ClockThứ Bảy, 12/02/2022 07:00

Trùng tu Hải Vân Quan theo hiện trạng dưới triều Nguyễn

TTH - Được khởi công cuối năm 2021, dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan nhằm phục hồi lại một biểu tượng trên hành trình dựng nước, giữ nước của dân tộc, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế.

Khởi công dự án bảo tồn tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan

Hải Vân Quan là điểm đến thu hút khách du lịch (Ảnh chụp trước khi bùng phát dịch COVID-19)

Tu bổ tổng thể

Những ngày cuối năm âm lịch, công tác trùng tu di tích Hải Vân Quan vẫn đang được tiến hành. Hải Vân Quan được xây dựng ở một vị trí đắc địa, hiểm trở cheo leo nên việc trùng tu di tích gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển vật liệu, lại gặp thời tiết mưa và sương mù dày đặc. Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn cố gắng khắc phục để đảm bảo tiến độ.

Trải qua thời gian chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, Hải Vân Quan bị xuống cấp nghiêm trọng. Di tích được trùng tu theo hiện trạng dưới triều Nguyễn. Cụ thể, tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đến nền gốc tích thời Nguyễn; tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan theo các dấu tích nguyên gốc; phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh; gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây; phục hồi lan can xây gạch vồ chia ô hộc và trang trí trên nóc theo tư liệu...

Với sân đường giữa Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, sẽ hạ giải các công trình và kết cấu xây dựng được xác định không thuộc thời kỳ nhà Nguyễn trong khu vực; tu bổ đoạn đường nối Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan bằng đá xếp theo dấu tích nguyên gốc.

Với hệ thống tường thành nhà Nguyễn, phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường hông Hải Vân Quan và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan; gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành bằng vữa neo, các vị trí xung yếu gia cố bằng bê tông, phục hồi thân tường theo các đoạn nguyên gốc được khảo cổ. Phía trong tính từ mặt tường và các khu vực chân móng được gia cố khối xây vữa truyền thống tăng cường khả năng cố kết và chịu lực của tường; phục hồi các chòi quan sát hướng đông nam và tây bắc, cửa ngách nhỏ đi ra phía tây của di tích theo dấu tích khảo cổ…

Dự án cũng phục hồi nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố 3 gian theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu. Đồng thời, phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía Đà Nẵng theo dấu vết khảo cổ bằng đá; phục hồi tuyến đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi Thừa Thiên Huế bằng đá xếp theo truyền thống; xây dựng sân lát đá phía đầu của tuyến đường Thiên Lý và Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan…

Hình mẫu tiêu biểu trong phối hợp bảo tồn di sản

Di tích Hải Vân Quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng, góp phần vào sự phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Di tích Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2017.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, để phục vụ hiệu quả cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức khai quật khảo cổ học, làm sáng rõ quá trình hình thành và biến đổi của di tích, xác định được quy mô, kết cấu nền móng kiến trúc của công trình và cung cấp những cứ liệu khoa học cần thiết.

Sau khi có kết quả khai quật khảo cổ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo “Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan”. Đây là cơ sở quan trọng để các ban, ngành, các nhà khoa học nghiên cứu để có giải pháp bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích một cách hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay, nhằm phát huy tối đa giá trị về lịch sử, du lịch của di tích.

Thực hiện dự án này, tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng đã tạo lập một hình mẫu tiêu biểu về phối hợp trong công tác khôi phục bảo tồn di sản. Bắt đầu từ việc sưu tập dữ liệu, nghiên cứu khoa học, khảo cổ, hội thảo, lập dự án, thiết kế, triển khai thi công, giám sát, phát huy giá trị… Trong đó, ứng dụng một số công nghệ tiên tiến, như scan 3D, xây dựng “ngân hàng dữ liệu số” về Hải Vân Quan đầy đủ, chính xác và chuẩn mực. Công nghệ này không những góp phần lan tỏa giá trị di sản mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan tour ảo 360 độ trong thời gian trùng tu. Du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài QR Code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về Hải Vân Quan.

Theo đại diện Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, đơn vị thi công, di tích đã được khảo cổ và chuẩn bị khâu tư vấn thiết kế rất kỹ nên việc thi công trùng tu tương đối thuận lợi. Đơn vị thi công sẽ bám theo hiện trạng và thiết kế để triển khai công tác trùng tu một cách chuẩn mực với chất lượng cao nhất.

Dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 2 năm, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng thực hiện.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình
Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
Return to top