Tượng Phan Bội Châu
Mới nghe nói “đồi thi nhân” tôi đã nghĩ đến khu danh thắng Ghềnh Ráng gắn với mộ Hàn Mặc Tử ở ven biển Quy Nhơn, dưới chân đồi là bãi tắm Hoàng hậu tuyệt đẹp. Đồi thi nhân ở Quy Nhơn đã được Bộ VHTTDL ra quyết định công nhận danh thắng quốc gia. Nhà thơ Nguyễn Văn Bổn chưa đề xuất địa điểm nhưng tôi đã nghĩ là không có nơi nào thích hợp hơn, và đẹp hơn đồi Vọng Cảnh.
Các vườn tượng thì đã có sẵn. Đó là thành quả của 5 trại sáng tác điêu khắc quốc tế, quy tụ các nhà điêu khắc đến từ nhiều quốc gia, và nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Cuộc hội ngộ của đủ mặt các nhà điêu khắc đại diện cho nhiều nền văn hoá trên thế giới đã làm cho phong cách nghệ thuật các tác phẩm đa dạng, phong phú. Có những tác giả đã làm giàu thêm cho Cố đô Huế bằng phong cách hoàn toàn mới lạ của một nền văn hoá khác. Các tác giả đã đồng thuận ký tên vào một văn bản xác nhận trao tặng quyền sở hữu tác phẩm của mình cho Nhân dân thành phố Huế. Đây là thiện chí và là tình cảm của các tác giả dự trại sáng tác đối với Huế.
Có 2 vườn tượng ở ngoại vi thành phố, nằm trong khu du lịch Tam Giang và Thiên An. 3 vườn tượng bố trí dọc hai bên bờ sông Hương, ở công viên Lý Tự Trọng (trước Trường Quốc Học và Hai Bà Trưng), công viên 3-2 và công viên Phu Văn Lâu với gần 100 tác phẩm, chủ yếu bằng chất liệu đá.
Các trại sáng tác nói trên đáp ứng một phần nhu cầu tôn tạo cảnh quan bên bờ sông Hương, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền điêu khắc hiện đại của thành phố Huế. Các nghệ sĩ đến dự trại đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình cho một dự án có mục đích. Họ tự do thể hiện tác phẩm phù hợp với chủ đề của trại theo các khuynh hướng nghệ thuật và sự tìm tòi sáng tạo cá nhân. Những tác phẩm điêu khắc đương đại, đậm đà bản sắc dân tộc và những tác phẩm thuộc nhiều nền nghệ thuật trên thế giới đã chung sống với di sản nghệ thuật Cố đô bên bờ sông Hương thơ mộng.
Tượng Cô gái Việt Nam
Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một trại sáng tác khó có thể để lại những tác phẩm xuất sắc. Một số tác phẩm chưa hài hòa với nghệ thuật truyền thống Huế. Sắp xếp, bố cục vườn tượng còn rối rắm, chưa hợp lý. Vì vậy, muốn phát huy hiệu quả thì các vườn tượng phải được quy hoạch lại. Chỉ giữ lại những tác phẩm tinh túy, mạnh dạn đưa một số tác phẩm không thích hợp tập kết về một địa điểm khác. Đồng thời, cần được bổ sung thêm một số tác phẩm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế.
Huế có đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Xuân Diệu, Văn Cao… Nhưng các bậc thi bá ấy đều chưa có tượng. Khi đã có thì tượng các nhà thơ lớn ấy nên dựng ở các công viên dọc bờ sông Hương. Du khách, và cả người Huế, khi dạo chơi sẽ tưởng như đang mơ màng với “Tiếng sáo Thiên Thai”, “Suối mơ”; như được thì thầm, trò chuyện cùng nhà thơ từng viết “Hương Giang nhất phiến nguyệt/Kim cổ hứa đa sầu”; “Trường Giang như kiếm vạch thanh thiên”… Và miên man thế sự với người “Đem thân cho thế gian ngồi”, “Lòng trung ở với nước nhà”…
Tôi nghĩ, đó là những tượng đài Sông Hương!
Bài, ảnh: Thanh Tùng