ClockThứ Tư, 02/02/2022 06:30

Vẫn mơ tranh Sình đi khắp năm châu

TTH - Bữa đó bạn nói đưa tôi đi ngắm “Huế xanh”. Ngày chớm nắng, đứng trên cầu Dã Viên nhìn sang bờ Bắc, Hương Giang được phối bởi nhiều mảng màu: vàng của điệp, đỏ của phượng, tím bằng lăng, xanh của trời và nước. Tôi chợt thấy nó giống màu vui tươi, no đủ của một bức tranh nào đó. À, đúng rồi, bức tranh trong nỗi nhớ 30 năm có lẻ của tôi: Tranh Sình!

Học sinh trải nghiệm tranh dân gian làng Sình

Sình là tên Nôm của làng Lại Ân, cách Kinh thành Huế khoảng 7km về phía Đông Bắc. Đầu làng có ngôi chùa Sùng Hóa cổ xưa, cuối làng có nhà thờ và đình làng ở giữa, uy nghi bên gốc đa cổ thụ, hướng mặt ra bờ sông. Sình có thời kỳ được biết đến là làng lúa, làng hoa. Hoa vàng rực bờ sông mỗi độ xuân sang. Trong làng, những con đường đất mềm mại được ôm ấp dưới bóng những rặng tre ngà. Tôi mê mẩn ngôi làng, nhất là mỗi độ xuân về, khi có chút sương mỏng sắp tan trong ánh ngày vừa rạng.

Nhưng làng nổi tiếng không phải vì đẹp mà vì nơi đây có nghề làm tranh dân gian. Tranh Sình được giới chuyên môn đánh giá là những tác phẩm tạo hình có giá trị trong kho tàng tranh khắc gỗ dân gian Việt Nam, sánh với những làng tranh nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội).

Tranh Sình xưa được in trên giấy dó. Người làng phải vượt truông nhà Hồ, vượt phá Tam Giang ra tận Quảng Bình để mua loại giấy này. Sau Tết Nguyên đán, mồng 10, làng tổ chức hội vật linh đình để tuyển chọn các trai tráng sức vóc, lên rừng tìm cây vang, cây hòe; xuống biển mò con điệp, lấy vỏ phơi khô, đem về giã thành bột, dùng làm màu tô tranh. Những chất liệu này được trộn với bột nếp, phết lên giấy dó rồi dùng ván khắc in tranh. Tranh Sình xưa vì vậy là sự dung hội của rừng, biển, đồng lúa, mỗi tờ tranh đều phảng phất hương thơm đồng nội.

Tôi đọc đâu đó rằng: Huế là một trung tâm văn hóa sôi động; trong đó, đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo đức hết sức độc đáo.

Và tranh Sình là một trong những sự độc đáo đó. Người Huế xưa coi trọng việc thờ cúng, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên nên tranh thờ phải đạt đến sự tinh tế trong từng đường nét; mộc mạc, ấm cúng trong từng mảng màu; thơm tho khi cầm trên tay. Tín ngưỡng mà ẩn chứa trong đó cả chiều sâu văn hóa thâm trầm và lịch lãm của đất kinh kỳ.

Tôi hỏi bạn, làng Sình còn giữ được nghề làm tranh? Bạn tôi la lên: “Về làng đi, xưa mi ước chi giờ thành hiện thực rồi đó”. Tôi đã ước gì nhỉ? Ba mươi năm trước, nghề làm tranh ở làng đang có nguy cơ thất truyền... À, ước một mai về lại làng thấy cô thôn nữ miệng cười chúm chím, phơi tranh trong nắng mùa xuân; ước mấy anh Tây, chị Tây ngồi in tranh cùng lũ trẻ, trong ba lô của họ, tranh Sình đi khắp năm châu; ước, tranh làng Sình trở thành một mặt hàng mỹ nghệ, xuất khẩu ra nước ngoài ”.

Giữ tranh làng Sình

Hồi đó, để hoàn thành luận văn tốt nghiệp chuyên ban Dân tộc - Khảo cổ học của Khoa Lịch sử Trường đại học Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Huế), tôi với chiếc xe đạp cà tàng suốt mấy tháng ròng ngày 2 buổi đi - về làng Sình và các làng lân cận để tìm tư liệu và nghe các cụ già kể chuyện. Có những đêm nghe các cụ hò giã điệp mà ngỡ ngàng, sao các cụ ngày xưa duyên và dí dỏm là thế. Cả một kho tàng văn hóa dân gian, chỉ cần khơi nguồn là tuôn chảy những giá trị độc đáo.

Bản luận văn “Tranh làng Sình” với 150 trang chép tay hoàn thành cũng là lúc tôi chia tay với làng Sình từ đó đến nay. Hỏi thêm bạn là có ai còn làm tranh Sình như hồi xưa không, là tờ tranh thơm tho có cả nhạc, cả thơ, cả hương đồng gió nội trong đó, bạn thoáng suy tư: “Giờ e không còn ai làm tờ tranh như rứa nữa, sẵn phẩm màu rồi, tờ tranh Sình rực rỡ, tươi tắn hơn, giấy in cũng đẹp hơn, tranh xưa chỉ còn là hoài niệm”.

Vâng, thì biết vậy, phải tìm sự thích ứng văn hóa mới giữ được làng tranh xưa. Còn bản khắc gỗ là vẫn còn hồn cốt của tranh Sình. Nhưng vẫn thấy tiêng tiếc tờ tranh xưa cũ.

Nói Huế bây giờ trong cảm thức của mình như tranh Sình là vậy. Cái thích ứng hôm nay làm cho Huế hiện đại và năng động, nhưng cũng có một Huế trầm tích bởi lớp lớp những giá trị được xếp ngăn nắp để khi cần là có thể tìm thấy, mở ra...

Bạn tôi ước Huế giàu. Tưởng bạn ước giàu theo kiểu “giàu sang phú quý”, ai dè bạn tôi vẫn là cô gái Huế khiêm nhu trong phủ, đệ, chỉ ước Huế giàu về thiên nhiên, văn hóa, tinh thần. Thì xưa nay thiên nhiên và văn hóa Huế vẫn giàu đó thôi, không những giàu mà còn giàu khiến người ta ngưỡng vọng.

Hiếm có nơi đâu thành phố như một khu vườn khổng lồ, rộn ràng tiếng chim, xôn xao cây lá, cỏ hoa như ở Huế. Bạn kể, mạ dặn mấy anh em mình làm cái nhà mới thì nhớ theo ông bà xưa, xây cái cổng có mái che để lỡ ai qua đường gặp mưa thì có chỗ mà trú; ăn cơm còn dư thì tìm cái nơi cao cao, dễ nhìn thấy mà rải ra, cho lũ chim về ăn, để hắn nhớ nhà mình mà trở lại. Gần gũi, hòa ái với thiên nhiên nên Huế mang lại cảm giác bình yên, ấm cúng, ai một lần đến đều mong ngày trở lại.

Rồi Huế sẽ rộng dài, cao lớn hơn trong tổng phối kiến trúc đô thị. “Di sản xanh” mà Huế mơ ước để lại cho hậu thế chắc chắn sẽ là sự dung hội của rừng, biển, ruộng đồng, dòng sông... với những mảng màu tươi vui, no ấm, đủ đầy.

Biết là chẳng thể quay về ngày cũ, tôi vẫn nhớ Huế với hương thơm đồng nội trong bức tranh xưa, vẫn mơ tranh Sình mang tâm hồn Huế đi khắp năm châu.

Bài: Trần Hồng Hiếu

Ảnh: Trương Vững

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để văn hóa bản địa “níu chân” du khách

Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch cũng do yếu tố văn hóa bản địa quyết định. Các địa phương tại Thừa Thiên Huế có những lễ hội đặc sắc, nhưng để thu hút khách cần thiết phải đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng từ yếu tố này và chú trọng hơn công tác quảng bá.

Để văn hóa bản địa “níu chân” du khách
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người nặng lòng với công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế

“Văn hóa còn là dân tộc còn” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều lần như thế khi khẳng định vai trò của văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào năm 2021. Trong những chuyến làm việc với các tỉnh, thành, Tổng Bí thư thường dành riêng thời gian đến thăm các di sản văn hóa và căn dặn đội ngũ làm văn hóa không ngừng học tập phấn đấu để nâng cao trình độ kiến thức, bồi đắp tình yêu, sự tâm huyết đối với các di sản vô giá của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người nặng lòng với công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế
Nơi “gặp gỡ” văn hóa

Bên cạnh chức năng chính trưng bày các hiện vật, nhiều bảo tàng, không gian văn hóa nghệ thuật còn đảm nhận một chức năng quan trọng khác đó là tổ chức các sự kiện giao lưu, trò chuyện, tọa đàm những vấn đề liên quan. Chính những không gian như thế đã trở thành điểm đến, tạo được sự kết nối giữa giới nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa cũng như những người có niềm đam mê gặp gỡ.

Nơi “gặp gỡ” văn hóa
50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian

Thừa Thiên Huế là vùng đất mang dấu ấn của thời di dân mở nước hơn 700 năm. Vì thế, cội nguồn văn hóa hình thành từ sự dung hợp bản sắc văn hóa của cư dân bản địa cùng cư dân Việt từ khắp các vùng miền của đất nước. Văn hóa dân gian luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng người Huế.

50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian

TIN MỚI

Return to top