“Giật mình” vì tiếng còi “tuýt” lỗi ở hạng mục tu bổ, tôn tạo kè Hộ thành hào, đến lúc Thừa Thiên Huế cần một quãng ngừng để nhìn lại năng lực bảo tồn di sản.
Công trình tu bổ kè Hộ thành hào dở dang
Nguy cơ mất yếu tố gốc
Công trình tu bổ, tôn tạo bờ kè Hộ thành hào khởi công từ cuối năm 2018, được tiến hành rất khẩn trương, và cuối tháng 3/2019 thi công xong đoạn kè từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài. Đó cũng là lúc câu chuyện bảo tồn, tu bổ di tích có nguy cơ làm mất yếu tố gốc bắt đầu được quan tâm. Phía sau lớp hàng rào lưới đen, phóng viên Báo Tuổi Trẻ phát hiện, sau khi phá dỡ hoàn toàn kè đá, đơn vị thi công đã làm mới một bờ kè hình thang bằng đá granit, ống nhựa, vữa xi măng, phần chân móng đúc bê tông cốt thép, phần mặt ngoài kè có dán một số viên đá gan gà nguyên gốc pha lẫn đá mới. Yếu tố cũ - mới không có sự phân định rõ ràng.
Kè Hộ thành hào được xây dựng năm 1832 nhằm bảo vệ hệ thống hào nhân tạo, được đào ngay bên ngoài và bao bọc quanh tường thành của Kinh thành Huế - vòng thành có quy mô lớn nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay. Bờ kè được người xưa cố định bằng đá gan gà, xếp khan không dùng vôi vữa. Qua gần 200 năm tồn tại, trải qua chiến tranh và chịu tác động lớn từ cuộc sống của người dân, nhiều đoạn kè đá hai bờ Hộ thành hào bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của tường thành.
Công trình tu bổ, tôn tạo kè Hộ thành hào mặt Nam Kinh thành Huế là một trong những hạng mục thuộc đại dự án bảo tồn, tu bổ tôn tạo Kinh thành Huế, được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt từ năm 2011. Thực hiện đúng hồ sơ, kè Hộ thành hào được tu bổ phải bảo tồn nguyên trạng những đoạn còn tốt; hạ giải, tu bổ, phục hồi những đoạn bị hư hỏng nặng và tu bổ những đoạn hư hỏng vừa và nhỏ. Yếu tố gốc của di tích được lưu ý coi trọng và phải rất thận trọng khi hạ giải. Những vật liệu cũ còn tốt được chọn tái sử dụng, phục hồi nguyên gốc một đoạn theo kỹ thuật truyền thống. Thế nhưng, hiện trường công trường lại cho thấy việc thi công chưa thể hiện sự tôn trọng với những yêu cầu trên, gây bức xúc trong dư luận. Nó khác xa với những gì được đặt ra trên hồ sơ… khiến người ta liên tưởng đến một “vết sẹo” không đáng có.
Lưới che công trình tu bổ, tôn tạo kè Hộ thành hào
Tôn trọng giá trị lịch sử
Việc tu bổ, tôn tạo kè Hộ thành hào chỉ là một trong nhiều câu chuyện gây tranh cãi trong bảo tồn, tôn tạo di tích ở Cố đô Huế. Dư luận từng lên tiếng phản ánh về màu sơn sau khi tu bổ các hạng mục ở lăng vua Gia Long, Trường lang Tử Cấm Thành, Phu Văn Lâu hay tường thành... không giống nguyên bản trong lăng vua Đồng Khánh.
Trở lại với “vết sẹo” Hộ thành hào, theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, quá trình chuẩn bị đầu tư tu bổ, tôn tạo kè, đơn vị đã căn cứ hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và các Hiến chương, công ước Quốc tế về bảo tồn và trùng tu mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, tham chiếu cẩn trọng việc sử dụng một số vật liệu mới, như bê tông cốt thép đáy móng, đá hộc để gia cố và xây móng kè (phần khuất dưới mực nước) để tạo sự ổn định, bền vững cho công trình.
Chúng tôi có dịp trao đổi với PGS.TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nguyên Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam. Xung quanh sự cố Hộ thành hào, ông Bài cho rằng, chủ đầu tư hoàn toàn có thể sử dụng vật liệu mới, giải pháp kỹ thuật mới để thay thế vật liệu cũ, kỹ thuật cũ, nhưng với điều kiện quan trọng, phải chứng minh bằng cơ sở khoa học rằng vật liệu cũ không còn tồn tại để sử dụng, giải pháp kỹ thuật cũ không đáp ứng được yêu cầu chịu lực và sự thay thế chỉ khi… bất khả kháng.
Từ kinh nghiệm gần 50 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản, ông Bài đề nghị, cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa sửa chữa công trình, xây dựng mới với tu bổ và bảo quản di tích. Việc xây mới hay sửa chữa chỉ tập trung vận dụng các thành tựu về kỹ thuật, vật liệu nhằm tạo ra một công trình vừa đẹp vừa bền vững và tiện ích. Trong khi, việc bảo quản lại sử dụng các biện pháp kỹ thuật giữ cho di tích ở nguyên trạng thái mà không bị tiếp tục hư hỏng, thay đổi, biến dạng, không thêm bớt bộ cấu thành.
Tu bổ di tích bao hàm cả hai yếu tố trên, nhưng phải tuân thủ mục tiêu bao trùm là xác định chính xác giá trị của di tích về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học…, tìm ra biện pháp bảo tồn nguyên trạng di tích. Với Hộ thành hào, ông Bài nhấn mạnh: “Bờ kè chỉ là một hạng mục phụ trợ, không phải là bộ phận thể hiện giá trị văn hóa nghệ thuật cốt lõi của Kinh thành Huế, nhưng nó lại giá trị ở chỗ mang màu sắc của thời gian. Tính lịch sử của nó cũng phải được tôn trọng trong tổng thể di tích Kinh thành”.
ĐỒNG VĂN
Bài 2: Nguồn lực thiếu về mọi mặt