ClockChủ Nhật, 01/12/2024 09:30

Huế - Đà Nẵng “bắt chặt tay” để cùng phát triển

TTH - Hai thành phố trực thuộc Trung ương Huế và Đà Nẵng nằm sát cạnh nhau là một thú vị lịch sử và đó là điều kiện cho cả hai cùng tăng cường hợp tác và phát triển.

“Khoác áo mới” cho di tích Hải Vân QuanPhối hợp quản lý, khai thác di tích Hải Vân Quan

 Di tích Hải Vân Quan sau khi được trùng tu. Ảnh: D. Thống

1. Khởi công từ tháng 12/2021, sau một thời gian trùng tu và phục hồi, di tích Hải Vân Quan bắt đầu mở cửa đón khách tham quan từ ngày 1/8/2024. Hai địa phương là tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã tiến hành hợp tác theo hình thức góp vốn 50 - 50 từ ngân sách cho dự án theo đúng các quy định hiện hành, hồ sơ dự án được duyệt theo trình tự thống nhất giữa hai bên. Xây dựng từ đời Trần và được trùng tu vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng (Triều Nguyễn), Hải Vân Quan được mệnh danh là  “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ đi vào Kinh đô Huế từ phía nam. Sự kiện này được xem là là cái bắt tay mang đầy tính biểu tượng của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

Gần như cùng lúc, cả 2 địa phương lại mang đến sự ngạc nhiên thú vị khác khi cùng khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi "Kết nối di sản miền Trung” vào ngày 26/3/2024. Với 2 đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng và chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới trên hành trình. Đưa vào khai thác tàu khu đoạn Huế - Đà Nẵng không chỉ góp phần đảm bảo kết nối đi lại giao thông của người dân giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, mà còn là trải nghiệm khám phá của du khách khi đến với 2 thành phố du lịch vừa cổ kính, vừa hiện đại bậc nhất cả nước này.

Hải Vân Quan thời gian đang còn hoang phế. Ảnh: D. Thống 

2. Trên đây là 2 sự kiện mang tính biểu tượng. Liên kết giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng trong du lịch đã có một bề dày phát triển. Cùng với Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng là 2 điểm nhấn chính của tour du lịch “Con đường Di sản miền Trung”. Đây là dự án có ý tưởng khởi đầu bởi ông Paul Stoll - một chuyên gia du lịch người Đức, được Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng hoàn chỉnh và phát động đã tạo ra một mạng lưới rộng khắp, góp phần xây dựng một thương hiệu riêng của du lịch Việt Nam, được ví với tour du lịch “Xa lộ lịch sử” của Nhật Bản, “Con đường rượu vang” của Pháp hay “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc.

Quan hệ hợp tác Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế đã vượt ra khỏi lĩnh vực du lịch. Đáng chú ý khi lần đầu tiên vào tháng 2/2018, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã đến Huế để cùng họp bàn với những người đồng cấp của Thừa Thiên Huế nhằm mở rộng hơn nữa không gian liên kết giữa hai địa phương. Cùng với du lịch là việc đánh giá lại hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh các liên kết về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp cao, y học và công nghệ thông tin; trao đổi, chia sẻ, kinh nghiệm về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, công viên phần mềm... với hy vọng thành công sẽ trở thành hình mẫu cho liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

3. Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, đây là vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt mức trung bình cao. Trước đó vào ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 26 - NQ/TW về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thừa Thiên Huế được xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Đà Nẵng được xây dựng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng là một trong số những mục tiêu hướng đến.

27 năm sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1/1/1997), ngày 29/11/2024, các đại biểu Quốc hội khóa XV lại tiếp tục bấm nút để thông qua đề án xây dựng thành phố Huế, gồm toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, trực thuộc Trung ương. Đây được xem là thời điểm mang tính lịch sử để 2 thành phố trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước, kế tục truyền thống, phát huy tiềm năng, nắm bắt cơ hội, "bắt chặt tay" hơn nữa, để mở rộng, nâng tầm quan hệ hợp tác, tạo dựng một không gian kinh tế - xã hội chung, góp phần cùng cả nước vững vàng đi lên trong hội nhập và phát triển.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hùng vĩ Hải Vân Quan

Sau “cái bắt tay đầy ý nghĩa giữa mây trời Hải Vân” giữa chính quyền hai địa phương: Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng, di tích Hải Vân Quan – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” được bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị. Công trình chính thức được mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 1/8/2024.

Hùng vĩ Hải Vân Quan
Liên kết để cùng phát triển

Từ một khu vực thường xuyên xảy ra các tranh cãi, giành giật, chèo kéo khách khi đến mua sắm hàng lưu niệm và thưởng thức ẩm thực, sau khi triển khai công tác tuần tra, xử lý các vi phạm, đồng thời thành lập Tổ liên kết đậu hủ Hương Long, điểm tham quan du lịch ở chùa Thiên Mụ, phường Hương Long, TP. Huế đã đi vào nề nếp và đảm bảo trật tự đô thị (TTĐT).

Liên kết để cùng phát triển
Return to top