|
Người dân ở Gaza, đặc biệt là trẻ em, đang phải hứng chịu những tổn thương sâu sắc do xung đột Israel-Hamas. Ảnh: AFP/TTXVN |
Anh Hazem Suleiman đã giảm gần 1/4 cân nặng khi anh và gia đình phải liên tục chạy trốn khỏi các cuộc không kích của Israel ở Gaza. Nhưng điều thực sự khiến anh lo lắng là những tổn thương không thể nhìn thấy – những chấn thương vô hình sẽ ám ảnh anh mãi mãi.
“Tôi sẽ không quên tiếng la hét của trẻ em và phụ nữ... Tôi gặp ác mộng về những xác chết cháy đen. Phim kinh dị không chiếu cảnh này, nhưng đó thực sự là những gì đã xảy ra”, anh Suleiman chia sẻ.
Người đàn ông 26 tuổi này hiện đang sống trong một căn lều ở thành phố Khan Younis cùng với vợ, mẹ và 8 đứa con. May mắn hơn nhiều láng giềng và bạn bè khác, họ vẫn còn sống… nhưng điều đó không có nghĩa là họ không bị tổn thương.
“Tình trạng tinh thần của tôi rất tệ, và các con tôi liên tục sợ hãi”, anh nói.
Theo ông Mohammed Abu Shawish, người đứng đầu công tác hỗ trợ sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế hỗ trợ người Palestine tại Gaza, hơn 2 triệu trong tổng số khoảng 2,3 triệu dân ở vùng đất này đã “trải qua hoặc chứng kiến các sự kiện bạo lực và đau thương” trong suốt một năm qua. Đặc biệt, các bà mẹ luôn phải đối mặt với những lo lắng cao độ khi phải cân bằng giữa trách nhiệm bảo vệ con cái với nỗi sợ bạo lực, ông Shawish cho biết.
Hầu hết người dân Gaza đã phải di dời - một số người thậm chí phải di dời tới 10 lần - kể từ khi cuộc tấn công của Israel nổ ra vào ngày 7/10 để đáp trả việc Hamas tấn công miền nam Israel, giết chết 1.200 người và bắt giữ khoảng 250 người làm con tin.
Kể từ đó, các cuộc không kích và pháo kích của Israel đã biến phần lớn dải Gaza thành đống đổ nát và hơn 41.600 người đã thiệt mạng, ít nhất 90.000 người khác bị thương, số liệu từ Bộ Y tế Gaza cho thấy.
Những con số này không thể truyền tải hết được nỗi đau thương sâu sắc của những người còn sống sót sau các cuộc tấn công. Nhiều nhân viên cứu trợ cho biết những vết sẹo tinh thần, nhất là đối với trẻ em, là “rất sâu sắc”.
“Các em đã mất đi cảm giác được thuộc về gia đình, cha mẹ và anh chị em, vì cả cha, mẹ hay bất kỳ ai khác đều không thể mang lại cho các em cảm giác an toàn đó… không ai có thể bảo vệ các em”, Israa Al-Qahwaji, điều phối viên của tổ chức Save the Children cho biết.
Hồi tháng 6, Save the Children ước tính có tới 21.000 trẻ em được cho là đã mất tích ở Gaza, bao gồm 17.000 trẻ em không có người đi kèm và bị lạc, cùng 4.000 trẻ bị chôn vùi dưới các đống đổ nát, trong khi những đứa trẻ sống sót đặc biệt dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Theo ông Abu Shawish, những tổn thương mà trẻ em đang trải qua có thể định hình cuộc sống của chúng và góp phần gây ra một loạt các bệnh tâm thần, từ những thách thức về nhận thức và giáo dục, cho đến các vấn đề về hành vi và rối loạn sức khỏe mãn tính.
“Điều tôi có thể nghĩ đến ngay lúc này là hy vọng chúng tôi sẽ sống sót… Nhưng ngay cả khi sống sót, chúng tôi vẫn sẽ bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng về cuộc chiến này”, bà Abu Amer – một người dân ở Gaza chua xót nói.