười tập truyện Lục Vân Tiên viết bằng chữ Thái cổ sưu tập từ các vùng đồng bào Thái ở Tây Bắc đang được bảo quản tại Bảo tàng Sơn La đã cho chúng ta thấy được sức lan tỏa rộng lớn của truyện thơ Lục Vân Tiên, một tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ - nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Nguyễn Thế

[1] Quám: sách, truyện

[2] Một loại giấy xưa của người Thái, như giấy dó của người Việt nhưng dày hơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nghèo ở vùng lõi

Xã Bình Tiến được xem là vùng “lõi nghèo” của TX. Hương Trà. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương không ngừng huy động nhiều nguồn lực để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Giảm nghèo ở vùng lõi
Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Rác thải tràn lan ở các khu dân cư

TP. Huế ngày càng xanh - sạch - sáng trên từng xóm phố, nẻo đường. Tuy nhiên, hiện nay tại một số khu quy hoạch (KQH), khu dân cư (KDC) mới vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan, làm ảnh hưởng đến môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Rác thải tràn lan ở các khu dân cư
Tấm thạch bia khắc bản trường ca Việt Bắc:
Mối lương duyên độc đáo của thi ca Việt Nam

Năm 2023, Giáo sư, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng phát hiện ở vùng núi cao Bắc Kạn một tấm thạch bia lớn, trên đó khắc bản trường ca “Việt Bắc”, một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, bằng tiếng Tày. Ý tưởng đưa tấm thạch bia quý giá này về Huế được nhiều người hưởng ứng. Và câu chuyện từ mối lương duyên độc đáo bắt đầu…

Mối lương duyên độc đáo của thi ca Việt Nam

TIN MỚI

Return to top